Thứ Sáu, 07/10/2011 09:23

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Chấp nhận một lần đau

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước siết chặt và từng bước thoái thu nguồn vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành "nhạy cảm”. Song, "Đồng vốn mà các tổng công ty bỏ ra đang "ngập lụt” ở ngoài thị trường.

Muốn thoái thu vốn có nghĩa là phải thu gom những cái đã ít nhiều bung bét lại, trám các lỗ hổng mà tập đoàn, tổng công ty đã gây ra. Thậm chí, chấp nhận phải đánh đổi” – Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Phồn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Nhiều "quả đấm thép” chân trong chân ngoài

Hiện nay, ở một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước mặc dù làm ăn bết bát nhưng lại "khá nhiệt tình” chạy đua đầu tư ngoài ngành. Theo báo cáo thống kê, trong số 31 doanh nghiệp lớn và ngân hàng, có tới 21 đơn vị vẫn đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình. Số vốn đầu tư trái ngành nghề cũng chẳng hề nhỏ: 22.590 tỉ đồng, trong đó, có 6 tập đoàn, tổng công ty đầu tư trên mức 1.000 tỉ đồng/đơn vị. PVN dẫn dầu trong việc đầu tư ngoài ngành, với số tiền lên tới 6.690 tỉ đồng – chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Công nghiệp cao su, đầu tư ra ngoài 3.700 tỉ đồng, chiếm tới 19,8% vốn điều lệ. "Quả đấm thép” EVN kêu than lỗ vốn, nhưng rót vốn ra bên ngoài 2.100 tỉ đồng (2,8% vốn điều lệ).

Các đơn vị lý giải rằng, nếu chỉ kinh doanh 1 nghề thì không có tiền để bù lỗ. Việc đầu tư ngoài ngành được doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn xem như là cứu cánh số một để vớt vát thua lỗ trong kinh doanh. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là nỗ lực xoay sở của chính các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên phức tạp khi các doanh nghiệp vẫn luôn miệng kêu "lỗ”. Mặc dù được ưu đãi cả về vốn, về cơ chế, về chính sách nhưng "lỗ vẫn hoàn lỗ”. "Chân dung” của các tập đoàn không thể hình dung "theo hình thù gì”?

Đứng ở một góc nhìn từ việc đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt cũng cho rằng, việc doanh nghiệp lớn đua nhau đầu tư ra ngoài ngành là hiện tượng phá rào đi ra khỏi mục tiêu ban đầu. Hậu quả là nền kinh tế trong đó "đánh trận giả” lại trở thành chính.

Khó, vẫn phải làm

Giờ đây với "mệnh lệnh” của Thủ tướng là dừng đầu tư ngoài ngành và từng bước thoái vốn, các doanh nghiệp nhà nước đứng trước bài toán không hề dễ dàng. Đơn cử như ở Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nếu thực hiện thoái hết vốn tại CTCP Bảo hiểm hàng không (góp 10%), Quỹ đầu tư Việt Nam (góp 5%), CTCP Phát triển khu kinh tế Hải Hà (góp 10%), CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV (góp 7%)... thì biết đến bao giờ mới thoái thu lại được nguồn vốn đã rải ra ? Chính Vinacomin cũng than rằng, lộ trình này sẽ gặp nhiều khó khăn, do nhiều dự án đang triển khai dang dở.

Ông Nguyễn Quốc Phồn cho rằng, việc các tập đoàn, tổng công ty đua nhau đầu tư ngoài ngành đã không kiểm soát nổi. Nghị định của Chính phủ là đúng, nhưng nói thì dễ, thực hiện không dễ. Ông Phồn phân tích, các tập đoàn, tổng công ty vốn sẵn đang bắt tay nhau để đầu tư ngoài ngành. Nhà nhà, ngành ngành đầu tư vào điện, vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Đồng vốn mà các tổng công ty bỏ ra đang ngập lụt ở ngoài thị trường. Thời điểm mà các tập đoàn đầu tư là thịnh vượng của chứng khoán, thịnh vượng của bất động sản, một hào có thể sinh ra 3 đồng lãi, chắc đã không còn, song "đã ném lao thì phải theo lao”. Đấy là chưa kể "việc chân trong chân ngoài là hệ quả của một thể chế quản trị. Cho chân vào thì dễ, rút chân ra thì khó”.

Vậy, làm sao để thoái thu vốn hiệu quả, ông Phồn cho rằng, phải chấp nhận đánh đổi. Chính phủ muốn thu lại một đồng vốn, nhưng cũng phải xác định mất 0,5 đồng để lấp lại những chỗ trống mà các tập đoàn đã "nhúng chàm vào”. Việc thoái thu vốn cũng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, nếu các tập đoàn, tổng công ty rút vốn càng làm cho "bờ cát thêm sụt”. Nếu quyết tâm làm, nền kinh tế trước mắt sẽ phải chấp nhận chịu suy giảm kép, để vươn lên. "Thứ nhất, suy giảm do ảnh hưởng của bối cảnh chung kinh tế thế giới, thứ 2, suy giảm do chính tập đoàn và tổng công ty nhà nước gây ra”.

Rõ ràng, nhà nước cần quản lý sâu hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà cụ thể là quản lý dòng vốn. Trước đây, khi trao quyền tự chủ cho tập đoàn, tổng công ty, Chính phủ từng khẳng định rằng, trong tường hợp đặc biệt các tổng công ty, tập đoàn nhà nước có nhu cầu đầu tư vượt quá vốn quy định thì phải phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Tập đoàn, tổng công ty không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, song qui định đã không được chấp hành nghiêm bởi cả công tác quản lý, điều hành lẫn thực hiện.

Việc thoái thu vốn là cần thiết, nhưng suy cho cùng Chính phủ cần một động thái mạnh hơn. Có lẽ, đến lúc các mệnh lệnh hành chính phải thay bằng các hành động.

Thúy Hằng

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Không nên dùng toàn bộ tiền vượt thu để giảm bội chi (07/10/2011)

>   Chính phủ muốn thu hút nhiều vốn tư nhân (06/10/2011)

>   Hết vốn ngân sách, nhà thầu thất nghiệp (06/10/2011)

>   Hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư (06/10/2011)

>   Thực phẩm sụt giá, còn “ngại” lạm phát cuối năm? (06/10/2011)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nói đổi mới lần hai thì “to tát” quá (06/10/2011)

>   TPHCM: CPI sẽ được tính sát với giá cả thị trường (06/10/2011)

>   Nợ công: Cần một cơ chế kiểm soát (06/10/2011)

>   Tái cấu trúc và lực cản nhóm lợi ích (06/10/2011)

>   Khoảng 1,7 tỉ USD đăng ký đầu tư vào Chu Lai (06/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật