Thứ Ba, 11/10/2011 07:17

Nghị quyết và hiệu lực thực thi

Một thông tin không mới, nhưng chắc chắn sẽ khiến nhiều người quan tâm. Đó là ngay trong những tháng đầu triển khai biện pháp cắt giảm đầu tư công, ngoài sự chậm trễ trong thực thi các hạn định đặt ra và chậm báo cáo cắt giảm đầu tư, không ít địa phương vẫn khởi công hoặc tiếp tục xin đầu tư dự án mới.

Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 25.231 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 3.631 dự án khởi công mới, chiếm 26,68%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (25,58%). Điều đáng nói, đây mới là con số chưa đầy đủ, chỉ được tổng hợp từ những đơn vị có báo cáo giám sát đầu tư gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trên thực tế, số lượng đơn vị có báo cáo chưa bao giờ đầy đủ, bởi trong 6 tháng đầu năm, mới có 105/124 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo giám sát đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là một bằng chứng về sự yếu kém trong thực thi các nghị quyết, nghị định của Chính phủ.

Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo gửi Chính phủ, cũng phải thừa nhận một thực tế đáng quan tâm là, trong khi số dự án kết thúc đầu tư, đưa vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước không nhiều (4.693 dự án, chiếm tỷ lệ 18,6% - tỷ lệ này của năm ngoái là 16,21%), thì số dự án khởi công mới lại cao hơn. Trong khi đó, theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, sẽ không được khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các dự án trọng điểm quốc gia.

Vấn đề là, câu chuyện cắt giảm đầu tư công không chỉ có ý nghĩa trong năm nay, với mục tiêu kiềm chế lạm phát, mà còn là nhiệm vụ quan trọng trong những năm trước mắt, khi Chính phủ muốn tái cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Không thể để vốn nhà nước mãi đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nhất là khi nguồn lực đất nước còn hạn chế. Dự kiến, các cân đối vốn đầu tư phát triển trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Bởi vậy, cần giảm ngay các dự án, hạn chế tối đa khởi công mới trong 5 năm tới. Các cơ quan chức năng đã và đang gửi thông điệp như vậy. Theo đó, sẽ có hàng ngàn dự án bị cắt vốn để tập trung cho các dự án cấp thiết, có khả năng hoàn thành sớm và đem lại hiệu quả nhanh chóng. Trong trường hợp này, hoặc dự án bị đình lại, hoặc chuyển đổi sang mô hình đầu tư khác (BT, BOT hoặc PPP) cho phù hợp.

Một sự quyết liệt nhìn thấy rõ từ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Và điều này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ dư luận vốn luôn quan ngại về chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Nhưng vẫn phải nhắc lại một điều rằng, giữa kế hoạch và hiện thực còn là hiệu lực thực thi. Chỉ nghị quyết, hay quyết định từ cơ quan trung ương thôi chưa đủ, cần đòi hỏi sự nghiêm túc thực thi của các bộ, ngành, địa phương. Tất cả đều phải nỗ lực thực hiện vì nền kinh tế, bởi Việt Nam không còn đường lui, nếu muốn nâng cao hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế (10/10/2011)

>   "Dọn nhà" đón cơ hội (10/10/2011)

>   Chỉ tiêu của Quốc hội có mang tính bắt buộc? (07/10/2011)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Chấp nhận một lần đau (07/10/2011)

>   Không nên dùng toàn bộ tiền vượt thu để giảm bội chi (07/10/2011)

>   Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân (06/10/2011)

>   Hết vốn ngân sách, nhà thầu thất nghiệp (06/10/2011)

>   Hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư (06/10/2011)

>   Thực phẩm sụt giá, còn “ngại” lạm phát cuối năm? (06/10/2011)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nói đổi mới lần hai thì “to tát” quá (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật