Thứ Năm, 20/10/2011 14:30

Lạm phát năm tới phải được kiểm soát ở một con số

Thẩm tra báo cáo tình hình KT-XH từng giai đoạn, thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu kiến nghị những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành phải được tập trung khắc phục sớm mới mong đạt các mục tiêu đề ra.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu

Ghi nhận những kết quả đạt được đến thời điểm này, UB Kinh tế cho rằng các con số thể hiện sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững.

Bên cạnh những khó khăn, yếu kém mang tính cơ cấu, tích tụ từ những năm trước, những khó khăn mới phát sinh do tác động mặt trái của việc thực thi các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ông Giàu cho rằng, những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành cần phải được tập trung khắc phục sớm trong thời gian tới.

Có 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với chỉ tiêu. Lạm phát tăng cao trong năm 2011 được “điểm” nguyên nhân một phần là do yếu tố chi phí đẩy của giá hàng hóa quốc tế tăng đột biến; đặc biệt, lạm phát tăng mạnh trong những tháng đầu năm còn do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng lúc như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu .

UB Kinh tế nhận định, nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của tình trạng lạm phát cao hiện nay xuất phát từ hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt được kết quả.

Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều và chưa công khai các công trình kém hiệu quả, chủ yếu là điều chuyển vốn đầu tư giữa các dự án.

Ngoài ra, các vấn đề xã hội khác cũng bị “phê” như lạm phát tăng cao làm đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Việc nhiều doanh nghiệp hạn chế hoặc ngừng sản xuất do điều kiện kinh doanh khó khăn đã ảnh hưởng đến mục tiêu giải quyết việc làm. Vẫn còn khoảng 5% gia đình chính sách có mức sống thấp hơn mức trung bình.

Bên cạnh đó, yêu cầu giảm sự quá tải ở các bệnh viện lớn tại 2 trung tâm Hà Nội và TP.HCM chậm được khắc phục, chính sách viện phí không đồng bộ với việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện đã tạo nên những bất cập trong việc triển khai các chính sách chăm sóc sức khỏe.

Về kế hoạch năm 2012, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, các thành viên UB Kinh tế có hai loại ý kiến khác nhau về triển vọng tăng trưởng. Đa số ý kiến nhận định mức tăng trưởng nhiều khả năng cao hơn 2011. Một số ý kiến lại cho rằng kinh tế thế giới và trong nước sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn nên cần xây dựng Kế hoạch năm 2012 theo phương án không thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và tập trung ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống nhất với các chỉ tiêu chủ yếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số. Năm 2012, được dự báo sẽ ít có khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới. Vì vậy, tỷ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa dịch vụ xuất, nhập khẩu. Chính sách tỷ giá nếu được duy trì ổn định sẽ góp phần kiểm soát chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng.

UB Kinh tế cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6% - 6,5% là tiền đề để phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong 4 năm cuối của Kế hoạch 5 năm, nhằm đạt mức cận dưới 7%  của chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm có thể đạt được. Chỉ tiêu này cũng không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Với chỉ tiêu khống chế nhập siêu khoảng 11,5%-12% tổng kim ngạch xuất khẩu, Chủ nhiệm UB Kinh tế yêu cầu cần định hướng giảm hơn nữa nhập siêu hàng năm. Chỉ tiêu giảm bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP, nợ công không quá 60% GDP cần tính toán chặt chẽ hơn, quyết tâm kiểm soát và minh bạch chi ngân sách, đầu tư công, trái phiếu Chính phủ và đầu tư của DNNN, chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Về kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, UB Kinh tế nhất trí phương án tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, phấn đấu đạt cận dưới của chỉ tiêu Đại hội Đảng.

Cơ quan thẩm tra yêu cầu chỉ đạo theo lộ trình 2-3 năm đầu kế hoạch thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 2-3 năm tiếp theo nhiệm vụ trọng tâm thực hiện cơ bản công tác tái cơ cấu để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

UB Kinh tế đề nghị năm 2013 và 2014 kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 6%-7% và từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong Kế hoạch 5 năm tiếp theo dưới 5%/năm như các nước có nền kinh tế phát triển ổn định khác.

Với dự báo tăng trưởng nhu cầu phụ tải điện là 13%-14,5%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, UB kinh tế cho rằng, cân đối nguồn điện dự báo sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần có tính toán cụ thể để thu xếp, bố trí vốn đầu tư hợp lý; xây dựng lộ trình giá thị trường đối với xăng, dầu, điện, than... kết thúc chậm nhất trong năm 2013 để có thể huy động các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phát triển và đảm bảo nhu cầu sử dụng điện. Ngoài ra, UB yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ hơn về cân đối than, dầu mỏ, khí đốt, các loại năng lượng khác để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

P.Thảo 

DÂN TRÍ

Các tin tức khác

>   “Muốn giảm nợ nước ngoài, phải tăng vay trong nước” (20/10/2011)

>   Doanh nghiệp lỗ phải bán nhanh (20/10/2011)

>   Thủ tướng: Sẽ ưu tiên nguồn lực tái cơ cấu kinh tế  (20/10/2011)

>   Ông Vũ Khoan: Không thể có bước ngoặt nếu vẫn giữ tốc độ cao (20/10/2011)

>   CPI tháng 10 tại Hà Nội chỉ tăng 0,13% nhờ... thịt (20/10/2011)

>   Thu hút đầu tư FDI vào ĐBSCL hơn 7,6 tỉ đô la (19/10/2011)

>   Doanh nghiệp ngoại tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam (19/10/2011)

>   Tám giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012 (19/10/2011)

>   Cần phải có kịch bản kinh tế đặc biệt cho 2012 (19/10/2011)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Phải kéo lạm phát xuống nữa (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật