Thứ Tư, 12/10/2011 06:23

Thực đơn 'bồi bổ sinh lực' cho nền kinh tế

Theo dân gian, giá là một món ăn tăng cường và bồi bổ sinh lực cơ thể rất tốt. Nhưng đó là "giá đỗ". Không ngọt ngào thanh mát như giá đỗ, "giá cả" vang lên trong tâm thức người dân với gần như một chiều duy nhất - "giá tăng".

Hệ quả thông thường là tạo áp lực mòn mỏi lên sinh lực cơ thể, khi chi tiêu của người dân vào những nhu cầu thiết yếu như điện, nước, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm,.v.v. đã chiếm phần lớn thu nhập.

Khác với thời bao cấp, khi những hàng hoá dịch vụ cơ bản được nhà nước phân phối theo chỉ tiêu pháp lệnh, nền kinh tế mở cửa hội nhập phải tuân theo những quy luật thị trường. Giá cả cũng vậy. Nhưng yếu tố cốt lõi để tạo ra một mặt bằng giá cả khiến người dân cảm thấy dễ thở hay không lại nằm trong tay các chủ thể nắm giữ và tác động tới chính sách và công cụ điều tiết thị trường.

Đã hai mươi năm trôi qua kể từ khi Việt Nam ban hành Bộ Luật Công ty, qua đó lần đầu tiên cho phép thành phần kinh tế tư nhân chính thức tham gia nền kinh tế. Kể từ đó, kinh tế tư nhân đã đóng vai trò to lớn trong sáng tạo, đổi mới, tăng GDP, tạo việc làm. Tuy nhiên, trong bản Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2011 - 2015, tư tưởng sử dụng kinh tế nhà nước làm chủ đạo cho đường lối phát triển vẫn được khẳng định. Từ định hướng đó, những lĩnh vực quan trọng mang tính chất xương sống của nền kinh tế vẫn nằm dưới sự quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước.

Quan sát những tranh luận về giá điện, giá xăng gần đây, có cảm giác rằng câu chuyện sẽ không có hồi kết nếu thiếu sự bóc tách rạch ròi giữa chức năng và mục tiêu của doanh nghiệp. Một đằng là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và một đằng là lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.

Một khi đã là thiết yếu, tức là ai cũng cần, thì về lý thuyết, hàng hoá dịch vụ đó vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao, dù chỉ được bán với giá tối thiểu trên mức giá thành sản phẩm. Quy mô thị trường lớn và sự đảm bảo sức mua dồi dào sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng quay vòng vốn, tích luỹ để tái đầu tư cho sản phẩm mới và quay lại cung cấp cho thị trường.

Quan sát những tranh luận về giá điện, giá xăng gần đây, có cảm giác rằng câu chuyện sẽ không có hồi kết nếu thiếu sự bóc tách rạch ròi giữa chức năng và mục tiêu của doanh nghiệp.

Trong trường hợp các doanh nghiệp có vị thế như vậy mà lại cho kết quả kinh doanh tiêu cực, sẽ có hai khả năng xảy ra. Hoặc là có vấn đề trong khâu thiết lập giá thành sản phẩm, hoặc khả năng sử dụng đồng lãi thu được từ giá thành tới giá bán không hiệu quả. Cả hai lý do này đều được chỉ ra trong những báo cáo gần đây về doanh nghiệp nhà nước - năng suất thấp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ngoài ngành tràn lan.

Chính sách kinh tế, nếu không được lưu tâm kỹ lưỡng, có thể góp phần nuôi dưỡng nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp nhà nước, chủ thể bị chi phối bởi cả hai mục tiêu, ổn định thị trường và tạo ra lợi nhuận trên vốn của chủ đầu tư. Trong điều kiện hoạt động lý tưởng, môi trường kinh doanh minh bạch, điều này đã là một thách thức.

Còn khi nền kinh tế chuyển đổi vận hành chưa tuyệt đối theo cơ chế thị trường thực thụ, không tránh khỏi những hoài nghi về sự chồng lấn giữa hai mục tiêu trong hành vi kinh doanh, ví dụ một quyết định kinh doanh tuy mang danh ổn định thị trường, song có thể ẩn chứa mục đích kiếm lời.

Áp lực để giá thành sản phẩm có mức thấp nhất và sử dụng đồng lãi sản sinh từ giá bán sản phẩm một cách tốt nhất thường nở rộ trong một thị trường giàu tính cạnh tranh. Mọi nhà cung cấp cho thị trường đều phải chú trọng vào hai khâu này để giá bán hàng hoá dịch vụ ở mức thấp nhất và kết quả là người tiêu dùng hưởng lợi.

Trong số các thị trường nền tảng, viễn thông là lĩnh vực điển hình cho sự thành công của chính sách tạo dựng tính cạnh tranh. Kể từ khi thị trường này được kích thích cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp khác nhau, giá cước ngày càng giảm và dịch vụ ngày càng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những nơi có chi phí viễn thông và internet vào loại thấp nhất Châu Á.

Khi giá cả cho phép nhiều người mua hơn và mua được hàng hoá dịch vụ nhiều hơn, chính thị trường đã góp phần đảm bảo được lợi ích của xã hội. Bài học từ thị trường viễn thông có thể được sử dụng để tham chiếu cho các thị trường nền tảng khác, trước hết từ góc độ minh bạch chính sách, giảm thiểu bao cấp và tăng tính cạnh tranh. Hay nói cách khác, cạnh tranh công khai và bình đẳng giữa các chủ thể sẽ là món giá đỗ bồi bổ sức khoẻ cho nền kinh tế và rộng hơn, cho toàn xã hội.

Bảo Bảo

Diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   PwC: Doanh nghiệp vẫn tin vào tăng trưởng kinh doanh (11/10/2011)

>   Khởi động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (11/10/2011)

>   Có vốn nhưng không dễ đầu tư (11/10/2011)

>   Nhiều địa phương phân bổ vốn không đúng với cơ cấu (11/10/2011)

>   Nghị quyết và hiệu lực thực thi (11/10/2011)

>   Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế (10/10/2011)

>   "Dọn nhà" đón cơ hội (10/10/2011)

>   Chỉ tiêu của Quốc hội có mang tính bắt buộc? (07/10/2011)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Chấp nhận một lần đau (07/10/2011)

>   Không nên dùng toàn bộ tiền vượt thu để giảm bội chi (07/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật