Thứ Năm, 20/10/2011 09:21

Tiền ơi, mi ở đâu?

Chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dòng chảy tiền tệ ngày càng chậm, thậm chí có nguy cơ nghẽn lại.

Tiền đang ở đâu?

Trong một cuộc họp gần đây của Hiệp hội ngân hàng (VNBA), hầu hết các NHTM đều phàn nàn nguồn vốn huy động của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Có ngân hàng mỗi ngày bị hao đi vài chục tỷ đồng vốn huy động. Ngân hàng này dò xét ngân hàng kia, nhưng cuối cùng không ai đưa ra được bằng chứng rõ ràng cho thấy tiền của họ đã "chảy" về đâu...

Nhìn tổng thể, theo thống kê của NHNN, hết Quý III/2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 9,82% so với cuối năm trước, tuy nhiên lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,16% so với cuối năm trước, nhưng giảm 0,94% so với tháng trước. Tổng phương tiện thanh toán cũng tăng 8,87% so với cuối năm 2010, nhưng giảm 0,86% so với tháng trước. Như vậy, rõ ràng không chỉ tiền trong ngân hàng, mà cả tiền ngoài lưu thông đang dần ít đi.

Lý do thứ nhất là vì phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nên NHNN đang cố gắng hút tiền về. Việc này không hề dễ dàng, vì thanh khoản của một số NHTM đang thực sự có vấn đề. Bằng chứng là, ngày 13/10, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng đã lên tới 21%/năm. Vì thế NHNN cứ hút tiền về rồi sau đó lại phải vội vàng bơm tiền ra trên thị trường mở để "cứu" thanh khoản. Cụ thể, theo dữ liệu của Reuters, trong 4 ngày giao dịch (10-13/11) NHNN đã bơm ra 18.000 tỷ đồng và hút về 5.000 tỷ đồng, đưa mức bơm ròng lên 13.000 tỷ đồng, đúng bằng lượng tiền hút ròng của tuần trước. Một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cũng thừa nhận: không nơi nào thị trường mở lại "mở" liên tục, nhiều như ở Việt Nam. Tuần qua lãi suất tái cấp vốn đã được đẩy lên mức 15%/năm. Đây là tín hiệu NHNN sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ thông qua giảm cung tín dụng, giảm cung tiền ra lưu thông.

Thứ hai, về cơ bản người ta sẽ gửi tiền mặt vào ngân hàng để ngừa rủi ro và lấy lãi. Nếu lượng tiền mặt trong ngân hàng giảm thì tiền đang nằm trong doanh nghiệp và trong dân. Về tiền trong doanh nghiệp: Vốn cho vay ra giảm so với tháng trước, nghĩa là tiền đưa ra để quay vòng không những ít đi mà còn chậm lại. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng trong những tháng đầu năm tất yếu khiến sản xuất suy giảm, kéo theo vòng quay của vốn giảm. Đó là chưa kể tới việc tính đến hết tháng 9 đã có đến 48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

Về tiền trong dân: Sự nhộn nhịp của thị trường vàng cho thấy tiếp tục có lượng tiền không nhỏ nằm "chết" trong vàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng cũng "giam" luôn một lượng vốn lớn, không thể quay vòng được. Còn với thị trường chứng khoán, sau một vài phiên khởi sắc, thanh khoản vẫn rất kém. Hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn tuy không nhiều nhưng có nguy cơ trở thành xu hướng rõ nét trong thời gian tới trước những lo ngại về rủi ro trên thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết dòng vốn vào Việt Nam trong các tháng 7- 8 giảm nhẹ so với trước đó. Hiện tổng giá trị tài sản của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD.

Thắt đến mức nào?

Mối lo ngại lớn nhất của chúng ta hiện nay vẫn là lạm phát cao. Nhận định của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức hai con số cho đến cuối năm 2012. Vì thế chống lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, chống lạm phát đến mức nào lại là vấn đề cần làm rõ.

Lãnh đạo một NHTM lớn nhận định: Việc NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn không chỉ buộc các NHTM nhỏ phải cơ cấu lại tín dụng, mà còn tác động đến cung tín dụng của ngân hàng lớn cho các khoản vay lãi suất thấp với đối tượng ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu...

Một vấn đề gây tranh luận nhiều từ đầu năm tới nay là vốn cho vay phi sản xuất. Từ tháng 6, khi nhiều NHTM cố ép để đưa tăng trưởng tín dụng phi sản xuất về dưới trần mà NHNN quy định đã nảy sinh vấn đề: làm thế nào với tín dụng bất động sản? Cả NHNN và Bộ Xây dựng đều lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình và hứa sớm ngồi lại với nhau để đưa ra một danh mục cụ thể hơn phân loại thế nào là phi sản xuất trong cho vay bất động sản. Nhưng đến giờ, khi thời hạn ngày 31/12 chẳng còn bao xa, vẫn chưa thấy danh mục này, dù chỉ là ở dạng dự thảo.

Theo một vị lãnh đạo của Hiệp hội kinh doanh trái phiếu, khi xây dựng chính sách, những nhà quản lý cần phải có hệ thống đánh giá, giám sát nhằm lượng hóa một cách chính xác tình trạng thực tế của thị trường. Ai khó khăn? Khó ở đâu? Ảnh hưởng đến thị trường ở mức nào...? Trả lời được những câu hỏi ấy mới đưa ra được chính sách phù hợp, dung hòa được quyền lợi của các nhóm lợi ích… Vì xét cho cùng, không thể có chính sách hợp lý, có lợi cho tất cả mọi đối tượng.

Ngân Hà

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bài học về sự dễ dãi (20/10/2011)

>   “Choáng” với lãi suất kỳ hạn dài (20/10/2011)

>   Thị trường ngân hàng sắp có biến động? (20/10/2011)

>   Nguyên thống đốc NHNN: USD sẽ không vượt mốc 22.000 (20/10/2011)

>   “Nóng” lãi suất liên ngân hàng (19/10/2011)

>   Vàng bình ổn 'bóc mẽ' tỷ giá đen trong ngân hàng (19/10/2011)

>   Quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam (19/10/2011)

>   Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Sáp nhập hay bơm vốn để “giải cứu”? (19/10/2011)

>   Lãi suất tín dụng đen lên đến 40% một tháng (19/10/2011)

>   Doanh nghiệp trả nợ, ngân hàng đi vay (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật