Đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút đầu tư
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ, diễn ra hôm nay (17/10) tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, điều quan trọng là các địa phương phải đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút đầu tư, phân bổ và bổ trợ nguồn lực một cách hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Thưa ông, khu vực Bắc Trung Bộ có những tiềm năng, lợi thế đặc biệt gì để thu hút đầu tư?
Khu vực này có hai thế mạnh lớn, đó là kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực – các yếu tố cơ bản đối với mọi nhà đầu tư. Về hạ tầng cơ sở, giao thông của cả 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đều rất thuận tiện, cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không. Khu vực này có 6 tỉnh, thì 3 tỉnh có sân bay. Những cảng biển nước sâu ở khu vực này cũng rất thuận lợi cho tàu có trọng tải lớn vào. Một thuận lợi nữa là, khu vực có tới 5 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu và đã thu hút được khá nhiều dự án lớn... Những dự án trọng điểm này sẽ tạo động lực, tạo sức lan tỏa lớn trong thu hút và phát triển công nghiệp phụ trợ cho toàn vùng.
Bắc Trung Bộ cũng là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là tỷ lệ lao động qua đào tạo rất lớn, với khoảng 3/6 triệu lao động đã qua đào tạo. Đây là điểm rất thuận lợi để Bắc Trung Bộ thu hút đầu tư.
Nhưng thưa ông, dù có tiềm năng, thế mạnh lớn như vậy, nhưng thực tế, kết quả thu hút đầu tư vào khu vực này thời gian qua còn khá khiêm tốn. Phải chăng, sẽ phải đẩy mạnh ưu đãi hơn để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bắc Trung Bộ lớn hơn nữa?
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, toàn khu vực có 243 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 19,9 tỷ USD, chiếm gần 10% vốn đăng ký FDI của cả nước. Theo quan điểm của một số người thì con số này có thể còn hạn chế, nhưng quan điểm của tôi là, giờ đây, chúng ta không chạy đua theo số lượng nữa, mà phải nâng cao chất lượng vốn FDI. Những nhà đầu tư đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta ưu tiên thu hút thì sẽ rất được hoan nghênh.
Cụ thể là thế nào, thưa ông?
Khu vực Bắc Trung Bộ có tiềm năng phát triển công nghiệp nặng và du lịch. Đó là hai lĩnh vực sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư ở đây. Cảng biển nước sâu và những bờ biển trải dài, suốt từ Sầm Sơn, tới Thiên Cầm, Lăng Cô… là những lợi thế rất lớn để khu vực này thu hút đầu tư.
Bắc Trung Bộ có một loạt khu kinh tế lớn, như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây…, đang triển khai tốt. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế này. Đầu tư vào đây, các nhà đầu tư sẽ được tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo pháp luật hiện hành. Việc các địa phương tích cực cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa… cũng sẽ tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư.
Khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đồng lòng tổ chức chung một hội nghị xúc tiến đầu tư, dư luận đang trông chờ một sự liên kết vùng, vốn được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thời gian tới, không riêng gì với khu vực Bắc Trung Bộ, mà với các vùng kinh tế trọng điểm khác cũng vậy, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tập trung đẩy mạnh liên kết vùng, để đảm bảo phân công lao động, phân công chức năng tốt hơn và các địa phương sẽ hợp tác, bổ trợ nguồn lực cho nhau, thay vì cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu nguồn lực của nhau. Quan điểm của chúng tôi là, sẽ kêu gọi đầu tư một cách có định hướng, có chủ định và phải tạo được các cụm ngành nghề tập trung. Tập trung thành một cụm như vậy thì sẽ tạo hiệu ứng tốt, tiếp thị dễ hơn, xây dựng thương hiệu cũng dễ hơn.
Tôi lấy ví dụ, ở khu vực Bắc Trung Bộ, có thể hợp tác phát triển du lịch rất thuận lợi. Không chỉ có bờ biển đẹp, khu vực này còn có hệ thống giao thông liên kết vùng rất thuận lợi, trải dọc cả 6 tỉnh, là một thứ liên kết tự nhiên mà không phải khu vực nào cũng có được. Nếu các tỉnh hợp tác phát triển tour, tuyến, xây dựng cơ sở vật chất du lịch, sản phẩm du lịch…, thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư vào đây.
Nhưng liên kết vùng là câu chuyện không đơn giản. 6 tỉnh nhưng có tới 5 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, thì vì lợi ích cục bộ, sẽ rất dễ dẫn đến chuyện mạnh ai nấy làm…?
Chủ trương của chúng tôi trong giai đoạn tới là sẽ xem xét lại việc phân cấp trong đầu tư. Còn với cơ chế hiện tại, vì lợi ích cục bộ của tỉnh, vì tư duy nhiệm kỳ, cộng thêm bệnh thành tích…, sẽ không tránh khỏi chuyện các địa phương cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí không cẩn thận sẽ dẫn tới triệt tiêu lẫn nhau. Nếu các địa phương cứ cạnh tranh nhau theo kiểu đua nhau hạ giá, miễn giảm phí, tăng ưu đãi…, thì rất nguy hiểm. Điều quan trọng là cán bộ địa phương phải nâng cao được nhận thức về vấn đề này. Chính sách trong một vùng phải đồng bộ, đó là vì lợi ích của địa phương và lợi ích của quốc gia.
Ở tầm vĩ mô, Trung ương chỉ có thể định hướng thu hút đầu tư theo quy hoạch ngành nghề, quy hoạch vùng, làm sao để có thể đẩy mạnh liên kết vùng, làm sao để các địa phương tối ưu hóa nguồn lực, bổ trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Hà Nguyễn
đầu tư
|