Ông Vũ Khoan: Không thể có bước ngoặt nếu vẫn giữ tốc độ cao
Trước thềm kỳ họp Quốc hội, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Khoan (nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Chính phủ) về một số vấn đề kinh tế sẽ được đặt lên bàn nghị sự lần này. Ông Vũ Khoan nói:
- Khi bàn đến tái cấu trúc thì nghĩa là tình thế đang có “bệnh” và cần phải chữa trị. Theo tôi nghĩ, nền kinh tế nước ta hiện nay có mấy căn bệnh sau: một là sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào việc tăng vốn đầu tư và lực lượng lao động, còn nhân tố tăng năng suất tổng hợp rất thấp so với các nước xung quanh; hai là sử dụng chưa hiệu quả tiền vốn bỏ ra; ba là sự phát triển chưa bền vững; bốn là nhiều cân đối vĩ mô xộc xệch và không ổn định, một phần thể hiện ở lạm phát cao và kéo dài, hạ tầng và nguồn nhân lực không theo kịp sản xuất; năm là cơ cấu sản xuất lạc hậu; sáu là nền kinh tế chưa đứng vững trên đôi chân của mình và cuối cùng là khả năng cạnh tranh còn thấp kém.
* Lần này Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng cho năm 2012 và các năm tới. Theo ông, với tình trạng nêu trên thì chúng ta nên tiếp cận chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới như thế nào?
- Khi chúng ta đi xe trên đường, ở chỗ ngoặt thì đương nhiên phải giảm tốc độ. Với nền kinh tế cũng như vậy. Muốn tái cấu trúc thì phải chấp nhận giảm bớt tốc độ tăng trưởng. Đại hội XI của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm 2011-2015 từ 7-7,5%/năm.
Nhưng theo thông tin tôi nhận được thì dự kiến năm 2012 chỉ tăng trưởng ở mức trên dưới 6%. Như vậy, tính hai năm 2011 và 2012 thì tốc độ tăng trưởng cũng chỉ dao động ở khoảng đó, trong ba năm còn lại khó bề bù được mức giảm trong hai năm đầu. Còn lúc này cần xắn tay áo vào để “chữa bệnh”, chứ chưa phải lúc quá chú trọng với tốc độ tăng trưởng.
* Trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, liệu có thuận lợi nào làm động lực cho tái cơ cấu kinh tế không?
- Thuận lợi quan trọng nhất là cả lãnh đạo và người dân đều nhận thức được rằng không thể tiếp tục mô hình phát triển cũ. Người dân mong mỏi có cuộc sống ổn định, giá cả không leo thang, con cái được học hành tử tế, ốm đau được chữa bệnh, ra đường không kẹt xe và không bị tai nạn, chứ cũng không hiểu rõ lắm GDP, ICOR... là gì. Sự đồng thuận đó chính là động lực để tái cơ cấu kinh tế.
* Trong văn kiện chính thức của Đảng tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã nêu lên một số hiện tượng lâu nay gây nhức nhối lòng dân, ví dụ như “lợi ích nhóm”. Theo ông, lực cản của hiện tượng đó đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ ở mức độ nào?
- Vượt qua những “căn bệnh” mà Hội nghị Trung ương 3 đã nêu ra thật không dễ. Chúng đã lây lan khá rộng, thậm chí có nơi còn di căn. Vấn đề hiện nay là có quyết liệt hay không.
Chuyện đầu tư tràn lan sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu... ai cũng biết nhưng sao vẫn diễn ra; một phần có thể do những quan niệm chưa chuẩn như lẫn lộn giữa địa giới hành chính với không gian kinh tế, nhiều địa phương muốn trở thành một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh có đủ mọi thứ; một phần có thể do còn nể nang, thiếu kiên quyết.
Do đó, trước hết lãnh đạo phải vượt qua chính mình, dám khước từ những ý muốn và yêu cầu phi kinh tế; cơ cấu lại triệt để đầu tư công từ khâu phân bổ đến khâu phân cấp.
* Trước bộn bề công việc để kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế sắp tới, theo ông nên có thứ tự ưu tiên như thế nào?
- Trước tiên phải hình thành thật rõ nét mô hình phát triển mà chúng ta hướng đến. Tiếp đó, cần bắt tay vào thực hiện các công việc mà Trung ương đã xác định như tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay nhiều khi đường lối đề ra rất đúng nhưng thiếu chính sách kèm theo, ở cấp độ biện pháp và tổ chức thực hiện lại rất nghèo nàn.
Bây giờ đường lối đã có rồi, cần tập trung vào việc xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể và phải có người chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực. Ví dụ trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.
Phải rất rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm cá nhân, tránh nói trách nhiệm tập thể chung chung. Chúng ta đã có nhiều bài học về việc này, mà vụ Vinashin là một điển hình.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
tuổi trẻ
|