Nợ công: Cần một cơ chế kiểm soát
Sau sự cố vỡ nợ tại một số quốc gia trên thế giới, việc cảnh báo ngưỡng mất an toàn và hoàn thiện cơ chế kiểm soát nợ công càng trở nên bức thiết.
Theo đánh giá của WB và IMF, Việt Nam tuy không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ cao, nhưng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay còn thấp.
Trong những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam thường xuyên lâm vào tình trạng bội chi. Bên cạnh đó, nợ công của Chính phủ cũng tăng mạnh, khoảng 20%/năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP. Năm 2001, nợ Chính phủ là 11,5 tỷ USD thì năm 2010 đã lên tới 55,2 tỉ USD, tương đương với khoảng 55% GDP.
Tuy nhiên, nói đến nợ công không chỉ là nợ Chính phủ mà còn bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nhiều ý kiến thống nhất rằng, nếu tính cả nợ của DNNN thì số nợ thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì Ngân hàng Thế giới đưa ra quy định ngưỡng an toàn nợ công là 50% GDP. Song “ngưỡng an toàn” này chỉ là khái niệm tương đối, bởi trên thực tế sự an toàn phải xét trên nhiều khía cạnh như tốc độ tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển, khả năng chống đỡ rủi ro… Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng điều quan trọng hơn chính là khả năng trả nợ của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế tăng trưởng gấp 5, 10 thậm chí 20 lần thì không đáng ngại.
Đối với Việt Nam, điều đáng quan ngại hơn lại không phải là con số nợ thực tế cũng như tỷ lệ nợ tính trên GDP mà chính là hiệu quả đầu tư công và sử dụng nợ công ở nước ta đang còn rất thấp. Ở Việt Nam, chỉ số ICOR (chỉ số sử dụng vốn- Incremental Capital - Output Rate) đối với khu vực công rất cao (ICOR càng cao thì chứng tỏ hiệu quả đầu tư càng thấp). Năm 1991 chỉ số này là trên 3, đến năm 2009 tăng lên 8 và hiện nay vào khoảng 9, trong khi ở Thái Lan, con số này năm 2010 là 5. Điều này có nghĩa là trong dài hạn Việt Nam có nguy cơ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra ở một số nước trên thế giới là hồi chuông báo động, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển đã và đang phải vay nợ để đầu tư phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát được nợ vay nước ngoài, đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai thì việc cắt giảm đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công.
Các khoản nợ công đều gắn liền với nghĩa vụ phải hoàn trả cả vốn gốc và tiền lãi khi đến hạn từ nguồn thu thuế của người dân. Bởi vậy, nợ công chính là khoản "vay mượn” của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này chính là trách nhiệm với lịch sử, trách nhiệm với thế hệ sau, để chúng ta không bị mang tiếng là “ăn” vào lợi ích của con cháu mai sau.
Nhà báo và công luận
|