Thứ Năm, 13/10/2011 22:44

Giảm đầu tư ngoài ngành: lộ trình nào?

Một trong những yêu cầu hàng đầu để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là rút vốn đầu tư ngoài ngành. Nhưng để doanh nghiệp thoái vốn, cần sự thống nhất về lộ trình và hành động.

Mới đây, tháng 9-2011, bản báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011 và kế hoạch các năm tiếp theo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp này còn rất lớn. Báo cáo từ các bộ, ngành có liên quan về thực trạng tài chính và hiệu quả hoạt động của DNNN cũng nêu lên những nhận định tương tự. Ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không những do thiếu lộ trình mà còn do những chỉ đạo thiếu thực tế.

Tuy nhiên, văn bản này không nói rõ lộ trình, thời hạn chót để thoái vốn đầu tư. Còn bản dự thảo nghị định về quản lý và kinh doanh vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp (Bộ Tài chính soạn) cũng chưa hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến và có nhiều điểm được xem là tiếp tục “nuông chiều” chuyện đầu tư trái ngành.

Ví dụ, dự thảo chỉ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và các công ty con giảm tỷ lệ góp vốn vào doanh nghiệp khác từ 20% (theo quy định hiện hành) xuống 15% vốn điều lệ của nơi nhận góp, hoặc tổng vốn góp không quá 10% vốn chủ sở hữu. Hoặc dự thảo yêu cầu chỉ các doanh nghiệp đầu tư vào chứng khoán, quỹ đầu tư mới phải thoái vốn sau một năm nghị định mới có hiệu lực.

Vậy còn các doanh nghiệp đầu tư trái ngành vào bất động sản thì sao? Thống kê của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương cho thấy, khoảng 56% số vốn đầu tư trái ngành này (3.754 tỉ đồng/6.690 tỉ đồng) hiện đã được đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, so với 1.300 tỉ rót vào chứng khoán.

Nếu như yêu cầu thoái vốn của Chính phủ được đặt ra với điều kiện và lộ trình rõ ràng, không nhân nhượng cho sự chậm trễ thì có lẽ ông Lê Văn Thung, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Cao su (VRG), nơi hiện có 3.700 tỉ đồng (tương đương 19,8% vốn điều lệ) đầu tư ra ngoài ngành, sẽ không trả lời báo Đầu tư - chứng khoán mới đây theo cách: “Sẽ thực hiện lộ trình thoái vốn khi Chính phủ có chỉ đạo chi tiết”. Và hướng giải quyết chuyện thoái vốn của VRG sắp tới là tăng vốn để giảm tỷ lệ đầu tư ngoài ngành.

Hay như ở tập đoàn Công nghiệp - Than và Khoáng sản (TKV),  năm nay TKV mới thoái vốn ở Công ty cổ phần Cảng quốc tế Long Thành, phần vốn góp ở Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV đang chờ xin ý kiến Chính phủ giải quyết. Các phần vốn góp còn lại ở Ngân hàng SHB hay Công ty cổ phần bảo hiểm SHS-Vinacomin thì chưa có thời hạn.

Trong khi Chính phủ chưa kiên quyết với lộ trình thoái vốn thì Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9 vừa qua lại yêu cầu: đến năm 2015, DNNN phải chấm dứt việc rót vốn vào khu vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, chứng khoán và bất động sản. Ủy ban Kinh tế không giải thích rõ căn cứ nào để đề ra lộ trình bốn năm nêu trên. Vì vậy, công luận đang trông chờ vào sự thống nhất về lộ trình và hành động của cả Chính phủ lẫn Quốc hội.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không những do thiếu lộ trình mà còn do những chỉ đạo thiếu thực tế.

Một dẫn chứng là trường hợp của TKV. Tập đoàn này hiện chưa rút được vốn ở những doanh nghiệp ngoài ngành trong khi thiếu vốn trầm trọng cho hai ngành chính là khai thác than và điện.

Vậy mà, hồi tháng 7 vừa qua, sau khi yêu cầu bốn cổ đông gồm: Ngân hàng BIDV, tập đoàn Vinashin, tập đoàn VNPT và tập đoàn Sông Đà thoái vốn ở Công ty cổ phần Quặng sắt Thạch Khê (TIC), Chính phủ lại yêu cầu TKV và hai cổ đông lớn khác chủ trì dự án này.

Điều đáng nói là TKV có kinh nghiệm về đầu tư khai thác khoáng sản, nhưng họ chưa hề có kinh nghiệm ở lĩnh vực sản xuất thép. Đến nay, dự án duy nhất của họ trong ngành thép là Nhà máy Gang thép Lào Cai  (công suất 1 triệu tấn/năm) còn đang trong giai đoạn đầu tư và bị thiếu vốn.

Với việc thay đổi chủ đầu tư ở TIC, tình hình dự án cũng không khá hơn vì “năng lực của chủ đầu tư yếu”, theo đánh giá của Bộ Công Thương (tháng 9-2011). Thông tin từ website của TKV hôm 27-9 vừa qua cho biết, các cổ đông còn thiếu 500 tỉ đồng vốn góp cho năm nay trong tổng số 2.400 tỉ đồng vốn điều lệ của dự án.

Lượng sức mình không kham nổi dự án lớn này, TKV đã tiếp tục làm văn bản đề nghị Chính phủ tái cơ cấu TIC và cho phép khai thác, xuất bán quặng thô. Điều này hoàn toàn đi ngược lại sự mong đợi ở dự án khai thác mỏ lớn nhất Đông Nam Á này là hướng đến việc chế biến sâu với nhà máy sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dự án thép 5 tỉ đô la của Tata sắp được thực hiện (13/10/2011)

>   Thủ tướng thúc giục doanh nghiệp tự đổi mới (13/10/2011)

>   Vay 653 triệu euro cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội (13/10/2011)

>   AirAsia tiếp tục tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam (13/10/2011)

>   Bắt đầu từ thay đổi quan điểm và chủ trương (13/10/2011)

>   Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tận dụng khủng hoảng để tái cơ cấu (13/10/2011)

>   Kêu gọi 'cứu' doanh nghiệp là xúc phạm doanh nhân (13/10/2011)

>   AirAsia 'bỏ cuộc' trong vụ đầu tư vào Vietjet Air (12/10/2011)

>   Lạm phát “kiểu Việt Nam”: Chuyên gia nước ngoài lên tiếng (12/10/2011)

>   Sức khỏe nền kinh tế, nhìn từ một con số “lạ” (12/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật