Kiểm toán dự toán ngân sách: Làm thế nào để tránh hình thức?
Có không ít bất cập về vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong việc tham gia xây dựng và quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN). Đây là ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo “Vai trò của KTNN trong việc hỗ trợ Quốc hội, HĐND quyết định dự toán NSNN hằng năm”, tổ chức ngày 4.10 tại Hà Nội.
Đại diện KTNN cho rằng, thực tế hiện nay, do cơ quan kiểm toán không có thời gian nghiên cứu trước tài liệu nên kiểm toán viên không thể đặt các câu hỏi hay yêu cầu giải thích các vấn đề chưa rõ của quá trình lập dự toán nên không đủ thời gian đánh giá. Do vậy, ý kiến của KTNN về công tác lập và giao dự toán trong các năm qua gần như chỉ dừng lại ở mức dự báo về các sai sót, bất cập có thể xảy ra trong quá trình này.
Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến dự toán khó sát thực tế và thường xuyên xảy ra tình trạng... vượt dự toán. Theo thống kê của Bộ Tài chính, kết quả thực hiện thu NSNN thường vượt xa so với dự toán: Năm 2007 vượt 20,5%, năm 2008 vượt 26,8%, năm 2009 vượt 16,6%, năm 2010 vượt 21,2%.
Bên cạnh đó, vấn đề dự báo kinh tế vĩ mô cũng chưa sát với tình hình thực tế do phụ thuộc không ít vào ý chí chủ quan, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ liên quan trong việc đưa ra các dự báo về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho việc dự báo về khả năng thu ngân sách. Thời gian xây dựng dự toán ngân sách cho năm sau khá sớm, nên dự báo kết quả thu cho năm hiện hành làm cơ sở cho xây dựng dự toán thu ngân sách năm sau khó chính xác.
Từ đây, các ý kiến cho rằng vai trò KTNN trong việc kiểm soát và xây dựng dự toán NSNN là rất quan trọng. KTNN thực hiện kiểm toán và cung cấp thông tin cho Quốc hội, HĐND để phê chuẩn quyết toán NSNN. KTNN cũng trợ giúp Chính phủ, Quốc hội trong việc xem xét quyết định các phương án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của quốc gia. Điều đó đòi hỏi không chỉ được xem xét về mặt kỹ thuật, mà còn phải xem xét các khía cạnh về kinh tế - xã hội...
Một vai trò quan trọng khác của KTNN là thông qua kết quả kiểm toán, ngoài việc cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ, KTNN còn cung cấp cho các cơ quan quản lý về những yếu kém, bất cập trong quản lý NSNN; những đơn vị vi phạm chính sách, chế độ quản lý NSNN. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý đề ra các biện pháp quản lý thích hợp nhằm quản lý NSNN tốt hơn. Trong hoàn cảnh đó, nếu không có một cơ quan độc lập với cơ quan soạn thảo, có đủ năng lực về chuyên môn, xem xét, đánh giá trước khi Chính phủ, Quốc hội, HĐND thảo luận và quyết định sẽ gây những rủi ro cho các nhà ra quyết định.
Thế Hải
lao động
|