Thứ Ba, 04/10/2011 23:14

Khuyến nghị ngân hàng cẩn thận với dự án FDI

Trước vấn đề nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn, để lại khoản nợ xấu đến 80 triệu đô la Mỹ cho các ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc phải siết chặt các quy định thu hút đầu tư và các ngân hàng cần phải thẩm định rất kỹ các dự án loại này trước khi cho vay.

Các chuyên gia đã đưa ra đề nghị trên khi chi nhánh các ngân hàng trong nước tại 2 tỉnh Hải Dương và Phú Thọ đang đối diện với khoản nợ khó đòi rất lớn. Trong đó, Tập đoàn Kenmark đến từ Đài Loan, đăng ký đầu tư 500 triệu đô la Mỹ vào Hải Dương, nhưng mới đầu tư giai đoạn một đã trốn về nước, để lại khoản nợ 50 triệu đô la cho một số ngân hàng trong nước.

Còn theo số liệu của Agribank Phú Thọ, dư nợ của 4 công ty Hàn Quốc đã bỏ trốn là hơn 12 triệu đô la Mỹ. Các hình thức phát mãi tài sản, cho thuê nhà xưởng…của các ngân hàng hiện vẫn không thể thu được bao nhiêu trong khoản nợ quá lớn trên.

Tồn tại hiện tượng này, theo trả lời của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) là do quy định về vốn tự có của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trước đây là 30%, vốn vay là 70%, nhưng từ năm 2005, quy định này đã được dỡ bỏ, vì vậy khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, muốn vay vốn thì có thể liên hệ với ngân hàng trong nước.

Mức vay cho nhà đầu tư nước ngoài do các ngân hàng tự cân nhắc sau khi xem xét hồ sơ vay. Thông thường, các dự án, công trình dự kiến đầu tư sẽ được dùng làm tài sản thế chấp và do vậy nhiều ngân hàng đã không cẩn trọng trong quá trình thẩm định hồ sơ, dẫn đến việc cho vay với số lượng vốn lớn, vào các dự án kém hiệu quả.

Lãnh đạo một ngân hàng trong nước cho rằng nếu vay ở các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như ANZ, HSBC thì các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng trong nước, thì việc các doanh nghiệp này đến các ngân hàng Việt Nam để vay cũng có thể do hồ sơ không đạt tiêu chuẩn của các ngân hàng quốc tế nói trên. Vì vậy, các ngân hàng khi xem xét cho vay phải tính đến điều này để tránh phải gánh khoản nợ xấu quá lớn mà không biết bao giờ mới thu hồi được.

Ông Hoàng cũng cho biết đang kiến nghị để chính phủ áp dụng lại quy định vốn tự có của nhà đầu tư nước ngoài phải là 30% như quy định từ trước năm 2005.

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng con số nợ trên được công bố cũng là lúc ngành đầu tư, Ngân hàng nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay của doanh nghiệp FDI.

Mục đích thu hút đầu tư của Việt Nam là mang nguồn vốn từ các nước để phát triển kinh tế của Việt Nam, hoàn toàn không phải mời nhà đầu tư vào đây để dùng vốn trong nước đầu tư và điều này trái với chủ trương của Việt Nam. “Nếu quy định vốn tự có chỉ cần 30% vẫn là quá ít, tỷ lệ vốn tự có ít cũng phải là 80%, có như vậy mới tránh được hiện tượng doanh nghiệp sau khi đầu tư vào Việt Nam rồi bỏ trốn, để lại các khoản nợ lớn mà ngân hàng không cách nào đòi được, trong khi tài sản để lại không còn là bao”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xem xét tiến độ của dự án để giám sát nhà đầu tư. Trong trường hợp dự án đã được cấp phép nhưng quá 12 tháng chưa triển khai hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận. Các ngân hàng khi thẩm định dự án cũng nên hỏi ý kiến của sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố để biết rõ quy mô, quá trình huy động vốn của các dự án để tránh hiện tượng các công ty này kê khai tài sản không thực để được vay vốn.

Cùng quan điểm với ý kiến của ông Cung, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng không thể để nguồn ngoại tệ vốn không nhiều của Việt Nam phải thất thoát qua con đường thu hút đầu tư, vì như thế thật mâu thuẫn với mục đích gọi vốn để phát triển của Việt Nam. Bản thân các cơ quan quản lý có liên quan nên sớm đưa ra các giải pháp giải quyết để vấn đề trên không "vẽ đường cho hươu chạy" với các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nợ công tăng, khả năng trả nợ giảm (04/10/2011)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm dần (04/10/2011)

>   Chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam tái cơ cấu đầu tư (04/10/2011)

>   Tái cấu trúc kinh tế và cuộc đổi mới lần hai (04/10/2011)

>   Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn (03/10/2011)

>   Khi doanh nghiệp FDI xù nợ, chuyển giá (Bài cuối) (03/10/2011)

>   Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nợ công thành đại họa, nếu… (03/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Mức nào thì được? (03/10/2011)

>   Muốn đầu tư phải có 30% vốn (03/10/2011)

>   Xây dựng cảng biển không đúng quy hoạch (03/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật