Không nên dùng toàn bộ tiền vượt thu để giảm bội chi
Theo ông BÙI ĐẶNG DŨNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tại Kỳ họp Quốc hội thứ hai (khai mạc ngày 20/10), các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung mổ xẻ tình hình thu - chi ngân sách năm 2011, vì số thu ngân sách dự kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Tài chính vênh nhau khá lớn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu ngân sách năm nay ước đạt 674.500 tỷ đồng, vượt 79.500 tỷ đồng so với dự toán. Nhưng theo tính toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thì số thu năm nay ít nhất cũng phải vượt 90.000 tỷ đồng so với dự toán. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Số thu ngân sách dự kiến của Bộ Tài chính dựa vào kết quả thu 9 tháng đầu năm (đạt 501.520 tỷ đồng) và số thu dự kiến của 3 tháng còn lại. Trong khi đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại dựa vào kết quả thẩm tra, giám sát thực tế hoạt động tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là việc giám sát tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với số dự kiến vượt thu chênh lệch quá lớn (ít nhất là 10.500 tỷ đồng), Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải giải trình cụ thể để Quốc hội quyết định số thu dự kiến năm nay, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, trong đó có quyết định giảm mức bội chi.
Số vượt thu năm nay rất lớn (khoảng 79.500 - 90.000 tỷ đồng) cho thấy, công tác dự báo chưa được cải thiện?
Trong mấy năm gần đây, kinh tế thế giới biến động liên tục, không có xu hướng rõ rệt, nên ngay cả các tổ chức tài chính quốc tế, các nền kinh tế phát triển với năng lực, trình độ dự báo cao hơn chúng ta nhiều lần cũng dự báo không chính xác, thậm chí còn dự báo ngược so với diễn biến thực tế. Chỉ nhìn vào dự báo và diễn biến của giá vàng trong năm nay, cũng sẽ thấy rõ điều này.
Hơn nữa, số thu ngân sách thực tế hàng năm bao giờ cũng cao hơn dự toán và cao hơn dự kiến của Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm là điều đáng mừng, vì chúng ta có thêm nguồn để tăng đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, tăng chi cho công tác an sinh xã hội và có điều kiện để giảm bội chi…
Nhưng sẽ không đáng mừng nếu năm nào thu ngân sách cũng vượt 15-25%, vì như vậy, Quốc hội và Chính phủ không thể chủ động để xử lý số tiền vượt thu?
Thông thường, vào khoảng tháng 4 hàng năm, Bộ Tài chính mới nắm được chính xác số vượt thu của năm trước, đến tháng 5 mới trình Quốc hội cho ý kiến xử lý số tiền vượt thu và phải đến tháng 7, tháng 8, Chính phủ mới xử lý số tiền vượt thu của năm trước. Nếu Bộ Tài chính dự báo sát hơn, giúp Chính phủ và Quốc hội xây dựng dự toán thu ngân sách sát hơn, thì hàng loạt công trình, dự án, chương trình mục tiêu không phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ vì thiếu vốn, từ đó sẽ nâng được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ rằng, thu vượt dự toán 5-10% thì chấp nhận được, còn cao hơn 10% thì cần xem lại việc xây dựng dự toán ngân sách của Bộ Tài chính và các địa phương.
Có ý kiến cho rằng, nên dành toàn bộ số vượt thu để giảm bội chi, vì như vậy sẽ thực hiện được 2 mục đích là giảm bội chi và chủ động xử lý số tiền vượt thu?
Trong điều kiện thiếu vốn để đầu tư vào các công trình, dự án quan trọng, đạt hiệu quả cao kể cả về kinh tế lẫn xã hội, thì chúng ta phải chấp nhận bội chi ở mức độ nào đó mới có tiền để đầu tư. Nếu chúng ta quá lo lắng về bội chi mà dốc toàn lực để trả nợ, thì sự phát triển kinh tế cũng thiếu bền vững. Năm nay, Quốc hội cho phép bội chi tương đương 5,3% GDP, Chính phủ đã nỗ lực để giảm xuống còn 4,9% GDP. Vì vậy, không nên dùng toàn bộ hoặc phần lớn số tiền vượt thu để giảm bội chi, nếu có thì chỉ sử dụng một phần để giảm bội chi xuống ở mức 4,7-4,8% GDP.
Mạnh Bôn
đầu tư
|