Quên tái cấu trúc nhân lực?
Tái cấu trúc nhân lực chất lượng cao là rất cấp thiết đối với tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay và những mục tiêu chiến lược của VN đến năm 2020, 2050, bởi vì con người quyết định tất cả mọi thành bại trong phát triển kinh tế.
Kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái, trì trệ, trong khi đó có quá nhiều vấn đề gay gắt bùng nổ: nợ công trở thành vấn đề nóng ở Mỹ, châu Âu, Nhật; lạm phát diễn ra tại nhiều nước trên thế giới và khu vực; cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Trong bối cảnh trên, kinh tế Việt Nam cũng đang đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng một cách cấp thiết, không thể chần chừ được nữa. Hội nghị Trung ương lần 3 vừa qua cũng đã xác định thời gian tới phải tái cấu trúc nền kinh trên ba lĩnh vực: đầu tư phân bổ nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công; thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và DNNN.
Cũng có ý kiến cho rằng, cả 3 lĩnh vực trên đều quan trọng như nhau và cần phải tái cấu trúc như một bước đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế. Quyết sách này hoàn toàn phù hợp với thực trạng kinh tế, những điểm yếu nội tại của nền kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tập trung sức tái cấu trúc 3 lĩnh vực trên mà không chú trọng đến nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố cốt lõi, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế - thì e rằng, chúng ta sẽ dẫm chân tại chỗ như trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNH-HĐH trước đây.
|
Con người quyết định tất cả mọi thành bại trong phát triển kinh tế |
Bởi vì, muốn tái đầu tư công, để lĩnh vực này trở nên hợp lý, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng đầu tư theo kiểu phong trào, dàn trải, trùng lắp, chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng, hiệu quả thì con người phải thay đổi tư duy, hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô... , phải có con người điều hành, lãnh đạo ngang tầm, trong sạch thì mới có thể xác định đúng đắn định hướng chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực, tài nguyên một cách thông minh, hiệu quả; dốc tiền của, sức lực đúng vào những nơi cần nhất, hiệu quả nhất, không đầu tư ồ ạt vào cảng biển hay mơ tưởng đến những công trình tốn kém nhiều tiền bạc, viển vông.
Hay muốn tái cấu trúc DNNN, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng thì có lẽ không chỉ là sắp xếp, tổ chức lại DNNN một cách giản đơn mà không tính đến điều trước tiên là đổi mới quản trị DN, đổi mới quản ly xí nghiệp. Phải có những giám đốc công ty, tổng công ty, tập đoàn tài giỏi, bản lĩnh và trong sạch, đặt lới ích đất nước trên lợi ích nhóm. Nếu không, chúng ta vẫn sẽ tái cấu trúc DNNN theo kiểu "bình mới, rượu cũ", tất yếu việc tái cấu trúc sẽ không đi đến đâu và cũng không thể đạt được kết quả mong muốn.
Việc tái cấu trúc thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng cũng vậy. Trước tiên, phải có con người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao, ngang tầm nhiệm vụ về hoạch định chính sách tiền tệ, tài chính, quản trị ngân hang một cách thông minh, thực sự tài giỏi.
Muốn khắc phục được hiện tượng đó thì trước tiên, phải có con người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải con người của cơ chế, chính sách cũ.
Nói gọn lại, tái cấu trúc nhân lực chất lượng cao là rất cấp thiết đối với tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay, đồng thời còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những mục tiêu chiến lược của chúng ta đến năm 2020, 2050, bởi vì, con người quyết định tất cả mọi thành bại trong phát triển kinh tế.
Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính cạnh tranh cao thì không thể cạnh tranh thắng lợi và phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trên thế giới ngày nay.
TS Phạm Minh Trí
Diễn đàn kinh tế việt nam
|