Thứ Sáu, 14/10/2011 22:38

Cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với các chỉ số quan trọng xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2010-2011 của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã bị tụt từ 10-20 bậc so với năm 2009, môi trường thể chế đất nước đang đối mặt với đòi hỏi bức bách phải cải cách một cách toàn diện, hệ thống nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ sức chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.

Thách thức môi trường thể chế

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng thể chế: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam” tổ chức ngày 14/10, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa khẳng định, hệ thống thể chế tốt, nhất là trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực khác của nền kinh tế là yếu tố quan trọng đối với các nước thu nhập trung bình như Việt Nam để chuyển sang mô hình kinh tế có mức tăng trưởng cao và thu nhập được cải thiện. Việc có một thể chế tốt sẽ giúp giám sát hiệu quả việc phân bổ các nguồn lực, trên cơ sở đó giúp Chính phủ có khả năng ứng phó được với cú sốc của nền kinh tế.

Trong ba năm qua, Việt Nam đã có được những bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thông qua Đề án 30, cũng như đã có những đánh giá tác động của các văn bản pháp luật tới đời sống xã hội và môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để việc cải cách mang lại những lợi ích thực sự cho đất nước.

Đồng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường đã chỉ ra 7 thách thức với môi trường thể chế của Việt Nam. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành 4 năm từ 2005-2009 nhiều hơn so với tổng số văn bản được ban hành trong vòng 18 năm trước trong khi chất lượng của nhiều văn bản chưa đảm bảo.

Trong khi đó, Việt Nam chưa thực hiện công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA) một cách nghiêm túc; thiếu cơ quan đầu mối, các công cụ, tiêu chí kiểm soát chất lượng văn bản. Việc lấy ý kiến quần chúng về các văn bản pháp luật vẫn mang tính hình thức nên chưa tạo ra được sự thay đổi thực sự về chất. Đáng chú ý, việc thường áp dụng các biện pháp ban hành quy định để xử lý các phát sinh, chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường để điều tiết và còn tồn tại luật khung, luật ống chính là nguyên nhân khiến hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ ra, nguyên nhân khiến việc cải cách thể chế của Việt Nam chưa mang lại hiệu quả thực sự là do Nhà nước làm thay thị trường, chi phối thị trường quá nhiều. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cải thiện môi trường thể chế nhưng công tác này chưa mang tính thường xuyên và có hệ thống nên gánh nặng của “rừng” quy định đang gây khó khăn lớn trong quản lý và nâng cao chất lượng thể chế cũng như quản lý tác động của môi trường thể chế tới người dân, doanh nghiệp, đầu tư và năng lực cạnh tranh.

Quyết liệt cải cách thể chế

Theo ông Faisal Naru, Cố vấn trưởng về cải cách thể chế tại Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI), thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam là có tiềm năng đổi mới rất lớn. Để tận dụng được lợi thế của mình, Việt Nam cần có hệ thống quản lý thể chế tốt hơn, hiện đại hơn nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản trong điều hành gồm hoạch định chính sách, phối hợp chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Việt Nam cần thiết lập một cơ quan phối hợp, giám sát đảm bảo các cơ quan pháp nhân trên thị trường hoạt động hiệu quả. Vai trò của cơ quan là điều phối, tạo điều kiện xây dựng chính sách và thực hiện chính sách tốt hơn thông qua cơ chế thảo luận để thu lại các phản hồi. Đồng tình một phần với các khuyến nghị của chuyên gia quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, cải cách thể chế không phải là cải cách hành chính mà là một bậc cao hơn, trong đó thay đổi cách quản lý nhà nước, cách can thiệp của Chính phủ với xã hội nói chung và thị trường nói riêng.

Cải cách hành chính nằm trong khuôn khổ hiện hành của Chính phủ, còn cải cách thể chế ở tầm cao hơn, thay đổi tư duy, cách thức và phương pháp mới về quản lý. Theo đó, chức năng của Nhà nước cần thay đổi theo hướng từ kiểm soát, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển.

Với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay, cải cách thể chế cần tập trung vào hướng tuân thủ các quy luật vận động của thị trường hoặc ban hành các quy định giúp thị trường hoạt động tốt hơn. Giải pháp cuối cùng mới là ban hành các quy định để can thiệp, kiểm soát thị trường theo tiêu chí các quy định được ban hành phải mang lại lợi ích lớn hơn chi phí Nhà nước và người dân bỏ ra để tuân thủ quy định đó.

Đặc biệt, trong ban hành các chính sách và văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo phải có một quy trình đảm bảo tất cả các bên có liên quan, mà trước hết là những người bị chi phối, bị tác động được tham vấn một cách công khai, công bằng, thực chất vào quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết lập cơ chế kiểm soát quá trình vận động chính sách một cách minh bạch, đảm bảo cho mọi người dân hiểu được Chính phủ đang ban hành chính sách mới. Có như vậy, việc ban hành các chính sách, quy định mới mới hạn chế được sự chi phối của các nhóm lợi ích.

Cũng theo ông Cung, với đặc điểm cụ thể của Việt Nam hiện nay, việc thiết lập một cơ quan độc lập có vai trò điều phối, giám sát, thẩm định quy trình ban hành văn bản chính sách và đánh giá tác động của chính sách là không khả thi bởi sẽ dẫn tới sự chồng chéo, thậm chí xung đột với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và các cơ quan giám sát của Quốc hội.

Vì vậy, thay vì thiết lập một cơ quan như vậy, cải cách thể chế cần tiếp tục tập trung vào việc công khai hóa, minh bạch hóa hơn nữa quá trình xây dựng văn bản và quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản và công khai hóa kết quả thẩm tra, thẩm định văn bản, ông Cung nhấn mạnh./.

Nguyễn Kim Anh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thất thoát, lãng phí vốn đầu tư còn nhức nhối (14/10/2011)

>   Thủ tướng: ‘Tăng trưởng 2011 đạt yêu cầu' (14/10/2011)

>   “Không khí mới” cho nền kinh tế (14/10/2011)

>   Đã đến lúc tái cơ cấu TKV (14/10/2011)

>   Giám sát tối cao: Đầu tư công vào tầm ngắm (14/10/2011)

>   ANZ: Lạm phát của Việt Nam sẽ hạ nhiệt (14/10/2011)

>   Thu hồi các dự án thủy điện chậm triển khai (14/10/2011)

>   Giảm đầu tư ngoài ngành: lộ trình nào? (13/10/2011)

>   Dự án thép 5 tỉ đô la của Tata sắp được thực hiện (13/10/2011)

>   Thủ tướng thúc giục doanh nghiệp tự đổi mới (13/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật