Thứ Hai, 03/10/2011 17:13

Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn

Trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu do UNDP tài trợ, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế của Việt Nam vừa ngồi lại cùng nhau để thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế, một nội dung đã được đưa ra thảo luận sôi nổi hồi năm ngoái, nhưng sau đó tạm thời lắng xuống.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói rằng sau nhiều năm đạt được thành tích tăng trưởng được coi là khá ngoạn mục, trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với yêu cầu gay gắt phải “chỉnh sửa căn bản” để thoát khỏi tình trạng nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng “đình trệ - lạm phát cao”.

Yêu cầu này đã được diễn đạt thành một công thức hành động rõ ràng là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong công thức này, đổi mới mô hình tăng trưởng được hiểu là mục tiêu phải đạt được trong khi tái cơ cấu được quan niệm là chương trình hành động thực tiễn để thực hiện yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng.

Mối quan hệ đó đòi hỏi Việt Nam phải định vị chính xác giá trị lịch sử của mô hình tăng trưởng được coi là thành công của 25 năm đổi mới vừa qua, trên cơ sở đó xác định rõ các nhiệm vụ tái cơ cấu và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ đó trong thực tiễn.

Vẫn theo ông Trần Đình Thiên, để thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, trước hết phải nhận diện chính xác thực chất và hậu quả của nó. Động cơ tăng trưởng trong mô hình hiện tại là chủ nghĩa thành tích và các lợi ích cục bộ, ngắn hạn. Các trụ cột của mô hình tăng trưởng là khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô; đầu tư vốn dễ dãi; khai thác lao động rẻ, chất lượng thấp và đặc biệt là duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp.

Trong khi đó, cơ chế phân bổ nguồn lực ít dựa vào tín hiệu thị trường, ít căn cứ vào hiệu quả trong khi bị chi phối ngày càng nhiều bởi cách làm hành chính, quan liêu, chủ quan và nguyên tắc “xin cho”, “chia đều”, “thân quen”… Chính vì vậy, nền kinh tế tăng trưởng được trong ngắn hạn, dễ thỏa mãn áp lực của chủ nghĩa thành tích và thu lợi nhanh cho các chủ thể đầu tư, trong đó có các nhóm lợi ích.

Tuy nhiên, nền kinh tế phải đánh đổi khi phải tăng trưởng dưới mức tiềm năng kéo dài, tiêu tốn nhiều vốn, phung phí các nguồn lực phát triển cơ bản nhưng lại không quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Việc duy trì quá lâu mô hình này không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới.

Đổi mới mô hình tăng trưởng là khắc phục những khiếm khuyết này của nền kinh tế, đồng thời giúp nền kinh tế tránh không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, bảo đảm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư nhà nước. Phải từng bước giảm tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội, đồng thời thu hẹp phạm vi và lĩnh vực tập trung vốn đầu tư nhà nước.

Vốn đầu tư nhà nước phải ưu tiên tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp và nông thôn, giáo dục, y tế… Không phân bổ vốn nhà nước vào những lĩnh vực mà tư nhân trong nước đã có khả năng thực hiện như nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ thương mại…

Bên cạnh đó, đổi mới sâu sắc và toàn diện về cơ cấu và cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh và nâng cao chất lượng của doanh nghiệp dân doanh.

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung, quá trình tái cơ cấu cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất là thực hiện tăng trưởng cao bền vững và ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng. Chẳng hạn, tăng trưởng cao nhưng lạm phát không được quá 5% mỗi năm; tăng trưởng phải mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp dân cư… Đặc biệt là, tăng trưởng phải dựa chủ yếu vào việc tăng hiệu quả, năng suất lao động cũng như phải thân thiện với môi trường.

Thứ hai, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ ba, tôn trọng quy luật thị trường và thực hiện vai trò của nhà nước chủ yếu bằng các đòn bẩy kinh tế; can thiệp hành chính nếu có phải có thời hạn và chỉ trong trường hợp đặc biệt.

Thứ tư, phải thay đổi vai trò của nhà nước từ chỉ đạo và kiểm soát sang kiến tạo và hỗ trợ phát triển.

Ông Trần Đình Thiên đề xuất rằng, trong điều kiện nguồn lực và năng lực có hạn, cách tiến cận với tái cơ cấu phải là thay đổi cơ chế, phương thức phân bổ nguồn lực phát triển, bao gồm tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô, tái cấu trúc phân cấp trung ương – địa phương, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển đồng bộ các thị trường, tái cấu trúc các khu kinh tế, khu công nghiệp…

“Chúng tôi đề xuất lộ trình tái cấu trúc bắt đầu từ cải cách hệ thống ngân sách nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống luật pháp… Tuy nhiên, do nhà nước là chủ thể tổ chức của quá trình này nên việc tái cấu trúc phải bắt đầu tư chính khả năng tiến hành tái cấu trúc của nhà nước, cụ thể là những khâu thể chế quan trọng và trong phạm vi điều hành của Chính phủ”, ông Cung nói.

Nghệ Nhân

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Khi doanh nghiệp FDI xù nợ, chuyển giá (Bài cuối) (03/10/2011)

>   Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nợ công thành đại họa, nếu… (03/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Mức nào thì được? (03/10/2011)

>   Muốn đầu tư phải có 30% vốn (03/10/2011)

>   Xây dựng cảng biển không đúng quy hoạch (03/10/2011)

>   Năm 2012: Tránh nôn nóng với tăng trưởng (03/10/2011)

>   Nợ công của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro (03/10/2011)

>   Bình ổn kinh tế: Những “đại vấn đề” (02/10/2011)

>   Giải ngân FDI ước hơn 11 tỷ USD trong năm 2011 (02/10/2011)

>   Đầu tư công và cấu trúc ngân sách tôm hùm (02/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật