Dự án thép 5 tỉ đô la của Tata sắp được thực hiện
Dự án thép trị giá 5 tỉ đô la Mỹ ở Hà Tĩnh do Tập đoàn Tata của Ấn Độ đầu tư có thể sắp được thực hiện sau khi bị trì hoãn từ năm 2008. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của một công ty Ấn Độ.
Báo chí Ấn Độ - tờ IBN Live đã đưa thông tin như trên.
“Chúng tôi tin tưởng vào sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam để thực hiện dự án này. Chúng tôi mong đợi phía Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để việc thực hiện dự án này sẽ nhanh chóng và thuận lợi vì dự án này sẽ mang lại lợi ích giá trị kinh tế cho Việt Nam,” Indronil Sengupta, Giám đốc phụ trách các dự án khu vực Đông Nam Á của Tata Steel cho biết.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai và cấp phép dự án đầu tư này. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là tập đoàn Tata chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống nước. Số tiền mà tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng tăng khá cao so với mức ban đầu.
Theo báo Đầu tư ngày 22-8, đầu năm 2011, theo tính toán của Tata, để giải phóng mặt bằng 725 héc ta cho dự án, nhà đầu tư có thể mất tới khoảng 2.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Tata góp 65% vốn trong dự án nhưng chỉ chấp thuận ứng trước khoảng 30 triệu đô la Mỹ.
Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35% vốn, đặt tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Khu liên hợp sẽ được xây dựng theo 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ. Công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm.
Vào thời điểm các bên ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào tháng 5-6/2007, dự án này hứa hẹn hiệu quả kinh tế lớn cho ngành thép. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư do chưa có mặt bằng xây nhà máy.
Theo báo Đầu tư , một tổ công tác đã được thành lập để phối hợp với các bộ, ngành tính toán, cân đối khả năng tạm ứng kinh phí của Tata, cũng như khả năng chi trả của ngân sách địa phương, từ đó xem xét phương án hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để tiến hành giải phóng mặt bằng.
Hùng Nam
TBKTSG Online
|