Cảnh giác với phần chìm của nợ công
Với Việt Nam, những khoản nợ công được công bố vẫn ở trong tình trạng cho phép. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Để kiểm soát tốt nợ nần, vấn đề là phải lượng hoá được cả phần chìm đó. Nếu không sẽ rơi vào một cái bẫy: Bẫy nợ công. Hy Lạp là một bài học không nên bỏ qua.
Nợ công đang là vấn đề nóng bỏng không chỉ ở các nước mà còn là vấn đề của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài chưa có điểm dừng, trong đó có nguyên nhân quan trọng là một số nước EU đang ngập sâu vào thâm thủng ngân sách. Nợ công thực sự là cái bẫy khiến chính phủ các nước này không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Với Việt Nam, lạm phát, thâm hụt ngân sách và nợ công đang là vấn đề hiện hữu. Nếu không tỉnh táo, chuyện "sập bẫy" sẽ là khó tránh. Chúng ta hãy nhìn nhận các yếu tố nợ công dựa trên những gì đã và đang diễn ra ở các nước và ngay trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam.
Trong mấy năm lại đây, bội chi ngân sách ở Việt Nam đã là chuyện thường niên. Số liệu của Bộ Tài chính công bố trong báo cáo "Tổng kết ngành năm 2010" cho thấy, bội chi NSNN năm 2010 bằng 5,8% GDP. Trước Quốc hội, ngày 10/11/1010, Chính phủ đề nghị bội chi ngân sách Nhà nước năm 2011 là 5,5% GDP, mức bội chi không quá 120.600 tỷ đồng.
Cùng với chuyện thâm thủng ngân sách, chuyện nợ công của Chính phủ cũng không ngừng tăng cao. Nếu như vào năm 2001, nợ Chính phủ mới chỉ là 11,5 tỷ USD thì đến 2010 đã lên tới 55,2 tỉ USD, tương đương với khoảng 55% GDP. Điều đáng nói hơn là, trong giai đoạn này nợ Chính phủ đang có xu hướng tăng đều, trung bình khoảng 20%/năm, gấp ba lần tăng trưởng GDP.
|
Với Việt Nam, lạm phát, thâm hụt ngân sách và nợ công đang là vấn đề hiện hữu. |
Thêm vào đó, với Việt Nam, nợ công không thuần tuý là nợ Chính phủ. Theo thông lệ quốc tế, nợ công phải bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, nợ Chính phủ và nợ công gần như đồng nhất vì khu vực DNNN của họ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Với VN, nợ của DNNN có quy mô xấp xỉ với nợ của Chính phủ nên nó chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ nợ công. Năm 2005, Chính phủ đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu ra thị trường chứng khoán New York và dùng toàn bộ số vốn này đầu tư cho các dự án của Vinashin. Hiện tại, Vinashin thua lỗ, khó có khả năng thanh toán số nợ trên thì Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đầu tư ước tính của 22 trên tổng số gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2010 là 350.000 tỉ đồng, tương đương với 17 tỷ USD (17% GDP). Nếu tính tất cả gần 100 tập đoàn, tổng công ty thì quy mô đầu tư là lớn hơn con số đó rất nhiều, trong đó một tỷ lệ lớn trong số này là đi vay.
Điều này cho thấy, nợ công ở Việt Nam nếu tính đúng, tính đủ cả số nợ của các DNNN thì không như những con số được thông báo mà con số thực là lớn hơn rất nhiều. Đành rằng, là nước đang phát triển, ai chả phải vay mượn, ai chả phải nợ nần. Có ai muốn trở nên giàu có thịnh vượng mà không phải vay mượn, không phải nợ nần đâu!
Điều đáng nói là, khi đã đi vay thì phải sử dụng đồng vốn có hiệu quả, phải sinh lợi, như thế mới có khả năng thanh toán cả vốn lẫn lãi. Nếu sử dụng đồng vốn kém, chi tiêu thâm thủng thì việc trả vốn còn khó nói chi đến việc trả lãi. Đó là bài học rút ra từ một số nước ngập sâu vào nợ nần như Hy Lạp, Italia...
Để đo mức độ hiệu quả của sử dụng vốn, thế giới thường dùng chỉ số sử dụng vốn ICOR (Incremental Capital - Output Rate). Với Việt Nam cho thấy, năm 2007 chỉ số này là 5,2; năm 2008 tăng lên 6,66 và năm 2009 tăng lên trên 8. ICOR của VN là 8 có nghĩa để tạo ra 1 đồng GDP gia tăng chúng ta phải đầu tư 8 đồng. Với Thái Lan, con số này của năm 2010 là 5.
Đã có nhiều diễn đàn tổ chức hội thảo, mổ xẻ nguyên nhân của sự kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, trong đó quanh đi quẩn lại vẫn là: Cơ cấu đầu tư không hợp lý, manh mún, quá trình đầu tư bị thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình đầu tư kém.
Nhiều năm qua, người ta đã nói nhiều đến chuyện manh mún, dàn trải, đặc biệt là các hạng mục cơ sở hạ tầng. Tỉnh nào cũng xây dựng cảng biển, tỉnh nào cũng đệ trình kế hoạch làm sân bay, tỉnh nào cũng làm đặc khu kinh tế... Không chỉ có thế, với các hạng mục này, doanh nghiệp tư nhân xin đảm nhiệm, các doanh nghiệp nước ngoài xin đấu thầu, các doanh nghiệp nhà nước cũng nhào vô. Đầu tư thực sự là... đĩa mật thơm phức.
Kết quả của chiến dịch trăm hoa đua nở là, với các tỉnh ven biển, tỉnh nào cũng có cảng, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp. Có lần, đi qua một tỉnh miền Trung, nghe đồn rằng đây mới hoàn thành cầu cảng nước sâu có thể đón tàu trọng tải 10 vạn tấn cập bến, năng lực hàng hoá thông qua có thể đạt tới 5 triệu tấn năm, cùng với đó là khu công nghiệp rộng tới cả ngàn ha, không khỏi tò mò đành cho xe chạy vào xem thực hư.
Trong suốt chiều dài hơn chục cây số từ quốc lộ I xuống cảng, dân cư đã được di dời, mặt bằng đã được dọn dẹp, hạ tầng khu công nghiệp đã được hình thành. Trên hàng trăm héc ta đất rộng mênh mông, ngổn ngang sỏi đá chỉ có nhà điều hành của ban quản lý khu công nghiệp và một vài hạng mục đang được xây dựng lơ thơ. Chạy xuống cảng, cảnh sắc còn đìu hiu hơn. Trên cầu, chỉ có mỗi con tàu dăm ngàn tấn, nghe nói vừa ghé cảng để tiếp nước ngọt.
Khỏi cần tính toán cũng có thể thấy rằng, một nguồn lực rất lớn, không chỉ có tiền bạc mà còn là đất đai, con người đang bị lãng phí. Những nguồn lực đó đang phải chịu ghánh nặng là nợ nần phát sinh lãi hàng ngày. TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đặt câu hỏi: Khi tư nhân hào hứng bỏ tiền vào cảng, Nhà nước có cần thiết phải đầu tư xây cảng để cạnh tranh?
Lý giải vì sao có hiện tượng đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đinh Thiên, cho rằng: Chúng ta đang trao quyền tự chủ cho các địa phương nhưng quyền đó không tương thích với năng lực quản lý. Tỉnh nào cũng muốn thu hút đầu tư, cũng muốn dòng vốn chảy về tỉnh mình, cũng trải thảm đỏ. Trong khi đó trình độ quản lý vĩ mô hạn chế, lại bị chi phối nặng nề bởi cơ chế xin cho.
Ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một lần trao đổi với báo chí, nhìn nhận, với nguồn lực hạn chế nhưng lượng đầu tư quá dàn trải, thiếu tính toán nên dẫn đến hậu quả là lãng phí vốn đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư và thậm chí không còn đạt hiệu quả đầu tư như mục tiêu đặt ra.
Chuyện đổ bể của Vinashin ngoài một vài lý do khác, có nguyên nhân sâu xa từ cách thức đầu tư đó. Khi một thành phần kinh tế đầu tư không hiệu quả kéo dài trong nhiều năm mà còn được ưu ái nhận thêm hỗ trợ, tất yếu bệnh suy thoái càng thêm trầm trọng. Chuyện giá cả tăng vọt, đời sống của người làm công ăn lương bị sa sút từng ngày mà chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật là điều khó có thể thoát khỏi thực trạng suy thoái trong một tương lai gần.
Ngẫm lại bài học Hy Lạp. Nước này gia nhập Cộng đồng châu Âu (EU) năm 1981 và tham gia khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro tháng 1/2001. Sự nôn nóng và tham vọng muốn được sánh vai cùng các quốc gia giàu mạnh khác, cùng với việc được đăng cai Thế vận hội Athens năm 2004 khiến nước này đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản. Đấu thầu và xây dựng cơ bản được coi là những đĩa mật hấp dẫn đàn ruồi tham nhũng. Và Hy Lạp cũng không là ngoại lệ.
Đầu tư xây dựng quá mạnh khi khi thực lực kinh tế chưa đủ mạnh khiến nước này phải vay mượn. Đó là khởi đầu để đẩy Hy Lạp chìm đắm trong những khoản nợ kếch xù. Giờ đây, quốc gia này vẫn đang "loay hoay" tìm lối thoát cho mình với sự giám sát ngặt nghèo của IMF.
Với Việt Nam, những khoản nợ công được công bố vẫn ở trong tình trạng cho phép. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Để kiểm soát tốt nợ nần, vấn đề là phải lượng hoá được cả phần chìm đó. Nếu không sẽ rơi vào một cái bẫy: Bẫy nợ công. Hy Lạp là một bài học không nên bỏ qua.
Phan Thế Hải
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|