Tám giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012
Chính phủ đặt mục tiêu cho năm 2012 và 5 năm tới là ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế. Để làm được điều này, trước kỳ họp Quốc hội thứ hai, khai mạc ngày 20-10, Quốc hội yêu cầu phải tập trung vào tám giải pháp chính.
Trong bản báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, được gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ hai, Chính phủ nhấn mạnh vào việc thực hiện 4 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát ở mức dưới một con số, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6 đến 6,5%, nhập siêu dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và không quá 10 tỉ đô la Mỹ, bội chi ngân sách dưới 4,5% GDP và đảm bảo nợ công không quá 60% GDP.
Những con số này, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Phạm Quang Vinh, là nhằm hướng đến việc ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua trước đó.
Tại cuộc họp báo ngày 19-10, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các đại biểu Quốc hội hầu hết đã nhất trí với các chỉ tiêu của Chính phủ nhưng nhấn mạnh thêm 8 giải pháp cần tập trung:
1/ Phát động phong trào tiết kiệm toàn xã hội trong sản xuất và tiêu dùng, giảm dần chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế. Cần có chính sách cụ thể tăng tỷ lệ tiết kiệm của cả quốc gia, của doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân. Cần đổi mới việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
2/ Tăng đầu tư tác động chuyển biến mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
3/ Tăng khả năng tiết kiệm vốn của doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu…
4/ Phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị sức mua tiền đồng, tăng dần dự trữ ngoại hối, tăng trả nợ, giảm vay nợ, chấm dứt đầu tư dàn trải nhất là đầu tư dàn trải của doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, đánh giá lại hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, khắc phục tình trạng bù lỗ và hỗ trợ về thuế, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra đối chiếu minh bạch việc điều hành quỹ.
5/ Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
6/ Rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính gây khó cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
7/ Đổi mới quản lý giáo dục.
8/ Có giải pháp mạnh mẽ đối với các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như buôn bán, sử dụng ma túy, mại dâm…
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 luật, cho ý kiến 13 luật khác. Luật Giá cũng có trong chương trình lấy ý kiến.
Lan Nhi
tbktsg
|