Nhận diện tín dụng “đen”
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã phải lên tiếng cảnh báo người dân trước thực trạng tín dụng “đen” có khả năng lây lan mạnh. Các luật sư cũng đưa ra nhận định của mình về cơn bão này và lời khuyên với người dân.
Thủ đoạn đơn giản, hiệu quả cao
Theo đánh giá của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh hiện nay tình trạng vay nợ tín dụng “đen” đang có nguy cơ lan rộng khắp trên địa bàn bàn Hà Nội.
Ông Nhanh cho biết: Qua công tác điều tra, hiện tình trạng cho vay theo kiểu tín dụng “đen” đang xảy ra ở nhiều địa bàn khác nhau. Trước đây tình trạng này tập trung ở nội thành, nhưng thời gian qua đã lan rộng sang các vùng nông thôn, ngoại thành khiến người dân bất an.
Tướng Nhanh phân tích, các vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội vừa qua đều do người dân cả tin, bị mắc lừa bởi những thủ đoạn đơn giản nhưng hiệu quả của những kẻ xấu. Các đối tượng lợi dụng tín nhiệm của bà con cũng như nắm bắt được tâm lý hám lợi, muốn thu lãi suất cao nên đã gửi gắm hết cả gia sản cho chúng khá dễ dàng. Do vậy, người dân cần cảnh giác đề phòng với những thủ đoạn vay tiền hoặc huy động vốn thời gian này.
Cũng đưa ra lời cảnh báo, luật sư Nguyễn Văn Đức (Văn phòng Luật sư Vạn Lý - TP.Cần Thơ), lý giải: Hiện nay thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác được thực hiện khá đơn giản, nhưng lại rất hiệu quả. Chẳng hạn, người dân thường bị hấp dẫn trước lãi suất cao nên huy động vốn của bản thân, kể cả người thân để gửi vào nhận lãi suất “khủng”.
Ở giai đoạn đầu, để tạo niềm tin, bọn chúng trả ngay lãi suất theo thỏa thuận ban đầu. Từ đó, người dân tin tưởng, tiếp tục huy động vốn bằng nhiều nguồn khác nhau. Cuối cùng, bọn chúng chiếm đoạt cả khối tài sản lớn và biến mất.
Cho vay nặng lãi là phạm pháp
Nạn nhân của tín dụng “đen” không những bị mất của mà còn đứng trước nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo phân tích của luật sư Tạ Quốc Cường (Văn phòng luật sư Sự Thật – Đoàn luật sư Hà Nội), tín dụng “đen” đã và đang tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đời sống xã hội của chúng ta. Yếu tố cơ bản chủ chốt của tín dụng “đen” là cho vay với lãi suất cao, cao hơn so với lãi suất ngân hàng từ 3-4 lần, cá biệt có những trường hợp cao gấp 7-8 lần.
Điều 163, Bộ luật hình sự quy định:
Người nào cho vay với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Mức lãi suất cao nhất được căn cứ vào lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay. Tính chất chuyên bóc lột được thể hiện là việc cho vay nặng lãi thường xuyên và lấy đó làm nguồn sống chính. |
Đối tượng vay từ tín dụng “đen” thường là tiểu thương, công nhân, nông dân hoặc dân nghèo có nhu cầu về tài chính cấp thiết. Họ cũng chính là những người có mức độ hiểu biết và suy nghĩ không thấu đáo nên khi dính vào tín dụng “đen” họ trở thành nạn nhân của việc buôn tiền ngoài pháp luật này. Ngoài ra, trong tình hình thắt chặt tín dụng hiện nay khi phải đáo nợ ngân hàng, các doanh nghiệp không có khả năng thì vẫn phải “cắn răng” tìm đến tín dụng “đen”.
Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định xử lý về hoạt động tín dụng “đen” với lãi suất cao tại Điều 163 về tội: “Cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng thì rất khó xử lý đối với các trường hợp này vì các dấu hiệu về tính chất bóc lột, sự chuyên nghiệp trong hoạt động cho vay nặng lãi là rất khó xác định.
Hậu quả của các tín dụng “đen” bao gồm: Mất trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự phá sản tràn lan của các gia đình trong xã hội, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng nhà nước.
Luật sư Cường còn cho biết thêm: “Về mặt quản lý nhà nước, có thể nhận ra một số vấn đề như sau: Chưa có một cơ sở pháp lý và biện pháp hành chính, hình sự để hạn chế, trấn áp và giải quyết các vấn đề liên quan và phát sinh từ tín dụng “đen”. Nhiều trường hợp chỉ cần có biện pháp hành chính kịp thời ở giai đoạn đầu cũng đã có thể hạn chế hoặc ngăn chặn những phát sinh hình sự về sau.
Các quy định và hoạt động của hệ thống ngân hàng còn cứng nhắc và xa rời đời sống kinh doanh của xã hội. Điều này làm cản trở khách hàng đến với ngân hàng. Đứng ở mức độ vĩ mô về quản lý tài chính, Nhà nước đã không thực hiện được những mục tiêu và nhiệm vụ về quản lý tài chính, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn tài chính trong nước, về nguồn vốn, về cán cân thanh toán”.
Thắng Quang – Đức Khánh
dân việt
|