Thứ Tư, 19/10/2011 16:15

TGĐ Eximbank: “Tỷ giá hối đoái sẽ không còn quá ổn định”

Trong khoảng 2 tuần gần đây, khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do liên tục tăng, ngày càng bỏ xa trần tỷ giá, NHNN cũng đã nâng dần tỷ giá bình quân liên ngân hàng. ĐTCK có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) xung quanh vấn đề này.

"Tín hiệu cảnh báo"

Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc tỷ giá liên ngân hàng tăng trở lại từ đầu tháng 10 đến nay?

Nếu theo dõi sát việc tăng giảm tỷ giá hối đoái trong vòng 6 tháng trở lại đây, có thể thấy, NHNN đã phát ra nhiều cảnh báo về việc "mất cân đối" giữa huy động và cho vay ngoại tệ. Nhưng rồi, bất chấp cảnh báo đó, hệ thống NHTM và DN vẫn vay nhiều ngoại tệ. Và để cảnh báo hoạt động này, đồng thời đưa tỷ giá chính thức tiến gần với tỷ giá tự do, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Chính sách nào cũng cho ra những tín hiệu để thị trường cảm nhận nhưng nếu thị trường không cảm nhận đầy đủ, các nhà hoạch định chính sách sẽ phát ra những tín hiệu mạnh mẽ hơn. Từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá của USD so với VND dựa trên tỷ giá bình quân liên ngân hàng khoảng 0,38%, điều này phát lên một tín hiệu, tỷ giá hối đoái không còn phẳng lặng, quá ổn định như trước.

Sự thay đổi này sẽ theo chiều hướng nào từ giờ đến cuối năm?

Nếu VND đã mất giá 7% đầu năm thì trong 3 tháng còn lại của năm 2011, việc VND mất giá thêm nhiều nữa, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất VND - USD khoảng 12%, có vẻ như rất khó xảy ra. Đương nhiên, tỷ giá thay đổi còn phụ thuộc rất nhiều vào các biến số như sự mất giá của USD đối với các ngoại tệ mạnh trên thế giới từ nay đến cuối năm sẽ như thế nào? Chênh lệch lạm phát của Việt Nam và lạm phát của các nước sẽ diễn biến ra sao?… Trong hơn một tuần qua, USD đã mất giá rất nhiều so với các ngoại tệ mạnh. Ví dụ: tỷ giá EURO/USD từ 1,31 - 1,32 nay đã lên đến 1,38 -1,39. Như vậy, USD đang suy yếu ở nước ngoài và lẽ ra cũng phải suy yếu ở Việt Nam, nhưng vì chênh lệch lạm phát với lạm phát của Việt Nam cao hơn của Mỹ đã dẫn đến VND không những không tăng giá so với USD mà còn tiếp tục giảm.

Việc dư nợ ngoại tệ tăng lên nhiều trong thời gian vừa qua không có nghĩa là các khoản tín dụng ngoại tệ đáo hạn tập trung vào 3 tháng còn lại của năm 2011 mà đã trải đều trong 12 tháng của năm. Nếu có tăng lên vào dịp cuối năm cũng không phải là nhiều. Hơn nữa, cuối năm, các nhà xuất khẩu sẽ có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ ngân hàng, còn các nhà nhập khẩu cũng sẽ có được ngoại tệ theo hợp đồng mua kỳ hạn đã làm từ trước.

Ngoài "tín hiệu" tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, còn "tín hiệu" nào thị trường cần phải nắm bắt?

Chúng ta cần xác lập một vùng tỷ giá mục tiêu. Chính chênh lệch lạm phát sẽ mở ra một xu hướng tăng hay giảm giá của đồng nội tệ. Nhưng cũng cần lưu ý, tỷ giá hối đoái còn bị tác động bởi một quy luật ngang giá về lãi suất. Lãi suất của một đồng tiền cao thì giá trị của đồng tiền đó so với các đồng tiền khác sẽ tăng lên. Với trường hợp của Việt Nam , vùng tỷ giá mục tiêu sẽ bị chi phối bù trừ giữa hai chiều hướng: suy yếu do lạm phát và tăng giá do quy luật ngang bằng về lãi suất.

Có nên xóa khoảng cách giữa tỷ giá thị trường chính thức và tự do?

Bằng nhau hay không bằng nhau để làm gì? Mỗi một tỷ giá, mỗi một thị trường đều có những phân khúc khách hàng riêng. Khách hàng của thị trường tự do là những người không có những nhu cầu thực trong thanh toán ngoại hối. Họ xem các biến động lãi suất VND và USD, lạm phát ở Việt Nam và những biến động trong một rổ tiền tệ có những quốc gia đại diện... để cảm nhận riêng nên hãy để họ suy nghĩ trên những cảm nhận đó. Còn thị trường liên ngân hàng bản chất là phản ánh gián tiếp nhu cầu của những nhà xuất, nhập khẩu, nhu cầu của các tổ chức tín dụng trên thị trường ngoại hối.

Chúng ta không nên quá băn khoăn vì sự cách biệt giá thị trường tự do và thị trường chính thức, đặc biệt là ở một mức độ chênh lệch vừa phải. Điều quan tâm là, đến nay NHNN với tư cách là một người quản lý tiền tệ nắm dự trữ ngoại hối, cân đối luồng vào, luồng ra ngoại tệ đã có những ứng xử kịp thời và phù hợp. Tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá giao dịch của các NHTM, tôi cho rằng, đang hội tụ về nhau. Đó là một điều đáng mừng.

Ông có thể nói rõ hơn về chuyện "mừng" này?

Tất cả các nhà nhập khẩu sau khi thấy những tín hiệu phát ra của NHNN rằng sẽ không để tỷ giá bình lặng, yên ắng quá mà chủ quan, tiếp tục đi vay ngoại tệ, bây giờ họ đã bắt đầu mua ngoại tệ để trả nợ tiền đã vay. Khi người ta mua ngoại tệ để trả nợ nghĩa là tạo nên một sức cầu không thấp như trước làm cho tỷ giá hối đoái tăng lên và làm cho những người chưa bao giờ vay ngoại tệ cũng phải e ngại khi tiếp xúc với tín dụng ngoại tệ.

Thị trường ngoại hối nước nào cũng có hai loại tỷ giá

Nghĩa là ông ủng hộ câu chuyện hai tỷ giá?

Thị trường ngoại hối nước nào cũng có hai loại tỷ giá. Sự biến động của tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do cũng giúp những người làm chính sách ngoại hối biết xu hướng của một bộ phận thị trường. Đó cũng là một thước đo về kỳ vọng của những người nắm giữ ngoại tệ.

"Cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay là phù hợp"

Theo ông, cơ chế tỷ giá hiện nay liệu có còn phù hợp?

Rất phù hợp. Trong 3 - 4 năm nay, NHNN vẫn tiếp tục lựa chọn hai nhân tố làm nền tảng cho việc điều chỉnh cơ chế tỷ giá hối đoái là: thứ nhất, tỷ giá bình quân liên ngân hàng và thứ hai là biên độ giao dịch. Ngày trước, chúng ta gần như cố định tỷ giá bình quân liên ngân hàng và để một biên độ quá dài là 5%. Gần đây, chúng ta đã kéo biên độ từ 5% xuống 1%, không để tỷ giá bình quân liên ngân hàng bất động mà được điều chỉnh thường xuyên hơn. Điều này đã mang lại quyền chủ động cho NHNN trong việc vận hành cơ chế tỷ giá hối đoái.

Cơ chế tỷ giá hiện cần hỗ trợ gì để thị trường ngoại hối được vận hành tốt hơn?

Người ta thường nói, "không có một cơ chế tỷ giá nào tối ưu cho mọi nền kinh tế, mọi lúc, mọi nơi". Điều có thể nhận biết là, NHNN đã tỏ ra linh hoạt hơn trong điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, việc thông tin đầy đủ và kịp thời đã tạo cho các thành phần tham gia thị trường kỳ vọng hợp lý hơn. Hơn thế, chủ trương đối thoại chính sách trong thời gian qua đã giúp cho NHNN điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn.

PV

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tỷ giá: nóng bỏng chuyện cũ (19/10/2011)

>   ADB: VND có thể chịu sức ép giảm giá khi các khoản vay ngoại tệ đáo hạn (19/10/2011)

>   Sắp công bố thông tin chính thức việc sáp nhập, giải thể các NH nhỏ (19/10/2011)

>   NHNN: “Sáp nhập ngân hàng là xu hướng tất yếu” (19/10/2011)

>   “Dẹp loạn chợ”... ngân hàng (19/10/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng tới 40%/năm kỳ hạn 1 tháng (19/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng tái lập kỷ lục từ 19/4 (19/10/2011)

>   'Hàng loạt vụ vỡ nợ là do thua lỗ bất động sản, vàng' (19/10/2011)

>   Bên lề biến động lãi suất liên ngân hàng (19/10/2011)

>   Ông Lê Đức Thúy: Chưa phải thời điểm sáp nhập ngân hàng (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật