Giá - Lương - Tiền và công cụ lãi suất
Tình hình hiện nay đang khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện về cải cách Giá - Lương - Tiền năm 1985.
Khi đó, giá cả cũng tăng cao, sản xuất đình đốn. Chính phủ phải in thêm tiền để “bù giá vào lương”, khiến lạm phát càng “phi mã”. Chỉ đến khi Chính phủ sử dụng công cụ lãi suất mới vãn hồi phần nào được lạm phát.
Câu chuyện Giá – Lương – Tiền
Giá: Nền kinh tế Việt Nam khép lại năm 2010 với tỷ lệ lạm phát 11,75% (Trong đó, yếu tố tiền tệ đóng góp tới 4,65% và các yếu tố khác góp 7,1%). Bước sang quý 3 năm 2011, giá cả tiếp tục leo thang. Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước 8 tháng đầu năm 2011 tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2010.
Lương: Lạm phát tăng cao khiến cho những người làm công ăn lương hết sức khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng từ ngày 1/5. Ngày 22/8, Chính phủ tiếp tục chấp thuận đề xuất tăng mức lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/10 lên cao nhất là hai triệu đồng/tháng. Đây có thể coi là một cách “bù giá vào lương” cho một bộ phận nhân dân.
Tiền: Nhìn vào bảng niêm yết các mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay, nhiều chuyên gia thấy ngay thị trường tiền tệ đang có biểu hiện “méo mó”. Đó là gần như chỉ có một mức lãi suất cho tất cả các kỳ hạn. Theo bà Phan Thanh Hà – Phó vụ trưởng Vụ tài chính – tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự “méo mó” lãi suất có một số nguyên nhân, trong đó có Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư sửa đổi bổ sung số 19/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó hai Thông tư này quy định từ ngày 1/10/2010, các ngân hàng phải nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% và giới hạn tỷ lệ cho vay 80% số vốn huy động. Quy định này đã khiến nhiều ngân hàng lâm vào cảnh thiếu tiền cho hoạt động tín dụng. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu của các ngân hàng, thậm chí ở các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa, tỷ lệ này lên đến 80%-90%. Cùng lúc, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng, khiến các ngân hàng nhỏ bằng mọi giá phải tìm thêm nguồn vốn, tăng thêm cổ đông.
Việc tăng vốn vô hình trung đã tạo thêm sức ép về lợi nhuận từ các cổ đông, khiến các NHTM phải tăng lãi suất “hút” tiền vào, để cho vay ra thu lợi nhuận, “châm ngòi” cho những cuộc đua lãi suất. Hậu quả là doanh nghiệp vốn đang chịu cảnh chi phí, giá cả đầu vào tăng cao, nay phải gánh thêm phần lãi vay lên tới 21% đến 24%, khiến kinh doanh co cụm, sản xuất đình đốn, làm ăn thua lỗ.
Theo Báo cáo thường niên chỉ số tín nhiệm Việt Nam năm 2011 vừa công bố, có hơn 1% số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính, nguy cơ “vỡ” nợ cao.
Tình hình hiện nay khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện về cải cách Giá – Lương –Tiền năm 1985. Khi đó, cuộc cải cách Giá - Lương - Tiền nhằm kiểm soát lượng tiền để kìm hãm giá, mặc dù lý do vật giá tăng cao là vì thiếu hàng hóa và sản xuất thấp, chứ không phải vì lượng tiền lưu hành. Cuộc cải cách cố ấn định giá cả, xóa bỏ tình trạng hai giá, kiểm soát tiền tệ nhưng thất bại. Mãi đến cuối năm 1988, Chính phủ mới sử dụng công cụ nâng lãi suất tiết kiệm để tiến công lạm phát. Đây là một liều thuốc mạnh nhưng chưa thật sự nhạy bén, linh hoạt và đồng bộ với các công cụ khác nên nguy cơ lạm phát vẫn còn đe dọa. Tất nhiên, bản chất, bối cảnh của câu chuyện năm xưa khác hoàn toàn so với hôm nay, nhưng những biểu hiện của hai thời kỳ có nhiều phần giống nhau. Khác biệt là ở chỗ, lãi suất năm 1985 quá thấp, còn giờ đây thì lại quá cao.
Doanh nghiệp than khó
Trở lại với vấn đề Giá – Lương – Tiền hôm nay, và đặt trong mối quan hệ Doanh nghiệp – Người lao động – Ngân hàng. Doanh nghiệp hiện đang phải chịu cảnh thiếu vốn, giá đầu vào tăng cao, đầu ra thì ế ẩm. Đồng lương của người lao động thì thấp so với giá cả leo thang, khiến người dân lao động chỉ còn biết “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi ngành ngân hàng luôn được coi là “xương sống” của nền kinh tế, vì ai cũng cần đến ngân hàng. Người dân tìm đến ngân hàng lúc túng thiếu, cũng như lúc dư giả. Doanh nghiệp lại càng phải nhờ cậy ngân hàng cho sản xuất, kinh doanh. Và nếu có một ngân hàng nào không may gặp nạn, chẳng hạn như chuyện tin đồn Tổng giám đốc Ngân hàng ACB bỏ trốn hồi tháng 10/2003, sẽ được Ngân hàng Nhà nước giải cứu.
Với thế mạnh và sự ưu ái, những năm trở lại đây, ngành này đã đạt những bước tăng trưởng mạnh, đến nỗi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải “tuýt còi” giảm tốc để bảo đảm an toàn. Lợi nhuận của các NHTM theo đó cũng dâng lên, giảm xuống, song gần như không có báo cáo lỗ.
Trong khi nhiều doanh nghiệp và người dân đang lâm cảnh khó khăn. Lợi nhuận là mục tiêu chính đáng của mọi doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên trong một lần trả lời báo chí gần đây, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đã bày tỏ sự “không đồng tình trong hoàn cảnh doanh nghiệp khó khăn mà ngân hàng lãi nhiều quá thì không hay”.
Vị nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng: “Ngân hàng không thể sống một mình”. Doanh nghiệp là nhóm khách hàng quan trọng, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp quá khó khăn, làm ăn đổ vỡ thì đến lượt mình, ngân hàng cũng sẽ chịu thiệt hại, ông Cao Sỹ Kiêm cảnh báo.
Lợi ích nhóm tự thân nó không phải là xấu, nhưng khi một nhóm nào đó trong xã hội lại thu được quá nhiều lợi ích so với những nhóm khác thì nhiều người sẽ cảm thấy “tủi thân”. Khi đó, vai trò điều hòa lợi ích của Nhà nước lúc này hết sức quan trọng.
Ngân hàng kêu khổ
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính các NHTM cũng đang gặp khó khi phải chịu nhiều áp lực từ các chính sách điều hành, từ những khó khăn chung của cả nền kinh tế đang hội nhập. Duy trì mặt bằng lãi suất cao trong suốt một thời gian dài được cho là nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn, co hẹp và tăng nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên lý giải về vấn đề này, bà Phan Thanh Hà – Phó Vụ trưởng Vụ tài chính-tiền tệ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư sửa đổi bổ sung số 19/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng hợp ý kiến của các ngân hàng về hai thông tư này, bà Hà cho rằng, việc ban hành Thông tư quy định về các tỷ lệ an toàn trong các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và về cơ bản là phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên việc chuẩn bị chưa kỹ, chưa tính đến thực tế của Việt Nam để quy định thời điểm hiệu lực có ý nghĩa thi hành phù hợp. Theo đó, NHNN chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến của các tổ chức tín dụng trong quá trình soạn thảo, chưa lường hết những tác động tiêu cực của Thông tư đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung do chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá tác động. Thời gian từ khi ban hành đến khi có hiệu lực ngày 1/10/2010 chỉ trong năm tháng là quá ngắn, khiến các NHTM không thể thực hiện được.
Báo cáo kiến nghị của các NHTM giải thích, quy định trong Thông tư 13 chưa tính đến đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam là vốn tự có hầu như chỉ bao gồm vốn điều lệ. Việc nâng từ 8% lên 9% là quá đột ngột do nâng mức tuyệt đối đồng thời với thay đổi cách tính vốn tự có và tài sản có rủi ro. Để bảo đảm tăng tỷ lệ lên 9% đòi hỏi các NHTM phải “Huy động thêm vốn điều lệ” hoặc “Giảm tài sản có rủi ro, trong đó có dư nợ cho vay và đặc biệt là các khoản đầu tư góp vốn và đầu tư chứng khoán”. Trong khi, việc huy động thêm vốn điều lệ trong một thời gian ngắn và không được dự tính từ đầu năm kế hoạch là không thể thực hiện được do chưa có ý kiến của Đại hội đồng cổ đông (đối với NH cổ phần) hoặc ngân sách Nhà nước (đối với NH có vốn Nhà nước). Việc giảm dư nợ cũng đòi hỏi thời gian do không thể hủy hợp đồng cho vay đã ký với khách hàng khi chưa hết thời hạn hợp đồng.
Những tín hiệu khả quan
Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi những tín hiệu tích cực, khi tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có những cam kết mạnh mẽ về lãi suất, được cho là “thủ phạm” gây khó cho cả doanh nghiệp, NHTM và người dân. Theo đó, từ cuối tháng 9/2011 trở đi sẽ đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về 17-19%/năm.
Trong một bài viết trên website chính thức của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nói như vậy không phải hô khẩu hiệu, mà nói là làm. Cái gì làm được thì phải khẳng định làm được. Cái gì chưa làm được thì tìm biện pháp giải quyết, chứ không thể nói mà không làm”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ sửa sai để gỡ khó cho các NHTM. Sau khi tham vấn 12 NHTM lớn, NHNN đã có động thái tích cực đầu tiên nhằm giảm lãi suất. Theo đó, NHNN khẳng định: “Hiện nay, thanh khoản đồng Việt Nam trong toàn hệ thống đang dư thừa”. NHNN tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại hai Thông tư (quy định việc cấp tín dụng từ nguốn vốn huy động tại các ngân hàng không được vượt quá 80%), nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường vốn và giữa các tổ chức tín dụng thừa và thiếu vốn, giúp các TCTD thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.
Trong một diễn biến khác, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, NHNN có thể mua lại, hoặc buộc sáp nhập các ngân hàng yếu kém.
Bình luận về việc sửa hai Thông tư trên, chuyên gia tài chính Phan Thanh Hà khuyến nghị, NHNN cần lấy ý kiến trực tiếp của các đối tượng; Cần đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện hai Thông tư trên. Đồng thời, NHNN cũng cần đánh giá tác động của việc sửa đổi hai Thông tư trên, bằng cách lấy mẫu từ ba ngân hàng để mô phỏng. “Điều mà trước đây chưa làm được”, Bà Hà nói.
Bà Hà gợi ý, việc lấy ý kiến các ngân hàng có thể thông qua Hiệp hội Ngân hàng, hoặc trực tiếp từ các NHTM. Đồng thời NHNN cũng nên có tham khảo, so sánh với các chuẩn mực quốc tế xem như thế nào. Bà Hà thêm: “NHNN cũng cần phải tính đến lộ trình cho các ngân hàng thực hiện được, nếu không các ngân hàng sẽ lại biến báo đi thôi”. Bà dẫn câu chuyện “Một bữa no” của nhà văn Nam Cao nói: “Cho ăn khi đói thì đúng rồi, nhưng nếu ăn nhiều quá một lúc cũng chết”.
Với những công cụ trong tay, người dân và doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào những bước đi cụ thể của ngành ngân hàng, để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và đời sống của người dân bớt khó khăn hơn./.
Xuân Nhân
vov
|