Thứ Hai, 19/09/2011 16:59

Vàng trong dân: 20 tỷ USD làm sao thành nguồn lực?

Việc Nhà nước huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc. Muốn vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tạo niềm tin để người dân gửi vàng cho Nhà nước là điều rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là Chính phủ sẽ làm gì để hơn 500 tấn vàng đang nằm trong dân, tương đương hơn 20 tỷ USD phát huy giá trị ích nước, lợi nhà?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, việc huy động vàng trong dân để làm tăng dự trữ vàng của Nhà nước, đồng thời qua đó, vốn hóa lượng vàng khổng lồ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh là điều hợp lý và đặc biệt quan trọng. Ông Nghĩa phân tích, việc vốn hóa có thể thực hiện bằng cách: NHNN ủy thác cho một số NHTM có lựa chọn được phép huy động vàng và phát hành các chứng chỉ vàng cho người gửi. Trong trường hợp cần thiết, NHNN mua số lượng vàng này để làm vàng dự trữ của NHNN.

80% người mua vàng đều gửi tiết kiệm nên nếu phát hành chứng chỉ bằng vàng, người dân không cần mang vàng miếng về nhà mà chỉ cầm chứng chỉ về. Và như vậy, lượng vàng miếng giao dịch trên thị trường sẽ giảm chỉ còn 20 - 30%. Đặc biệt, các chứng chỉ vàng này, dân chúng có thể được phép cầm cố vay vốn hoặc chuyển nhượng mà không cần sử dụng vàng vật chất, an toàn hơn cầm cố bất động sản. "Đây có thể coi như là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo ra những công cụ tài chính cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung", ông Nghĩa nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sau khi huy động vàng trong dân, NHNN có thể sử dụng lượng vàng để bình ổn thị trường hoặc để thế chấp vay vốn từ nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) lại cho rằng, trước hết, Chính phủ nên khuyến khích các NHTM huy động tiết kiệm bằng vàng với lãi suất thấp, sau đó, sử dụng nguồn vốn bằng vàng này theo những phương thức sau:

Thứ nhất, các NHTM sau khi huy động tiết kiệm bằng vàng, nếu không muốn cho các doanh nghiệp vay vốn bằng vàng vì sợ rủi ro thì có thể gửi số vàng này cho các ngân hàng nước ngoài có uy tín lớn, độ tin cậy cao như UBS, MKS Thuỵ Sỹ, HSBC và dùng số vàng gửi này làm tài sản đảm bảo để vay ngoại tệ số lượng lớn với lãi suất thấp 2,5 - 3,5%/năm của ngân hàng nước ngoài để cho các doanh nghiệp Việt Nam vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, các NHTM sau khi huy động tiết kiệm bằng vàng có thể xuất khẩu số vàng này để thu USD về đầu tư vào phát triển kinh tế Việt Nam . Đồng thời, khi xuất khẩu bao nhiêu vàng thì NHTM phải mua lại trên tài khoản với các ngân hàng có uy tín của nước ngoài đúng số lượng vàng đã xuất khẩu cùng thời điểm, cùng giá. Với việc làm này, các NHTM chỉ cần ký quỹ 7% nhưng tránh được rủi ro trượt giá vàng. 93% số ngoại tệ xuất khẩu vàng thu được, các NHTM Việt Nam đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam vay để sản xuất kinh doanh. Khi cần chi trả vàng tiết kiệm cho khách hàng thì các NHTM của Việt Nam chuyển trả nốt 93% số tiền còn lại cho ngân hàng nước ngoài mà họ đã mua vàng trên tài khoản trước đây để nhập khẩu vàng vật chất về Việt Nam chi trả cho khách hàng.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều cho rằng, NHNN cần cho phép các NHTM và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, vì đây là những công cụ phái sinh giúp các NHTM cân đối trạng thái vàng nhằm phòng ngừa rủi ro do biến động giá. Với nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được ngoại tệ trong kinh doanh vàng vì chỉ cần đặt cọc 7%.

"Đây là một trong những tiền đề quan trọng để giá vàng trong nước, quốc tế liên thông và cân bằng với nhau, tránh những cú sốc không bình thường trên thị trường nội địa. Vừa có tác dụng phòng tránh rủi ro về vàng, vừa có tác dụng hạn chế việc đầu cơ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, việc cho phép mở tài khoản vàng đối với một số ngân hàng được lựa chọn cũng là tiền đề hình thành một sàn giao dịch vàng trong tương lai", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Hồng Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Trách nhiệm của tập đoàn trong việc thua lỗ, nợ nần (19/09/2011)

>   Bộ Tài chính đề xuất WB thêm hình thức tài trợ trực tiếp vào ngân sách (18/09/2011)

>   Việt Nam muốn có cơ quan xếp hạng tín nhiệm riêng (16/09/2011)

>   ADB: Việt Nam cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ (14/09/2011)

>   Giá - Lương - Tiền và công cụ lãi suất (08/09/2011)

>   NHNN: Tạm thời chưa áp dụng quy định tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư 13 và 19 (29/08/2011)

>   Kích hoạt thị trường cho thuê tài chính (25/08/2011)

>   Eximbank ưu đãi lãi suất 17%/năm cho xuất khẩu (24/08/2011)

>   Kiểm soát chặt vay nợ của các tập đoàn (22/08/2011)

>   Áp lực tỷ giá cuối năm (22/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật