Ông Vũ Viết Ngoạn: Kịch bản ứng phó khủng hoảng
“Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để có thể giám sát những rủi ro mang tính hệ thống của thị trường tài chính tiền tệ”- Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nói.
Ông Vũ Viết Ngoạn, cho biết: Để Việt Nam chủ động hơn trong việc ứng phó khủng hoảng, UBGSTC đang bắt tay xây dựng kịch bản chính sách ứng phó nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban từ nay tới cuối năm.
Chúng tôi đang bắt đầu triển khai và sẽ sớm trình Chính phủ. Để làm tốt việc xây dựng kịch bản này, trong ít ngày tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo về chủ đề này, với sự đồng tham dự của nhiều tổ chức như WB (Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á). Hy vọng, những thông tin và ý kiến từ hội thảo sẽ đem lại cho chúng ta cái nhìn chuẩn xác.
Nói chung, những khó khăn mà kinh tế thế giới phải đối mặt thời gian tới vẫn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải có kịch bản chính sách phù hợp với từng tình huống, từ xấu nhất cho tới lạc quan nhất. Trong kế hoạch những tháng cuối năm, Ủy ban cũng sẽ lập báo cáo đánh giá về kinh tế vĩ mô 2011, phân tích dự báo tình hình 2012.
Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và đổ vỡ nợ công ở châu Âu diễn ra trên diện rộng. Nhiều ý kiến cho rằng đó là hệ quả của sự thiếu kiểm soát trong hệ thống tài chính với các nền kinh tế phát triển? Việt Nam làm gì để tránh sự đổ vỡ tương tự?
Ở đây có hai nguyên nhân, thứ nhất là mất ổn định cân đối kinh tế vĩ mô không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn phạm vi quốc tế. Thứ hai, nhìn trên bình diện toàn cầu, GDP một năm toàn cầu khoảng 60.000 tỷ USD trong khi đó doanh số trên thị trường tài chính toàn cầu là 2.000 tỷ mỗi ngày, nó lớn hơn hàng chục lần so với GDP. Thị trường tài chính vượt xa nền kinh tế thực, nó ở mức độ cực kỳ nguy hiểm.
Bên cạnh, thị trường tài chính đã sáng tạo ra những sản phẩm cực kỳ phức tạp, có thể xem như đó là những “phát minh” của thị trường, nó mang lại hiệu quả trong chừng mực nhất định cho từng định chế, từng nhà đầu tư, nhưng nó vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý. Đây cũng là lý do khiến hệ thống giám sát tài chính ở bình diện quốc gia cũng như ở bình diện toàn cầu cần được thay đổi.
Hiện trên bình diện toàn cầu, các nước G20 vừa họp và thống nhất đặt vai trò giám sát tài chính toàn cầu cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhiều quốc gia cũng đã tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là giám sát rủi ro hệ thống. Ở ta, dù quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé nhưng chúng ta cũng không đứng ngoài tất yếu này.
Tiềm ẩn rủi ro lớn
Ông thấy các cơ quan chuyên ngành đang giám sát về hiệu quả hoạt động và kiểm soát những rủi ro của hệ thống tài chính ra sao?
Hiện hệ thống tài chính của Việt Nam (ngân hàng thương mại, công ty tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán...) phát triển ở trình độ thấp so với yêu cầu. Thị trường đang có sự đan xen giữa hoạt động tài chính và phi tài chính, nhiều sản phẩm đan xen nhau, và ngày càng thấy rõ sự liên thông giữa hoạt động ngân hàng với hoạt động chứng khoán, bất động sản.
"Tới đây các ngân hàng quy mô nhỏ, chất lượng tín dụng không tốt, cần có quan điểm xử lý rõ ràng. Cần xếp hạng tín dụng khối ngân hàng thường xuyên, giám sát chặt tăng trưởng, dư nợ, nợ xấu. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ là tất yếu. Chúng ta phải làm quyết liệt thì mới nâng được tính minh bạch của nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính”.- Ông Vũ Viết Ngoạn. |
Các ngân hàng thương mại phần lớn đều có công ty chứng khoán. Trong khi hạn chế lớn nhất là chuẩn mực thanh toán và hoạt động kiểm toán ở Việt Nam vẫn chưa tốt. Nếu không nâng cao giám sát, không thể đảm bảo phát triển bền vững, thậm chí có thể tiềm ẩn rủi ro lớn.
Hiện mỗi lĩnh vực đều đã có cơ quan giám sát chuyên ngành, nhưng khi các sản phẩm đan xen nhau giữa các thị trường thì đứng ở một góc hẹp chuyên ngành, khó có thể phát hiện được rủi ro hệ thống hay còn gọi là rủi ro vĩ mô. Vấn đề đặt ra là phải giám sát rủi ro hệ thống. Tôi cho rằng, tới đây cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để có thể giám sát hệ thống tốt hơn.
Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm Việt Nam hiện nay?
Hệ thống ngân hàng chỉ là một phần cấu thành của hệ thống tài chính. Nhưng khi các thị trường khác như cổ phiếu, trái phiếu chưa phát triển được thì gánh nặng đè lên vai các ngân hàng. Nên hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nó thể hiện ở mấy điểm: Phát triển rộng nhưng chất lượng chưa tương xứng; năng lực tài chính còn hạn chế, quản trị rủi ro yếu, chuẩn mực quản trị rủi ro chưa đồng bộ…
Chứng khoán cũng tương tự như ngân hàng, số lượng công ty nhiều so với quy mô thị trường hiện nay. Thị trường cũng đã xuất hiện một số sản phẩm phái sinh sử dụng đòn bẩy tài chính trong khi quy chế chưa chặt chẽ.
Cảm ơn ông.
Khánh Huyền thực hiện
tiền phong
|