Cơ quan Quốc hội lo an toàn nợ công
Báo cáo thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 trước phiên họp chiều 20/10 của Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thêm một lần nhấn mạnh cần thiết phải quy định ngưỡng giới hạn trần nợ công trong trung hạn.
Sự kiên trì của cơ quan này với các đề nghị liên quan đến an toàn nợ công của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đã và đang trở nên trầm trọng ở nhiều nước không hẳn chỉ nằm ở các con số. Bởi câu hỏi nợ công đã được tính đúng, tính đủ hay chưa từng được nêu không ít lần tại các phiên thảo luận và chất vấn ở nghị trường. Và, không phải khi nào câu trả lời cũng đủ sức thuyết phục.
Báo cáo kế hoạch kinh tế, xã hội tại phiên khai mạc của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 sáng nay (20/10), Thủ tướng Chính phủ cho biết nợ công được giữ ở mức an toàn với con số ước khoảng 54,6% ở cuối năm nay. Và đến năm 2015 sẽ khoảng 60 -65% GDP.
Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nêu con số nợ công Việt Nam cuối năm 2011 đã lên đến 58,9% GDP. Đồng thời dẫn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây là các nước cần tăng cường quản lý trần nợ công dưới 60% GDP, thậm chí các nước đang phát triển dưới 40% GDP.
Mặc dù vậy, theo phân tích của Ủy ban thì nợ công của Việt Nam cũng chưa thể giảm ngay để tránh ách tắc việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các đột phá chiến lược và tiếp tục đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các vùng thường xuyên bị thiên tai…
Đề nghị năm 2012 nợ công không quá 60% GDP và nhất trí với Chính phủ về dư nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP, song Ủy ban này đặc biệt lưu ý vấn đề xác định cơ cấu nợ hợp lý và việc sử dụng các nguồn vốn vay cần phải được tính toán hết sức chặt chẽ, đầu tư phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn và xây dựng phương án cụ thể giảm nợ công bắt đầu từ năm 2016.
Không bình luận về con số nợ của năm 2011, song tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ, dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2012 ước khoảng 46,1% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ước khoảng 44,2% GDP; dư nợ công ước khoảng 58,4% GDP.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để đánh giá về an toàn nợ công, bên cạnh số liệu về tổng mức, tỷ lệ vay nợ, cần phải xét trên nhiều phương diện: tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay, tiềm lực của nền kinh tế, thời hạn trả nợ của các khoản vay và sự biến động tỷ giá của đồng ngoại tệ vay nợ…
Tuy nhiên, các chỉ tiêu an toàn nợ là tham chiếu có ý nghĩa quan trọng, vì vậy, cần thiết phải quy định ngưỡng giới hạn trần nợ công trong trung hạn để tránh cho tài chính quốc gia không lâm vào tình trạng khó khăn trước những nguy cơ biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Bởi vậy, để Quốc hội có thể quyết định vấn đề nợ công, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định tại Luật Quản lý nợ công.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn năm năm; tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ gắn với dự toán ngân sách nhà nước.
Đó còn là, hàng năm hoặc theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thông tin về nợ công. Bao gồm: tình hình thực hiện kế hoạch vay, bảo lãnh và trả nợ hàng năm, trong đó có số ký kết vay, số rút vốn, trị giá phát hành, trị giá bảo lãnh, số trả nợ, số dư nợ, tỷ lệ nợ so với GDP; tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; tình hình vay, trả nợ của UBNDcấp tỉnh và các thông tin khác có liên quan.
Nguyên Hà
TBKTVN
|