Bình ổn kinh tế: những “đại vấn đề”
Bình ổn kinh tế: Những “đại vấn đề”
Tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2011, triển vọng 2012, diễn ra tại TPHCM hôm 23-9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết ông gặp lại nhiều gương mặt quen thuộc. Họ là các chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam và đã cùng tham dự nhiều hội thảo từ đầu năm đến nay, nhưng chủ đề bàn luận thì chỉ có một - lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, tất cả những gì cần làm để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, những chuyên gia này đã nói hết. Vấn đề còn lại là thực hiện được đến mức nào? Và câu trả lời vẫn là “những giải pháp tình thế”.
Những giải pháp Việt Nam đang thực hiện để chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, về cơ bản không khác những gì đã từng làm vào năm 2008. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: “Kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng vừa phát triển thấp, vừa lạm phát cao. Đồng Việt Nam là đồng tiền duy nhất trong khu vực bị mất giá so với đồng đô la Mỹ. Tình trạng lạm phát lặp đi lặp lại cho thấy, liều thuốc trị không đúng”. Ông nhấn mạnh, thắt chặt tín dụng chỉ là một phần của giải pháp và cùng với nó cần quan tâm đặc biệt đến giải quyết vấn đề bội chi ngân sách, hiệu quả đầu tư công và tình trạng làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nhưng thời gian qua, việc chống lạm phát của Việt Nam hầu như mới tập trung mạnh vào thắt chặt tín dụng, còn chi tiêu công vẫn còn khá rộng rãi. Bằng chứng rõ nét nhất là thu ngân sách vẫn tăng mạnh và chi tiêu từ nguồn ngân sách hầu như không giảm. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, lẽ ra việc thắt chặt chi tiêu phải được thực hiện đồng bộ, thậm chí là cần phải siết mạnh hơn đối với các khoản chi tiêu, đầu tư bằng nguồn ngân sách, nhưng chúng ta hầu như chỉ thắt chặt tín dụng. Nhưng việc nhẹ tay với đầu tư, chi tiêu công trong khi tín dụng bị thắt chặt quá mức đã dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn cho người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc hội thảo này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp căn cơ để chống lạm phát và giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển bền vững là phải giảm tỷ lệ đầu tư trên GDP, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế...
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đề xuất đưa tổng mức đầu tư của cả nền kinh tế xuống còn 35% GDP (tỷ lệ này của năm 2010 gần 39% và năm 2007 là 43,13%). Giải pháp tất cả các chuyên gia kinh tế đều đồng ý là cắt giảm cả thu lẫn chi ngân sách. Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho biết, mục tiêu thu ngân sách trong kế hoạch năm năm 2006-2010 là 23% GDP, nhưng thực tế chúng ta đã thu tới 28% GDP. “Chỉ có giảm thu ngân sách, bớt gánh nặng về thuế cho người dân và doanh nghiệp, thì chúng ta mới có sức ép để giảm chi”, ông nói. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm: “Trong sáu nền kinh tế lớn nhất Asean, Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất, nhưng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thì cao nhất và cung tiền tệ cũng lớn nhất”. Vì vậy, ông và nhiều chuyên gia kinh tế khác ủng hộ đề xuất giảm tỷ lệ thu ngân sách xuống còn 20% GDP.
Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được nói đến nhiều nhất tại hội thảo này và tất cả các phát biểu đều đồng ý rằng, đây là điều căn bản cho sự ổn định và bền vững của nền kinh tế. Theo ông Trương Đình Tuyển, việc tái cấu trúc nên bắt đầu từ doanh nghiệp nhà nước. “Chúng ta đừng hô khẩu hiệu doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, mà phải cải cách nó để thúc đẩy cạnh tranh”. Ông cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng Nhà nước vẫn nắm 70-80% cổ phần, thì cũng chẳng có tác dụng gì đáng kể. Vì vẫn cơ chế điều hành, cung cách làm ăn cũ, vẫn những con người điều hành cũ thì sao mà thay đổi được. “Nếu muốn giữ lại tỷ lệ cổ phần đó, thì tốt nhất là tìm cho doanh nghiệp ấy một cổ đông chiến lược”, ông nói tiếp.
Ông Tuyển cho biết, trong bốn năm qua, vốn lưu động của doanh nghiệp nhà nước tăng gấp 3 lần, nhưng hiệu quả kinh doanh thì tăng rất chậm. Giáo sư Võ Đại Lược xem cải cách doanh nghiệp nhà nước là “đại vấn đề”. Ông nhấn mạnh: “Phải cấm không cho doanh nghiệp nhà nước làm trái ngành. Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm những cân đối quan trọng cho nền kinh tế. Phải cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng đó”.
Nội dung tiếp theo là cải cách đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm giải quyết tận gốc lãng phí và làm tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn. Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cần thiết phải phân bổ nguồn lực hợp lý, bằng cách tạo ra cơ chế để thị trường tự điều chỉnh, sao cho nguồn lực của quốc gia được tập trung vào những địa chỉ có khả năng phát huy tốt nhất, thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, nếu phân bổ nguồn lực tốt, Việt Nam vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với tổng đầu tư ít hơn. Ngoài ra, Giáo sư Võ Đại Lược còn đặt ra yêu cầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo ông, ngân hàng là những doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, nó phải độc lập với các tổng công ty, các tập đoàn hay các tổ chức kinh doanh khác. Tái cấu trúc toàn bộ hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp. Xem xét giảm quy mô hoặc bỏ bớt các khu ít hiệu quả... và chuyển đổi các khu kinh tế thành các cụm công nghiệp được tổ chức hài hòa, gắn kết chặt chẽ với nhau.
Cuối cùng là thể chế. Nhận định của nhiều chuyên gia trong hội thảo là “thể chế lạc hậu”. Những năm qua, chúng ta đã đổi mới nhiều, nhưng thói quen hành xử, tư tưởng và cung cách quản lý theo kiểu tập trung quan liêu, bao cấp vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề. Quản lý theo mệnh lệnh hành chính, chủ quan, pháp lý yếu, có luật mà không thi hành hoặc bị vận dụng tùy tiện do luật lệ quy định chung chung...
“Phải có cuộc đại cải cách thể chế” Giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh. Thói quen kiểu bao cấp thể hiện khá rõ qua cách đề ra kế hoạch cho nền kinh tế. Ông Võ Đại Lược cho rằng: “Kế hoạch không phải là cái để đưa ra họp, bàn luận rồi biểu quyết thành những chỉ tiêu pháp lệnh, mà chỉ nên là định hướng”. Đáng tiếc là lâu nay chúng ta vẫn quen đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch theo chủ quan, rồi biểu quyết thông qua và biến nó thành chỉ tiêu pháp lệnh. Chính việc chạy theo những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những chương trình đầu tư kém hiệu quả.n
Tấn Đức
TBKTSG
|