Thứ Tư, 05/10/2011 08:28

Tư duy cho tái cơ cấu kinh tế

Người dân khi đọc những ý kiến của các chuyên gia thông qua báo chí sẽ tự hỏi tại sao bắt đầu tái cấu trúc hai lĩnh vực đó trước tiên mà lại không phải các lĩnh vực khác?

Tái cấu trúc về sở hữu chủ yếu có ba loại hình sở hữu là khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Trong những ngày gần đây, nhiều cuộc hội thảo về tái cấu trúc nền kinh tế đã diễn ra, nhiều chuyên gia đưa ra các ý kiến khác nhau về một vài vấn đề cần tái cấu trúc và minh hoạ cho nó là các ví dụ. Có cảm giác nhiều ý kiến đồng thuận trong việc trước tiên phải tái cấu trúc đối với hoạt động ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước. Một cái gì đó như là sự thiếu định hướng, thiếu tính logic trong chuyện này! Người dân khi đọc những ý kiến của các chuyên gia thông qua báo chí sẽ tự hỏi tại sao bắt đầu tái cấu trúc hai lĩnh vực đó trước tiên mà lại không phải các lĩnh vực khác?

Tại sao lại phải tái cơ cấu (cấu trúc lại) nền kinh tế? Do lạm phát, do thâm hụt cán cân thương mại, do thâm hụt ngân sách, do nợ công/tư (nói chung là những vấn đề vĩ mô)? Những nguyên nhân của bất ổn vĩ mô như trên ở mỗi lĩnh vực có sự quan hệ khăng khít với các lĩnh vực khác; chẳng hạn đối với lạm phát thì nguyên nhân trực tiếp nhất, nguyên nhân bề nổi là do lượng cung tiền nhưng nguyên nhân sâu xa lại có liên quan đến những vấn đề bất ổn vĩ mô khác. Vậy nguyên nhân chung của tất cả những vấn đề này là gì? Nếu không giải quyết vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên một cái nhìn tổng quát và xuyên suốt thì tái cái này có thể dẫn đến hỏng cái kia. Và không thể tái cơ cấu kinh tế thành công theo hình quả mít như vậy được.

Theo thiển ý của tôi, việc tái cấu trúc không nên vội sa vào chi tiết, nếu sa vào các chi tiết rất có thể bỏ qua những vấn đề cũng rất cần tái cấu trúc nhưng chưa được các chuyên gia nhắc tới vì chưa tìm ra ví dụ chẳng hạn? Tái cấu trúc cần dựa trên những nguyên tắc tổng quát, sau đó mới đến những nhóm vấn đề trong mỗi nguyên tắc tổng quát đó.

Các hoạt động của một nền kinh tế bắt đầu từ sự tạo thành thu nhập thông qua quá trình sản xuất ở phía cung để đáp ứng nhu cầu cuối cùng, sau quá trình sản xuất để tạo ra thu nhập từ sản xuất là quá trình phân phối lại thu nhập thông qua những loại thu nhập và chi tiêu từ sở hữu đến các khoản thu nhập và chi tiêu từ chuyển nhượng. Như vậy, về tổng quát cần xác định tái cấu trúc ở cả hai khâu, là quá trình phân phối lần đầu (sản xuất) và quá trình phân phối lại của các khu vực thể chế (theo hệ thống tài khoản quốc gia thì gồm: khu vực hộ gia đình, khu vực phi tài chính (các doanh nghiệp), khu vực tài chính, khu vực nhà nước, khu vực không vì lợi phục vụ hộ gia đình và khu vực quan hệ với nước ngoài).

Tiếp đến là tái cấu trúc từng lĩnh vực.

Trước tiên sẽ là tái cấu trúc ngành (hoạt động ngân hàng cũng là một ngành trong quá trình sản xuất). Theo tôi hiểu ở đây là cần xác định cho được ngành mùi nhọn có tác dụng lan toả, kích thích sự phát triển của nền kinh tế, hạn chế được việc nhập khẩu và ít ảnh hưởng đến môi trường nhất.

Tiếp đến là tái cấu trúc ở cấu trúc chi phí của các ngành, xem xét mức độ hiệu quả của mỗi ngành ra sao và mỗi ngành cần tái cấu trúc cái gì.

Việc tái cấu trúc không nên vội sa vào chi tiết, nếu sa vào các chi tiết rất có thể bỏ qua những vấn đề cũng rất cần tái cấu trúc.

Tái cấu trúc về sở hữu chủ yếu có ba loại hình sở hữu là khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân. Đối với loại hình sở hữu không chỉ chăm chăm tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất cần xem lại, khu vực này cũng là nơi mang lại nhiều hệ luỵ cho đất nước. Ngoài ra khu vực kinh tế tư nhân cũng cần định hướng theo ngành trọng điểm và cũng cần xem xét lại mối quan hệ (kiểu chuyển giá, gửi giá) giữa các doanh nghiệp loại này với các doanh nghiệp nhà nước và khối có vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng cần cấu trúc (định hướng) lại các nhân tố của nhu cầu cuối cùng (final demand). Nhân tố của nhu cầu cuối cùng ở đây bao gồm tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng của Chính phủ, đầu tư (gross capital formation) và xuất khẩu thuần, xem nhân tố nào của nhu cầu cuối cùng có tác dụng kích thích sản xuất và thu nhập cao nhất thì ưu tiên, và xem nhân tố nào của nhu cầu cuối cùng gây nên tình trạng nhập siêu.

Vấn đề hiệu quả đầu tư thì nằm trong xem xét theo ngành và thành phần sở hữu.

Trong quá trình xem xét quá trình phân phối lại nên đặc biệt để ý luồng chu chuyển dòng vốn của khu vực FDI. Trong mấy năm gần đây tiết kiệm (saving) chiếm được gần 30% GDP là đóng góp một phần không nhỏ của kiều hối, như vậy cần có chính sách khuyến khích dòng ngoại tệ này.

Bùi Trinh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Dự báo CPI tháng 10 tăng 0,5 – 0,6% (05/10/2011)

>   Cảnh giác với phần chìm của nợ công (05/10/2011)

>   Khuyến nghị ngân hàng cẩn thận với dự án FDI (04/10/2011)

>   Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm (04/10/2011)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm dần (04/10/2011)

>   Chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam tái cơ cấu đầu tư (04/10/2011)

>   Tái cấu trúc kinh tế và cuộc đổi mới lần hai (04/10/2011)

>   Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn (03/10/2011)

>   Khi doanh nghiệp FDI xù nợ, chuyển giá (Bài cuối) (03/10/2011)

>   Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nợ công thành đại họa, nếu… (03/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật