Trong cơn lao dốc của giá vàng thế giới
Lo ngại về thanh khoản của hệ thống tài chính khiến giá vàng thế giới lao dốc. Trong hai ngày 24 và 25.9.2011, giá vàng SJC chỉ còn ở quanh mức 45,5 – 46 triệu đồng/lượng, giảm gần 1,5 triệu đồng/lượng so với đầu tuần trước.
Đây là mức giá vàng thấp nhất trong vòng một tháng qua nhưng lại đi cùng với mức chênh rộng kỷ lục giữa giá vàng trong nước và thế giới: gần 4 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch lớn này cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND tự do tăng lên mức 21.200 – 21.280, có thể khiến NHNN gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bình ổn tỷ giá.
Giảm do lo ngại về thanh khoản của hệ thống tài chính
Căng thẳng nợ công tại châu Âu và nỗi lo đổ vỡ của Hy Lạp đang khiến hệ thống tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu càng trở nên bất ổn. Điều này càng trở nên tồi tệ khi nhiều ngân hàng lớn của khu vực châu Âu bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. Moody’s đã hạ xếp hạng nợ dài hạn hai ngân hàng lớn nhất của Pháp là Credit Agricole từ Aa2 xuống Aa3 và Societe Generale từ C+ xuống C. Còn S&P đã hạ một bậc xếp hạng tín dụng của Ý và hạ xếp hạng bảy ngân hàng khác của nước này. Những điều trên gần như đã tạo một cú sốc lớn với thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư đã bán tháo tất cả các loại tài sản, kể cả vàng, để tăng tỷ lệ tiền mặt nắm giữ do lo ngại hệ thống tài chính đổ vỡ. Các diễn biến trong cuộc khủng hoảng này gần tương tự với cuộc khủng hoảng năm 2008 khi các thị trường tài chính toàn cầu đều lo ngại về thanh khoản của các ngân hàng.
Mặc dù Fed đã đưa ra gói cứu trợ QE 2.5 (Operation Twist) nhưng gói cứu trợ này vẫn chưa đủ để gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Về bản chất, gói QE này chỉ đơn giản là hành động chuyển đổi kỳ hạn trái phiếu ngắn hạn sang dài hạn của Fed. Không có thêm một dòng tiền mới nào xuất hiện. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có khả năng suy thoái trở lại, các ngân hàng của Mỹ và châu Âu tạm dừng hoặc giảm các hạn mức giao dịch với nhau để đảm bảo thanh khoản. Lo ngại trước tình trạng thanh khoản căng thẳng, thị trường chứng khoán toàn cầu đều giảm điểm mạnh. Giá vàng cùng giá hàng hoá khác cũng không nằm ngoài xu hướng này. Giá vàng đóng cửa cuối tuần trước đã giảm gần 9% so với tuần trước đó xuống mức 1.642 USD/ounce trong khi giá dầu đã ở dưới mức 80 USD/thùng.
Chênh lệch giá lớn nhưng vẫn tiếp tục hấp dẫn người dân
Khác với diễn biến trong quá khứ và trái với hành động của các nhà đầu tư thế giới, khi giá vàng hạ thấp người dân trong nước lại xếp hàng đi mua. Hiện tượng, người dân đổ xô đi mua vàng khi giá giảm phần lớn do thói quen trong quá khứ và quan niệm của người dân giá vàng luôn ở trong xu hướng tăng dài hạn. Đặc biệt, giá vàng thường tăng rất mạnh khi giá thế giới leo thang. Nhưng nếu giá thế giới giảm nhanh thì giá vàng trong nước giảm hết sức chậm chạp, thậm chí đi ngang. Điều này tạo ra một tiềm thức về giá vàng luôn ổn định và sẽ tăng mạnh khi rủi ro xuất hiện.
Hơn nữa, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2011 khó khăn. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không hiệu quả thì vàng được ưa chuộng là điều dễ hiểu. Một thực tế hiển hiện là trong năm 2011 những nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu hay bất động sản đều đang gặp thua lỗ lớn thì những người nắm giữ vàng hầu hết đều đang có lãi. Kênh đầu tư tiết kiệm cũng đang mất đi vị thế do lãi suất tiết kiệm VND đồng loạt hạ về trần 14%. Với lạm phát tính cho đến hết tháng 9.2011 là 16,63% so với tháng 12.2010 và 22,42% so với cùng kỳ năm trước thì người gửi tiết kiệm đương nhiên có lãi suất thực âm. Lợi thế của vàng là rất rõ ràng và dễ hiểu với việc lựa chọn vàng của người dân.
Nhu cầu vàng trong nước hiện tại đang lớn đến mức người dân sẵn sàng chấp nhận mua đắt hơn so với giá thế giới đến vài triệu đồng/lượng. Hơn 500kg vàng của SJC vừa nhập về được bán sạch. PNJ cũng đã bán ra vài ngàn lượng/ngày. Nhu cầu tăng cao khiến giá vàng trong nước vẫn giữ giá đã đẩy chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lên mức kỷ lục. Chênh lệch giá vàng lớn cùng với nhu cầu trong nước tăng cao khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu vàng tăng cường nhập khẩu ngay khi có hạn mức. Cam kết trước đó của NHNN về việc điều hành thị trường vàng là “NHNN sẵn sàng nhập khẩu vàng không giới hạn để đáp ứng nhu cầu trong nước” đang tạo kỳ vọng rất lớn cho giới kinh doanh vàng. Với mức chênh lệch giá vàng cao như vậy thì nếu cam kết này được NHNN thực hiện, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng có thể gia tăng đột biến làm cho tỷ giá USD/VND chịu thêm sức ép phải điều chỉnh do tình trạng hai tỷ giá.
Xử lý tình trạng hai tỷ giá để giúp ổn định tỷ giá
Sức ép làm tăng tỷ giá USD/VND do biến động của giá vàng là rất dễ nhận thấy. Tỷ giá tự do hiện đã ở mức 21.280 vào cuối tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM vẫn chỉ ở mức 20.834, thấp hơn so với tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do gần 500 đồng/USD.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao hơn so với thị trường liên ngân hàng là do NHNN tiếp tục can thiệp với việc bán ra khoảng 1,5 tỉ USD từ giữa tháng 8.2011. Sự can thiệp này hoàn toàn dựa trên kỳ vọng về sự chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô trong thời gian tới như lạm phát tiếp tục xu hướng giảm, cán cân thanh toán tổng thể cả năm nay có thể dương từ 1 – 2 tỉ USD. Trạng thái ngoại hối của các NHTM trong tuần từ 10 – 16.9.2011 vẫn tiếp tục dương và hơn hết là việc NHNN tin rằng NHNN có đủ nguồn USD để bình ổn thị trường ngoại hối giữ cho tỷ giá không điều chỉnh từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, việc can thiệp vào thị trường ngoại hối trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn bởi tỷ giá giao dịch của các NHTM với nhau và với khách hàng tiếp tục cao hơn mức tỷ giá trần.
Nếu NHNN không tìm cách thu hẹp được khoảng cách giữa tỷ giá trên thị trường tự do với tỷ giá giao dịch thực của các ngân hàng và tỷ giá niêm yết thì sớm muộn, sức ép phải điều chỉnh giảm giá cũng sẽ diễn ra. Trong những lần NHNN điều chỉnh tỷ giá gần đây thì có thể thấy rằng, mức tỷ giá sau khi điều chỉnh thường về sát với mức tỷ giá trên thị trường tự do. Điều này khiến cho cơ chế hai tỷ giá lại đang trở thành nỗi lo lớn sẽ làm gia tăng sức ép buộc NHNN phải điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa trong những tháng cuối năm.
Để tránh những biến động giật cục trong thị trường ngoại hối và thị trường vàng, điều cần thiết là phải tạo được sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường thế giới. Đồng thời NHNN cần tìm ra một cơ chế mới cho việc điều hành tỷ giá thay vì cơ chế tỷ giá trần như hiện nay. Có như vậy, tỷ giá mới có những bước biến động nhịp nhàng, tránh những nguy cơ phải điều chỉnh giảm đột ngột với biên độ lớn như trong những năm vừa qua.
Nguyễn Minh Cường
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|