Thứ Tư, 19/10/2011 19:02

Cần phải có kịch bản kinh tế đặc biệt cho 2012

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, hầu hết các dự báo từ các tổ chức uy tín quốc tế cùng thống nhất nhận định về một triển vọng u ám, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều của kinh tế thế giới năm 2012 so với năm 2011.

Nền kinh tế Việt Nam với độ mở cửa ngày càng sâu, rộng chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực từ xu hướng nói trên của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, sự ảnh hưởng từ quốc tế không đáng ngại bằng việc "sức khỏe" của nền kinh tế đang yếu dần những vấn đề nội tại.

Khó khăn từ bên trong

Đánh giá thực lực nền kinh Việt Nam trong hiện tại, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra, di sản các năm trước để cho nền kinh tế là xu hướng giảm tốc tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại một cách chắc chắc.

“Điểm đáng lưu ý tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra tình huống vòng xoáy trong phát triển kinh tế, đó là sự đình trệ đi liền với lạm phát cao. Và nếu quả thực Việt Nam rơi vào vòng xoáy này thì đó là một tình huống khá nguy hiểm,” ông Thiên nhấn mạnh.

Nhiều số liệu phân tích cũng cho thấy kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, theo công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) 9 tháng đầu năm 2011, trên cả nước đã có gần 50.000 (chiếm 9% tổng số) doanh nghiệp phá sản. Điều này chỉ ra sức khỏe của khối doanh nghiệp đang bị hao hụt nặng.

Tại hội thảo “Diễn đàn kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều thống nhất nhìn nhận, việc lạm phát duy trì ở mức cao, việc làm bị thu hẹp đã khiến đời sống dân cư ngày càng khó khăn, nhất là nhóm người thu nhập thấp (công chức, công nhân, nông dân), tình huống trên sẽ kéo theo sức mua giảm, lòng tin trong xã hội bị giảm sút.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đầu tư ở Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế và không đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong lĩnh vực tài chính, ông Dominic Patrick Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định, trong khi nguồn lực quốc gia không còn nhiều, bên cạnh đó khu vực tư nhân cũng thiếu nguồn vốn phát triển, nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vai trò trung gian của hệ thống ngân hàng yếu không thực sự phát huy tác dụng, không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội và các xếp hạng tín nhiệm trong khối ngân hàng là thấp.

Cơ hội trong khó khăn

Đánh giá đúng đắn những khiếm khuyết trên “cơ thể” nền kinh tế nhằm tìm kiếm những giải pháp, đề xuất những giải pháp ứng phó thách thức một cách kịp thời. Ông Thiên nhấn mạnh, năm 2012 là một năm đặc biệt, một năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế nhằm ổn định và khôi phục niềm tin vào tiền đồng, hạ thấp lạm phát đến mức có thể giúp cho doanh nghiệp không lún sâu hơn vào tình thế bi kịch.

Ngoài ra, năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho 2012, phấn đấu GDP đạt 6% hoặc 6,5%, chỉ số lạm phát dưới 10%, thâm hụt thương mại 13% (13,5%), bội chi ngân sách 4,8%.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng mặc dù hai kịch bản trên đã “nén” các chỉ số, song các mục tiêu đề xuất trong cả hai kịch bản đều đang lạc quan hơn so với kết quả thực tế đạt được trong năm 2011.

Do đó, ông Thiên mạnh dạn kiến nghị kịch bản hành động thứ 3. “Tình huống cấp bách yêu cầu phải có liệu pháp đặc biệt. Cần phải có một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần xem tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của năm 2012, tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới,” ông Thiên nhấn mạnh.

Chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau đớn để xoay chuyển căn bản tình hình, tạo lòng tin. Không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy.

Ở góc độ tìm kiếm cơ hội, ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới có thể lình xình đến hết quý II/2012. Song xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu cung cấp hàng thiết yếu nên có khả năng vẫn có triển vọng, thậm chí trong khi người tiêu dùng thế giới thực hiện tiết kiệm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ thì nhu cầu hàng thiết yếu tại tăng lên.

Về dòng vốn, ông Sơn còn chỉ ra, khi chính phủ các nước sử dụng chính sách kích cầu thì dòng tiền sẽ tiếp tục chảy đến nơi có lợi nhuận và thị trường mới nổi vẫn là mục tiêu ưu tiên.

Do đó, ông Sơn cũng đồng tình với quan điểm, tập trung giải quyết các căn bệnh nội tại, tái cấu trúc nền kinh tế, tiếp tục duy trì thắt chặt tiền tệ, trường hợp doanh nghiệp khó khăn phải cho phá sản. Ngay cả hệ thống ngân hàng, không được nương nhẹ với các ngân hàng không đạt chuẩn. Phải làm trong sạch thị trường bất động sản. Lĩnh vực chú trọng nhất, cần phải làm ngay là ổn định an sinh xã hội và khuyến khích khu vực đảm bảo xuất khẩu.

Ông Trần Xuân Giá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng khẳng định: “Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta mạnh tay tái cấu trúc hệ thống kinh tế, cần phải học hỏi ngay trong quá khứ khi mà chúng ta đã rất thành công với thời kỳ lạm phát phi mã 1989 và sau đó tạo ra hậu thuẫn phát triển kinh tế cho các năm tiếp theo.”

Các chuyên gia kinh tế cũng đặt câu hỏi, vậy năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ là bao nhiêu: 6%, 6,5% hay thấp hơn? Điều quan trọng là, kỳ họp Quốc hội khóa tới, các đại biểu cần thảo luận và đưa ra một con số hợp lý, bởi nếu vẫn ham tăng trưởng, hệ quả sẽ là khôn lường.

Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, mục tiêu hàng đầu vẫn phải là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, vượt quá tiềm năng, thì Chính phủ sẽ lại phải tăng đầu tư, tung tiền ra và hệ quả là lạm phát lại tái hồi./.

Thúy Hạnh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Phải kéo lạm phát xuống nữa (19/10/2011)

>   Hướng ra mặt biển (19/10/2011)

>   Tái cấu trúc DNNN: 30 năm vẫn vậy (19/10/2011)

>   Vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam sẽ vượt 3 tỉ đô la Mỹ (18/10/2011)

>   Nên bán bớt doanh nghiệp Nhà nước (18/10/2011)

>   Giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2012 (18/10/2011)

>   Ông Vũ Viết Ngoạn: Kịch bản ứng phó khủng hoảng (18/10/2011)

>   Người dân, doanh nghiệp phải 'xúm vào' góp ý cho chính sách (18/10/2011)

>   Thu hồi 2 dự án du lịch trên 1,3 tỉ USD (18/10/2011)

>   Sẽ đặt trọng tâm kiểm toán vào nhiều lĩnh vực “nhạy cảm” (17/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật