“Muốn giảm nợ nước ngoài, phải tăng vay trong nước”
Về kinh nghiệm cơ cấu lại nợ công của nhiều nước châu Á theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài bằng cách tăng phát hành trái phiếu trong nước, theo nhìn nhận của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Đô, đó không phải chuyện “ngày một, ngày hai”.
|
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Nguyễn Thành Đô |
Ông Nguyễn Thành Đô nói:
- Đấy là xu hướng, không phải việc mang tính ngày mai, ngày kia phải làm. Bởi khi chúng ta phát triển hơn, có tích lũy trong nước, thì trách nhiệm đương nhiên của chúng ta là phải huy động nhiều vốn trong nước, giảm dần huy động nước ngoài.
Nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ 5 năm tới, theo đó mỗi năm sẽ huy động khoảng 45 nghìn tỷ đồng, thưa ông?
Hai việc ấy khác nhau. Bởi vì, việc huy động vốn phải cân đối với chính sách tài khóa. Một khi chúng ta muốn giảm nợ nước ngoài, thì phải tăng vay nợ trong nước mới đảm bảo nhu cầu đầu tư.
Ngoài ra, huy động trong nước, trái phiếu Chính phủ chỉ là một kênh. Còn huy động qua ngân hàng, các doanh nghiệp tự phát hành, rồi huy động vốn tư nhân tham gia vào công trình theo hình thức PPP… Tức là huy động rất nhiều nguồn.
Một lưu ý khác là hiện nay, đánh giá về hiệu quả sử dụng trái phiếu Chính phủ vẫn chưa rõ nét. Còn nhiều khoản đầu tư được cho là dàn trải, kém hiệu quả, thưa ông?
Trái phiếu Chính phủ vay để bù đắp bội chi ngân sách. Đánh giá hiệu quả trái phiếu Chính phủ phải đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách nói chung vì nó hòa vào vốn ngân sách nhà nước và sử dụng chung.
Nhưng nợ công tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng được cho là đóng góp vào tăng trưởng chưa thật hiệu quả?
Một số người nói rằng, tốc độ tăng trưởng nợ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP là phản ánh sử dụng không hiệu quả. Nhưng, chúng tôi thấy rằng điều đó không đúng. Chúng ta không thể so tốc độ tăng GDP với tốc độ tăng nợ để nói rằng không hiệu quả.
Bởi vì, mẫu số của nợ thấp. Ví dụ chúng ta tăng dư nợ từ 10 tỷ USD lên 20 tỷ USD thì tức là đã tăng gấp đôi rồi, nhưng chỉ là 10 tỷ USD. Trong khi đó, GDP của chúng ta chẳng hạn tăng gấp đôi từ 50 tỷ USD lên 100 tỷ USD thì số lượng là cao hơn. Tức là một đồng vốn có thể tạo ra GDP nhiều hơn.
Chúng tôi cho rằng, thời gian đầu phát triển kinh tế, việc nợ tăng nhiều là bình thường. Tất cả các nước khác, trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, đầu tư cho hạ tầng thì bao giờ nợ cũng gia tăng. Khi nào các khoản nợ này phát huy hiệu quả, chúng ta bắt đầu trả thì nợ sẽ giảm dần. Đấy là xu hướng đúng.
Đã đi vay thì phải chấp nhận rủi ro
Vậy đâu là rủi ro lớn nhất với Việt Nam khi nợ nước ngoài của Việt Nam có thể gia tăng thời gian tới, thưa ông?
Trong bất kỳ khoản vay nào đều có mấy rủi ro sau đây. Thứ nhất là rủi ro tính thanh khoản, tức là có thể có một lúc nào đó mất khả năng trả nợ. Thứ hai là rủi ro về tín dụng, tức là trong quá trình đi vay, do điều kiện khách quan mà các doanh nghiệp, hoặc là dự án, có thể gặp khó khăn không lường trước được dẫn tới không thanh toán được nợ. Thứ ba là rủi ro tỷ giá, ví dụ như rủi ro tỷ giá đồng Yên chẳng hạn, thời gian vừa rồi cũng làm tăng dư nợ lên rất nhiều. Thứ tư là rủi ro từ hệ thống quản lý, do sai sót của bộ máy quản lý chính sách…
Không thể nói rủi ro nào hơn rủi ro nào. Đã đi vay thì phải chấp nhận rủi ro. Chúng ta phân biệt các loại rủi ro, nhận biết được nó và các biện pháp phòng ngừa, giám sát, quản lý và có các công cụ để giảm thiểu các rủi ro đó.
Với nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng nhanh chóng, áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam giai đoạn tới là gì?
Nếu nói ở tầm vĩ mô, chúng tôi cho rằng theo các chỉ số giám sát nợ mà chúng tôi đánh giá, cũng theo các tổ chức như WB, IMF hay tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc gia, người ta đều cho rằng nợ của Việt Nam đang trong ngưỡng an toàn. Chúng ta chưa gặp khó khăn nhiều lắm trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Chúng ta đều thấy rằng việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chỉ có 3,4% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi các nước khác nói rằng phải trên 20% mới gặp khó khăn. Đứng về cân đối vĩ mô, trả nợ của chúng ta thời gian tới đây chưa có gì khó khăn lắm. Tất nhiên có những thời điểm có khó khăn nhất định, chẳng hạn như tính thanh khoản, có thể có lúc dự trữ ngoại hối của chúng ta khó khăn thì một số nào đó khó khăn thôi.
Nhưng đấy là vấn đề hôm nay. Tôi nghĩ rằng thời gian tới nó sẽ có khó khăn hơn. Bởi vì, Việt Nam chúng ta trở thành nước thu nhập trung bình, phải đi vay những khoản vay kém ưu đãi hơn trước nhiều.
Thời gian qua, chúng ta chủ yếu đi vay ODA, lãi suất trung bình là dưới 2%/năm. Nhưng thời gian tới sẽ phải đi vay lãi suất cao hơn, thậm chí là lãi suất thị trường. Như vậy, chúng ta sẽ phải chịu chi phí nhiều hơn, phải trả nợ nhiều hơn.
Hơn nữa, chúng ta đang triển khai những dự án lớn như metro tại Tp.HCM, Hà Nội, hệ thống đường cao tốc… tất cả những khoản vay này đều kém ưu đãi cả. Thì đấy sẽ là áp lực trong 10 năm tới.
Không tính nợ doanh nghiệp nhà nước là khác biệt với thế giới
Hiện nay, nợ công của Bộ Tài chính khác về con số với các tổ chức nước ngoài. Ông giải thích thế nào?
Cái này thuộc sự khác nhau trong khái niệm nợ công của các nước. Việt Nam thì nợ công có 3 thành phần, thứ nhất là nợ Chính phủ đi vay trong và ngoài nước; thứ hai là nợ Chính phủ bảo lãnh, chủ yếu cho các doanh nghiệp; thứ ba là nợ chính quyền địa phương.
Thế còn ở các nước khác như Thái Lan, Pháp, hay theo khuyến nghị của WB, thì người ta tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Với Việt Nam, nợ doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh thì nằm trong nợ công, nhưng những khoản nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả thì không nằm trong nợ công. Đó là sự khác nhau giữa khái niệm nợ công Việt Nam và của các nước.
Tại sao như vậy? Chúng tôi cho rằng phải tính đến đặc điểm kinh tế Việt Nam. Chúng ta là nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, khu vực doanh nghiệp nhà nước rất phát triển, sang nền kinh tế thị trường. Hiện nay, chúng ta còn 4.200 doanh nghiệp nhà nước vẫn đang hoạt động, những doanh nghiệp này đi vay vốn ngân hàng trong nước, vay nước ngoài.
Với những khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thì không nói làm gì, còn những khoản tự vay tự trả thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu xếp vốn mà trả nợ. Bởi vì, hiện nay tất cả các doanh nghiệp của chúng ta đều hoạt động theo cùng một Luật Doanh nghiệp, có địa vị pháp lý, có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau.
Doanh nghiệp nhà nước được giao cho một khối lượng vốn chủ sở hữu nhất định thì các doanh nghiệp đó chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn chủ sở hữu đã được giao, Chính phủ không đứng ra trả thay các khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước nên không đưa các khoản này vào trong khái niệm nợ công. Trong khi đó, các nước khác và khái niệm của WB vẫn đưa vào.
Chúng tôi không nói đấy là đúng, hay sai, nhưng là sự khác nhau.
Nợ doanh nghiệp tự vay tự trả, nhiều quan điểm quốc tế cho rằng nếu doanh nghiệp không trả được sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn, lãi suất các khoản vay của Chính phủ có thể cao hơn?
Doanh nghiệp tự vay tự trả, trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vừa rồi, hàng trăm doanh nghiệp phá sản, kể cả những doanh nghiệp lớn như Lehman Brothers chẳng hạn, người ta có bị ảnh hưởng đến uy tín chính phủ đâu? Hai cái hoàn toàn khác nhau.
Chỉ nếu khoản vay của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh mà không trả nước, Chính phủ xử lý chậm thì có thể ảnh hưởng đến uy tín.
Tất nhiên, một doanh nghiệp Việt Nam không trả nợ được thì người ta cũng coi đó là doanh nghiệp Việt Nam, có ảnh hưởng ở mức độ nào đó về hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam. Chứ còn, cái đó có phản ánh trực tiếp vào chi phí vay của Chính phủ thì không phải.
Không thể doanh nghiệp vay không trả được là có trách nhiệm của Chính phủ ở đây. Hiện nay, hoạt động kinh doanh, tất cả là phải theo luật.
Anh Quân
TBKTVN
|