Thứ Năm, 20/10/2011 06:48

Thị trường ngân hàng sắp có biến động?

Có lẽ chỉ trong vài tuần tới, thị trường ngân hàng sẽ tiếp nhận những biến động không nhỏ và có thể cả những bất ngờ nữa. Những biến động và bất ngờ như thế sẽ xảy ra cùng lúc hoặc sau khi "bong bóng" lãi suất liên ngân hàng vỡ, nhưng chỉ vỡ một cách có điều kiện.

Lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp?

Thị trường ngân hàng, sau một tháng rưỡi "lặng sóng" với lãi suất huy động biến thành một đường thẳng, bỗng chốc được người ta nhận ra đang có một con sóng khác đã thành hình thành khối, lừng lững xô vào vách đá đã từng một thời kiên cố của hệ thống ngân hàng. Con sóng đó có tên là gì vậy?

Sóng lãi suất liên ngân hàng! Có lẽ nhiều ngân hàng nhỏ đã không ngờ đến một chấn động như thế có thể xảy ra với họ. Vào đầu tháng 9/2011, lãi suất liên ngân hàng còn "ổn định" với mức 13-14%, nhiều ngân hàng nhỏ còn miệt mài với con sóng huy động tiền gửi qua lãi suất thỏa thuận chứ chẳng hề màng đến chuyện phải chạy vạy vay mượn ở các ngân hàng lớn. Nhưng từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra tối hậu thư áp trần lãi suất huy động 14% và cấm ngặt chuyện vượt rào, cỗ xe ngân hàng nhỏ bắt đầu rẽ sang một khúc ngoặt "nguy hiểm".

Đã quen huy động vốn giá cao và tự tung tự tác trong thế thượng phong với các doanh nghiệp, đột nhiên nhiều ngân hàng nhỏ rơi vào tình cảnh thiếu vốn, đói vốn rồi kém cả thanh khoản. Không còn huy động được tiền gửi với lãi suất 18-20%, lượng vốn quay vòng của các ngân hàng này mau chóng giảm sút.

Không những thế, làn sóng rút tiền gửi của khách hàng cũng dâng lên nhanh không kém. Ban đầu, người ta còn suy đoán về chuyện khách rút tiền từ ngân hàng nhỏ chuyển sang ngân hàng lớn. Nhưng khi cả những ngân hàng lớn như Eximbank, Techcombank cũng phàn nàn về việc tiền gửi bị giảm tỷ lệ, thì mới rõ ra là có những ngân hàng nhỏ đã bị hao hụt tiền gửi đến 12% trong thời gian qua.

Một con số thống kê của NHNN đã chính thức xác nhận trong tháng 9/2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã giảm đến 1,07% so với tháng 8/2011- một tỷ lệ khá cao, cho thấy lượng tiền bị rút ra, bị "treo" là không nhỏ. Có những ngân hàng nhỏ đã đau đầu vì chỉ trong hơn một tháng, tiền gửi giảm đến 20%.

Chính vì đói vốn và hao hụt thanh khoản mà các ngân hàng nhỏ đã phải chạy đến ngân hàng lớn để tìm phao cứu sinh. Lãi suất liên ngân hàng vì thế bị biến thành xu hướng đầu cơ: từ 13-14% nâng lên 15-16%, sau đó tăng phi mã không ngừng vượt qua 20%. Từ ngày 10/10/2011 đến nay, lãi suất liên ngân hàng bị biến dạng hoàn toàn, đội đến mức 23%, thậm chí còn có thông tin về mức 30-40%!

Trong thông cáo ngày 18/10/2011, NHNN đã nói rõ là chỉ có một ít ngân hàng nhỏ lâm vào tình thế này, nói cách khác tình thế đó cũng do chính những ngân hàng đó gây ra chứ chẳng phải ai khác.

Thế nhưng NHNN đã lại một lần nữa khẳng định sẽ không để cho các ngân hàng thiếu thanh khoản. Tái cấp vốn sẽ được tung ra chăng? Động thái này đã từng được hứa hẹn, nhưng rõ ràng khối ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm G12 được hưởng lợi nhiều hơn hẳn. Một tình trạng bất công đối với nhóm ngân hàng nhỏ? Có thể là như thế, trong con mắt của ngân hàng nhỏ. Nhưng cũng sẽ là cái nhìn khác đi nếu xét trong bối cảnh chung, khi mà Đề án tái cấu trúc ngân hàng đang được NHNN soạn thảo để trình cho Chính phủ trong không bao lâu nữa.

Những động tác đầy hàm ý và cả ẩn ý của NHNN, gần nhất là cơ chế tăng lãi suất điều hành, đã làm cho các ngân hàng nhỏ hoàn toàn bị động trong thời gian qua. Có thể một số ngân hàng nhỏ cho rằng NHNN chơi "đòn hiểm" khi siết lại thanh khoản của ngân hàng nhỏ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc các ngân hàng nhỏ cần tự xác quyết cho họ một lối thoát khả dĩ, nếu không muốn phải trả giá cho những gì mà họ đã gây ra trong suốt một thời gian dài, làm ảnh hưởng đến lạm phát và giá cả tiêu dùng và do đó đến cả đời sống chật vật của người dân.

Cười trên nỗi thống khổ của người khác!

Trong khi các ngân hàng nhỏ còn đang điên đầu với lãi suất tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, ngày 18/10/2011, Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) đã một lần nữa giảm lãi suất cho vay xuống còn 15-16%/năm đối với khách hàng loại ưu tiên - mức thấp nhất kể từ khi chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay của NHNN được ban bố. Lại thêm một "cú đánh" vào ngân hàng nhỏ chăng?

Nhìn lại "lịch sử" hai tháng qua của BIDV, không khó để xác nhận rằng ngày 5/9/2011, BIDV đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên hưởng ứng chủ trương kéo giảm lại suất cho vay về vùng 17-19% của NHNN. Trong khi các ngân hàng lớn và nhỏ khác còn đang "nghe ngóng", chỉ sau đó 2 ngày - sau khi triệu tập một hội nghị toàn quốc với các ngân hàng - NHNN đã lập tức ban hành Chỉ thị 02 về tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.

Hiển nhiên, với tư cách là một ngân hàng lớn và có mối quan hệ gần gũi với NHNN, BIDV có thể đã "cảm nhận" được hơi hướng mà NHNN sẽ thực hiện. Vì thế, có thể xem hành động của BIDV là một tín hiệu đáng lưu ý trong việc phân tích và dự báo về sự vận hành của thị trường ngân hàng và mặt bằng lãi suất.

Lần này cũng vậy, khi BIDV đang trở thành ngân hàng đầu tiên kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống 15-16%/năm đối với khách hàng ưu tiên và không quá 17%/năm đối với cho vay thông thường, liệu có thể suy đoán sự việc tiếp theo mà NHNN sẽ tiến hành?

Không khoa trương và tuyên bố ầm ĩ, nhưng gần như chắc chắn một số động tác đang được NHNN cân nhắc tung ra trong thời gian tới. Thời gian đó có thể không quá lâu, có thể chỉ nằm ngay trong tháng 10/2011 hoặc nửa đầu tháng 11/2011. Một trong những động tác đó có thể là phương án thiết lập vùng lãi suất cho vay mới, từ 17-19%/năm kéo giảm còn 15-16%/năm chẳng hạn; hoặc cũng có thể đậm đặc màu sắc hành chính như một dạng áp trần lãi suất cho vay...

Cũng không ồn ào, nhưng một tín hiệu khác đã được phát đi trong những ngày gần đây. VAFI - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - vào ngày 17/10 đã nêu ra một bản kiến nghị (rất ngắn gọn) với NHNN: giảm lãi suất huy động xuống chỉ còn 10%; lãi suất huy động đối với vàng và ngoại tệ có thể là 0%. Kiến nghị này quả rất mạnh mẽ!

Mạnh mẽ nhưng không mấy bất ngờ. Vào gần trung tuần tháng 9/2011, VAFI đã có một bức tâm thư (đúng nghĩa là tâm thư) kiến nghị về hàng loạt vấn đề liên quan đến lãi suất và hệ thống ngân hàng. Trong đó, lãi suất huy động được kiến nghị kéo giảm về mức 12%/năm. Còn các ngân hàng thương mại nhỏ thì cần phải giảm đi 15-20% số lượng hiện thời.

Sau những kiến nghị của VAFI, một số nhà đầu tư và người dân cho rằng tổ chức này đã quá viển vông về chuyện lãi suất huy động, vì nếu lãi suất huy động được thực giảm đến 10-12%/năm thì người dân sẽ rút hết tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng, lại càng làm cho ngân hàng thêm khốn đốn. Nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng nên tham khảo mối tương quan có vẻ như "ngẫu nhiên" giữa kiến nghị về việc tinh giản 15-20% số ngân hàng thương mại nhỏ của VAFI với chủ trương của NHNN và gần đây nhất là chủ trương của cả Ban Bí thư trung ương Đảng về "tái cấu trúc hệ thống ngân hàng".

Hình như chỉ có những ngân hàng lớn là có thể yên vị. Còn với nhiều ngân hàng nhỏ, thời gian tới có thể là một sự đảo lộn. Tình thế đó sẽ rất khác với nửa đầu năm nay, khi những ngân hàng nhỏ này vừa khuấy đảo thị trường tín dụng bằng một thứ lãi suất huy động theo kiểu "chợ búa", vừa "cười trên nỗi thống khổ" của những doanh nghiệp chết dở sống sở bắt buộc phải chấp nhận vay vốn với lãi suất cắt cổ.

Có thể hình dung tình cảnh ngược lại trong những tháng còn lại của năm nay: khối doanh nghiệp sản xuất hồi hộp và nhuốm ráng hồng hy vọng trên khuôn mặt chờ đợi, nhưng không ít ngân hàng nhỏ lại nhăn nhó thảm hại trước một bài toán nhiều ẩn số - ẩn số về vốn và thanh khoản, về áp lực giải phóng lượng vốn còn tồn, và trên tất cả là về số phận lơ lửng của họ...

Cứ như cảm nhận của người viết bài, có lẽ chỉ trong mấy tuần sắp tới thôi, thị trường ngân hàng sẽ tiếp nhận những biến động không nhỏ và có thể cả những bất ngờ nữa. Những biến động và bất ngờ như thế sẽ xảy ra cùng lúc hoặc sau khi "bong bóng" lãi suất liên ngân hàng vỡ, nhưng chỉ vỡ một cách có điều kiện theo bàn tay "đạo diễn" của NHNN.

Trường Sơn

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Nguyên thống đốc NHNN: USD sẽ không vượt mốc 22.000 (20/10/2011)

>   “Nóng” lãi suất liên ngân hàng (19/10/2011)

>   Vàng bình ổn 'bóc mẽ' tỷ giá đen trong ngân hàng (19/10/2011)

>   Quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam (19/10/2011)

>   Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Sáp nhập hay bơm vốn để “giải cứu”? (19/10/2011)

>   Lãi suất tín dụng đen lên đến 40% một tháng (19/10/2011)

>   Doanh nghiệp trả nợ, ngân hàng đi vay (19/10/2011)

>   TGĐ Eximbank: “Tỷ giá hối đoái sẽ không còn quá ổn định” (19/10/2011)

>   Tỷ giá: nóng bỏng chuyện cũ (19/10/2011)

>   ADB: VND có thể chịu sức ép giảm giá khi các khoản vay ngoại tệ đáo hạn (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật