Thứ Ba, 11/10/2011 07:20

Nhiều địa phương phân bổ vốn không đúng với cơ cấu

Tính đến đầu tháng 10/2011, với 33.831,5 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được giải ngân, đạt 75,2% kế hoạch (45.000 tỷ đồng). Đây là năm thứ 3 liên tiếp kế hoạch giải ngân nguồn vốn TPCP được hoàn thành.

Kết quả đáng ghi nhận trong việc sử dụng nguồn vốn từ TPCP năm 2011, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm chỉnh chấp hành việc rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn nhằm giảm đầu tư công, góp phần kiềm chế lạm phát. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2011, tổng số vốn được cắt giảm và điều chuyển là hơn 1.708 tỷ đồng của 95 dự án, trong đó các địa phương sử lý 141 dự án với số tiền là 773,7 tỷ đồng.

“Nhờ việc cắt giảm, điều chuyển vốn kịp thời, đồng thời với việc giảm tối đa các dự án khởi công mới nên nguồn vốn TPCP và nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư tập trung hơn, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đưa số dự án hoàn thành để đưa vào khai thác năm 2011 tăng 1.053 dự án so kế hoạch ban đầu”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết và lưu ý thêm, thực hiện đầu tư nguồn vốn TPCP năm 2012 và những năm tiếp theo cần phải triệt để khắc phục một số tồn tại đã diễn ra trong năm 2011. Đó là tình trạng, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư vẫn được giao kế hoạch vốn và nhiều địa phương phân bổ vốn không đúng với cơ cấu.

Những hạn chế, khiếm khuyết, tồn trong việc sử dụng nguồn vốn TPCP cũng được Ủy ban Tài chính - Ngân sách xác nhận. Trong Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện vốn TPCP năm 2011 vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy  ban Tài chính - Ngân sách khẳng định, việc rà soát, cắt giảm dự án đầu tư từ nguồn TPCP chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt do thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể; vẫn còn nhiều dự án không thuộc Danh mục công trình, dự án sử dụng vốn TPCP trong năm 2011 nhưng vẫn được khởi công; vẫn còn hiện tượng điều chỉnh mục tiêu, tăng quy mô và tổng mức đầu tư tại không ít dự án…

Trước thực trạng trên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy  ban Tài chính - Ngân sách nói: “Việc tăng quy mô và tổng mức đầu tư nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến vượt quá khả năng cân đối vốn ở nhiều bộ, ngành, địa phương và hậu quả là không khắc phục được tình trạng dự án đầu tư bị đình trệ, kéo dài thời gian thi công, giảm hiệu quả do thiếu vốn”.

“Năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào Danh mục công trình, dự án sử dụng nguồn vốn TPCP, nhưng theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì đến thời điểm này đã khởi công 333 dự án mới không thuộc Danh mục đầu tư của nguồn vốn này. Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính về vấn đề này?”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi.

Theo ông Lưu, tình trạng cố tình bổ sung dự án sử dụng nguồn vốn TPCP một phần là do việc phân cấp quá “thoáng”, quá mạnh tay cho các bộ, ngành, địa phương trong quyết định đầu tư, phê duyệt dự án và bố trí nguồn vốn cụ thể cho từng dự án trong khi cơ quan có thẩm quyền không thực hiện thanh tra, giám sát và chấn chỉnh kịp thời những chủ đầu tư có ý định điều chỉnh quy mô dự án, tự ý bổ sung thêm dự án sử dụng nguồn vốn TPCP vượt thẩm quyền. Hậu quả là, chưa biết xử lý thế nào gần 300 dự án “chui” và hàng trăm dự án mở rộng quy mô, cho thực hiện tiếp thì không có vốn, nếu đình lại theo quy định thì sẽ gây lãnh phí phần vốn đã đầu tư.

“Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về số dự án khởi công mới và điều chỉnh quy mô vượt thẩm quyền; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, địa phương vi phạm; nếu vi phạm các quy định về thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng vốn thì kiên quyết thu hồi, chuyển trả nguồn vốn bố trí sai về Ngân sách Trung ương. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân vi phạm việc sử dụng nguồn vốn TPCP”, ông Hiển cho biết.

Hàn Tín

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Nghị quyết và hiệu lực thực thi (11/10/2011)

>   Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế (10/10/2011)

>   "Dọn nhà" đón cơ hội (10/10/2011)

>   Chỉ tiêu của Quốc hội có mang tính bắt buộc? (07/10/2011)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Chấp nhận một lần đau (07/10/2011)

>   Không nên dùng toàn bộ tiền vượt thu để giảm bội chi (07/10/2011)

>   Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân (06/10/2011)

>   Hết vốn ngân sách, nhà thầu thất nghiệp (06/10/2011)

>   Hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư (06/10/2011)

>   Thực phẩm sụt giá, còn “ngại” lạm phát cuối năm? (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật