Tái cấu trúc để ổn định tài chính
Ngày 29-9, trong khuôn khổ Hội thảo triển lãm tài chính Việt Nam 2011, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: thách thức chính sách và xu hướng liên kết - tích hợp”.
Đã đến lúc tái cấu trúc
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, trong giai đoạn phát triển mới, ngành tài chính Việt Nam cần phải tái cấu trúc để xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo an ninh tài chính, ổn định tài chính tiền tệ; tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tập trung vào một số vấn đề như: hoàn thiện thể chế tài chính, nâng cao hiệu quả nguồn lực, phát huy vai trò định hướng của nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước; đổi mới chính sách tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối tài chính vĩ mô theo từng giai đoạn phát triển; giảm dần bội chi ngân sách nhà nước; giữ nợ công trong mức độ an toàn…
|
Nhìn nhận chính sách tài chính hiện nay, theo ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đang còn không ít bất cập. Đó là cơ chế huy động các nguồn lực còn có một số điểm nghẽn như: thị trường tài chính còn tiềm ẩn không ít nguy cơ bất ổn; thu ngân sách còn phù thuộc vào các khoản thu “không thường xuyên”, tỷ trọng thu từ dầu thô và từ đất đai vẫn còn khá lớn trong khi thu từ thuế nhà, đất và thuế thu nhập cá nhân còn thấp; thâm hụt ngân sách vẫn còn cao; hiệu quả và sức cạnh tranh thấp biểu hiện ở việc hiệu quả đầu tư công có xu hướng giảm; cơ cấu đầu tư ngân sách còn nhiều bất hợp lý, phân bổ vốn đầu tư vẫn dàn trải; tình trạng thất thoát và lãng phí đầu tư chậm có cơ chế xử lý phù hợp.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, dù Việt Nam không ở vị thế tồi tệ trong vấn đề nợ công như tại châu Âu, Hoa Kỳ nhưng cũng cần rà soát lại chính sách tài chính để có thể chống những cú sốc từ bên ngoài. Trong đó, cần tối ưu hóa nguồn lực. Để làm được điều này cần minh bạch chính sách, để các nhà hoạch định chính sách ý thức mình đang ở đâu cũng như chính sách đó có dựa trên thực tế hay không.
Tương tự, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cân đối các khoản nợ ngắn, dài hạn bằng nội tệ, không nên dựa quá nhiều vào đồng đô la Mỹ. Các biện pháp để chống nợ là phải ổn định được kinh tế vĩ mô để thu hút, tăng đầu tư và kiểm soát được các khoản nợ vay.
Nâng cao hiệu lực giám sát thị trường tài chính
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ thông qua sự phát triển của thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là cơ chế giám sát, kiểm soát còn không ít bất cập.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, bất cập đó thể hiện qua mô hình phân tán chuyên ngành, nghĩa là mỗi bộ phận của thị trường tài chính được giám sát bởi một cơ quan giám sát chuyên ngành (thị trường ngân hàng được giám sát bởi cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; thị trường chứng khoán được giám sát bởi Ủy ban chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; thị trường bảo hiểm được giám sát bởi Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính).
Ưu điểm của mô hình này là bảo đảm giám sát được các định chế trung gian tài chính một cách chặt chẽ, thường xuyên. Song lại dễ dẫn đến những khoảng trống trong hoạt động giám sát, như giám sát chéo hoạt động trong các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành và giám sát rủi ro đan xen giữa các bộ phận của thị trường khó thực hiện, giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính bị coi nhẹ. Dù Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia được thành lập để khắc phục điểm yếu này, nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn, cũng đang ở mức độ khiêm tốn do nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu lực hệ thống giám sát tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính, theo ông Tuấn, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam; đổi mới, kiện toàn mô hình hệ thống giám sát tài chính, trong đó cần phải thiết lập một cơ quan thanh tra, giám sát tài chính hợp nhất.
Hà My
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|