“Không khí mới” cho nền kinh tế
Thật hiếm khi nào lại thấy ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12, có tâm trạng vui như vậy.
Ông kể, mấy ngày nay đã chia sẻ với một số chuyên gia kinh tế và nhận được sự đồng cảm rất cao, rằng khá nhiều kiến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế của chính Ủy ban Kinh tế khóa 12 cũng như các ý kiến được Ủy ban tập hợp từ các cuộc hội thảo khoa học, đã được đề cập tại phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 10/11 vừa qua).
Tại đây, Tổng bí thư đã nhấn mạnh “một nội dung mới rất quan trọng được Hội nghị Trung ương lần này xem xét và quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Như vậy, từ các kiến nghị tản mạn, đơn lẻ liên tục trong một số năm gần đây, tinh thần và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế đã thực sự hội tụ, đó là tín hiệu rất tốt lành, thực sự đem lại không khí mới cho nền kinh tế, ông nói.
|
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12 |
Lẽ ra phải nhanh hơn
Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, ngay từ kỳ họp thứ 4, vào cuối năm 2008, đề xuất tái cấu trúc nền kinh tế đã được đặt ra. Sau đó, trước khi diễn ra kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2009) Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong giai đoạn hậu suy giảm kinh tế. Song đến bây giờ vấn đề này mới “hội tụ” như ông nói thì liệu có chậm quá không, thưa ông?
Đúng là có chậm, nhận thức là một quá trình. Nhưng nhìn vào yêu cầu bức thiết của nền kinh tế mấy năm gần đây thì quá trình vận hành để khởi động tái cơ cấu đúng là hơi chậm, lẽ ra nó phải nhanh hơn.
Tôi còn nhớ tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa 12 vào cuối năm 2010, bản thảo đề án được Chính phủ giao của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chỉ mới nói là “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Rồi ngay cả quá trình thảo luận văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng cũng gần đến phiên họp chót mới ghi là tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bởi vậy, để có được quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế là kết quả đấu tranh trong nhận thức của từng người, từng cấp. Và khi nhận thức đúng, hành động đúng thì sẽ tạo ra bước ngoặt. Đó là tín hiệu rất tốt lành của năm nay, dù nhìn vào từng chỉ tiêu của nền kinh tế thì không mấy lạc quan.
Thưa ông, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thì tái cơ cấu là điều tất yếu phải thực hiện khi dư địa của mô hình tăng trưởng hiện tại đã không còn và bất ổn vĩ mô đang ngày càng nghiêm trọng. Và như đã nói thì một số đại biểu Quốc hội đã “đòi nợ” Chính phủ đề án tái cơ cấu nền kinh tế ngay tại nghị trường. Vậy lý do nào mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như ở một số diễn đàn lại “ngại” nói đến “tái cơ cấu nền kinh tế”bnhư vậy?
Thực ra thì không phải ngại, nhưng ban đầu vấn đề này cũng chưa được định hình rõ rệt. Ngay cả chuyện tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì cũng 5 người 10 ý. Người thì bảo nên bắt đầu từ thể chế, từ đầu tư công, người cho rằng phải từ doanh nghiệp nhà nước… Sau này thì các ý kiến mới dần dần chụm lại.
Bây giờ thì nhận thức thống nhất rồi, rõ ràng lắm rồi. Ba lĩnh vực quan trọng nhất cần tập trung là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Như thế, mấy năm vừa qua là quá trình dẫn đến nhận thức tập trung, thống nhất, từ đó sẽ đưa ra chủ trương đúng, cách làm tốt và tình hình sẽ tốt trong thời gian tới, tôi tin là như vậy.
Cơ bản bất ổn hay cơ bản ổn định?
Vâng, thưa ông, ai cũng muốn tin như vậy. Song, cũng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” đã được Tổng bí thư nhấn mạnh tại bài phát biểu bế mạc, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nền kinh tế đang cực kỳ khó khăn và thời gian tới được dự báo sẽ còn khó khăn hơn. Mà muốn có giải pháp đúng thì phải nhận định đúng thực trạng…
Như tôi đã nhiều lần trao đổi với VnEconomy, là nền kinh tế đã tích tụ những khiếm khuyết rất lâu và rất nặng nề rồi.
Lâu nay mình vẫn nói là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng hôm trước tôi tham dự một hội thảo, anh Cung (Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - PV) cho rằng phải nói là cơ bản bất ổn định. Ý kiến này không phải là không có lý, không có cơ sở. Vì, có cơ bản bất ổn định thì mình mới đưa ra mục tiêu tổng quát là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô chứ. Nếu cơ bản ổn định rồi thì làm gì phải ưu tiên, mà không phải ưu tiên một năm mà là nhiều năm. Đó là nhận thức rất quan trọng.
Phải chăng đây chính là lý do khiến không ít ý kiến cho rằng, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ trình tại các kỳ họp Quốc hội thường “hồng” hơn thực tế. Còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng hầu hết là “cơ bản tán thành”?
Không phải như vậy, bất ổn vĩ mô được nhìn nhận khá lâu rồi nhưng quả thật quá trình xem xét, nghiên cứu và có các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ thì chưa đầy đủ. Tôi còn nhớ tại hội thảo vào cuối tháng 9/2009 do Ủy ban Kinh tế tổ chức tại Vĩnh Phúc, rất nhiều ý kiến đều thống nhất là phải tập trung ưu tiên cho ổn định vĩ mô, lấy ổn định vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban trong khóa 12 cũng vẫn đi theo hướng đấy, tức là ưu tiên ổn định vĩ mô không phải một năm mà phải dài hạn. Khi xem xét tình hình chúng tôi luôn nhìn nhận cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời phải phân tích sâu và nhiều chiều.
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô đã được thể hiện tại khá nhiều bản kiến nghị của Ủy ban Kinh tế khóa 12, vậy kết quả của những kiến nghị này đến nay như thế nào, có thể định lượng được không, thưa ông?
Bên cạnh các chuyên gia kinh tế là thành viên thì Ủy ban Kinh tế khóa 12 có may mắn là nhận được sự hợp tác rất chặt chẽ, thường xuyên của nhiều chuyên gia kinh tế và một số cơ quan nghiên cứu trong cả nước. Bởi thế có nội dung rất quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế Ủy ban đã sớm tổ chức hội thảo để đưa ra kiến nghị.
Ví dụ: vấn đề tái cơ cấu đầu tư, cuối tháng 12 năm 2010, chúng tôi có tổ chức một cuộc hội thảo lớn với chủ đề “Tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam”. Ngay sau hội thảo chúng tôi đã tập hợp và gửi những kiến nghị về nội dung này.
Lý do để chọn và đưa ra kiến nghị rất đơn giản, vì nền kinh tế tăng trưởng những năm vừa rồi chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, nhưng hiệu quả đầu tư lại rất thấp.
Trong 5 năm tới, nếu theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thì vốn đầu tư sẽ giảm (từ trên 40% GDP xuống còn khoảng 35% GDP) song vốn Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng 37% của 35% đó, nên đầu tư công vẫn còn lớn và tác động rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó lĩnh vực này hiện tại chứa đựng nhiều mâu thuẫn, yếu kém mà điển hình là hiệu quả đầu tư.
Vì vậy, muốn đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và tăng trưởng bền vững thì phải bắt đầu từ sử dụng vốn đầu tư làm sao cho hiệu quả nhất. Đó chính là logic của vấn đề và giải thích tại sao Ủy ban lại kiến nghị tái cơ cấu nền kinh tế bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư và trọng tâm là đầu tư công.
Bàn về hiệu quả đầu tư công, gần đây một vị chuyên gia kinh tế đã đưa ra thống kê: nền kinh tế 100 tỷ USD của Việt Nam có tới 100 cảng biển (20 cảng quốc tế), 22 sân bay (8 sân bay quốc tế, trong khi nền kinh tế 4.500 USD của Nhật Bản chỉ có 4 sân bay quốc tế). Rồi 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp… Những con số này được sử dụng khá nhiều để minh chứng cho sự đầu tư dàn trải, lãng phí, là một phần hậu quả của phân cấp trong đầu tư. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi thì tái cơ cấu đầu tư về bản chất là làm sao anh huy động và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực của mình, cũng không có nghĩa là giảm vốn đầu tư mà vẫn phải tăng, chỉ có điều tăng ở khu vực ngoài nhà nước (về tỉ trọng trong tổng nguồn vốn). Trên cơ sở nguồn lực đó anh phân bổ làm sao để mang lại hiệu quả nhất, quản lý, sử dụng sao cho tốt nhất.
Ở đây có một ý cần phải xem xét thận trọng hơn về phân cấp. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói là tái cấu trúc đầu tư gắn với đổi mới phân cấp quản lý, theo tôi không phải gắn với, mà đổi mới phân cấp quản lý nguồn vốn là một nội dung trong tái cơ cấu đầu tư. Nên vấn đề này là cần, nhưng cũng không nên hiểu đổi mới phân cấp theo hướng tập trung là cơ quan nào quản lý vốn thì cơ quan đó phê duyệt dự án.
Quá trình phân cấp đầu tư vừa rồi là một bước tiến về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng song việc thực hiện chưa đồng bộ, còn yếu kém. Nhưng tôi vẫn khẳng định lỗi không phải chỉ là do phân cấp, phân cấp bây giờ chưa nhiều đâu. Thử hỏi bao nhiêu tỉnh đã tự chủ được ngân sách, phần lớn vẫn phải hỗ trợ vốn đầu tư từ Trung ương, đấy là chưa kể đến các nguồn vốn khác như vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA..., nếu hiểu là ai phân bổ vốn người đó duyệt dự án thì tất cả lại tập trung về Trung ương, thì lại quay lại cơ chế xin - cho mà mình mất bao nhiêu năm mới thay đổi được.
Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với đổi mới về quy hoạch. Tại sao có nhiều sân golf? Nếu mình đã quy hoạch rồi thì không có tình trạng có tỉnh có đến 10 dự án sân golf như vừa rồi đã báo cáo với Quốc hội.
Tương tự với các nhà máy thép ngoài quy hoạch cũng vậy, lỗi đâu chỉ tại địa phương, nếu anh đã có quy hoạch thép hợp lý thì địa phương muốn “vượt rào” cũng khó. Hoặc về cảng biển cũng vậy, nếu có một quy hoạch phát triển cảng chuẩn xác, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thì không có tình trạng đầu tư dàn trải như thời gian qua.
Vì thế, để sử dụng nguồn lực tốt thì cần phải phải có quy hoạch và kế hoạch cho chuẩn.
Lực cản “lợi ích nhóm”
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3, Tổng bí thư cũng đã nhấn mạnh: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối. Phải chăng “lợi ích nhóm” cũng sẽ là lực cản lớn cần phải vượt qua trong tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu đầu tư nói riêng, thưa ông?
“Lợi ích nhóm” theo tôi hiểu là lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, khu vực… là khá rõ.
Khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cắt giảm đầu tư công, chúng tôi đến làm việc ở nhiều địa phương thì hầu hết đều kêu là chúng tôi không cắt được, vì lý do này, lý do kia.
Sau khi bị cắt thì thông qua báo chí nói là ngừng dự án thì lao động mất việc, công trình dở dang… đương nhiên là có thể xảy ra chuyện đó, nhưng nếu anh hiểu là vì lợi ích toàn cục phải “chịu thiệt” một chút thì mới có thể làm được. Anh kêu ca, anh cố giữ thì là lợi ích cục bộ chứ còn gì?
Hay việc xây dựng luật cứ nghiêng về bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình thì cũng không phải là không có, Quốc hội cũng đã nhiều lần phê rồi.
Bên cạnh lợi ích cục bộ, theo ông còn khó khăn nào đáng kể khi thực hiện tái cơ cấu đầu tư?
Tổ chức thực hiện luôn là khâu quyết định thắng lợi của một chủ trương đúng. Sự điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương là yếu tố rất quan trọng và cuối cùng là con người, là trách nhiệm thực thi của những người được giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, để thực hiện được thì hệ thống chính sách phải đồng bộ. Ví dụ chính sách về đất đai, chính sách về tài chính… hoặc ví dụ muốn quay lại rà soát toàn bộ quy hoạch, xem trong 100 cảng thì để lại cảng nào, quy mô ra sao thì cần có thời gian, trong khi đó nhu cầu phát triển không dừng lại để chờ được. Vì thế phải kết hợp hài hòa giữa rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển, và việc này nếu không riết róng thì khó có hiệu quả.
Và sẽ lại va chạm lợi ích nhóm, thưa ông?
Hoàn toàn đúng, nên, đây thực sự là “cuộc đấu tranh” cam go đấy bạn ạ.
Nguyên Thảo
TBKTVN
|