Thứ Tư, 19/10/2011 09:57

“Dẹp loạn chợ”... ngân hàng

Sau vụ cán bộ của chi nhánh NH Đông Á (DongABank) bị cách chức vì lách trần lãi suất huy động, mới đây, thị trường lại bị hâm nóng bởi thông tin HDBank “dính án” tương tự DongABank. Hơn lúc nào, thị trường tín dụng đang trở nên vô cùng nhạy cảm. Mỗi một NH đều co vào thế thủ vì không ai biết lúc nào, và ở đâu, sẽ có những “án” mới nảy sinh.

Trước những thông tin trái chiều của dư luận, ACB và HDbank đã ra văn bản chính thức để trần tình sự việc

Với những “nghi án” gài bẫy, đồng nghiệp tố nhau trên thị trường tín dụng vừa qua, mỗi một người đều có cảm nhận và bình luận riêng. Nếu không bàn đến khía cạnh tích cực hay tiêu cực giữa các “nghi án” đó, cũng như hư thực trong chủ trương điều hành lãi suất, cạnh tranh “bằng mọi giá” với NH bạn của các lãnh đạo NH, nhìn rộng ra một chút, có thể thấy từ những sự việc này đang cộm lên mà vấn đề lớn: Tại sao những sự việc, những cái ung chỉ bục khi chính các NH tố nhau, công an vào cuộc, hoặc khi cánh thạo tin đưa lên mặt báo... ? Và tại sao ở trong chính mỗi một NH, chỉ khi nào NHNN vào cuộc yêu cầu các lãnh đạo phải giải trình, thì họ mới là người cuối cùng hay biết trong nội bộ, tổ chức của mình đang có những hành vi vi phạm ...?

Thiếu quản trị tuân thủ

Chuyên gia Ngân hàng Lê Thẩm Dương - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho rằng chuyện “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường” cho thấy hệ thống NH đang hoạt động như một cái “chợ”, và rất cần có sự mạnh tay dọn dẹp của cơ quan quản lý “chợ”. Ban đầu, sự mạnh tay đó là “căng dây”, hoạch định giới hạn, tương tự như giới hạn về trần lãi suất huy động. Dĩ nhiên, “căng dây” sẽ chẳng có gì hay, thổi còi, phạt vi cảnh với những thành viên nào làm loạn, vượt qua sợi dây đã căng đó cũng chẳng có gì hay, nhưng lại là biện pháp không thể không làm ở thời điểm này, để “chợ” đi vào kỷ cương, trật tự. Và để “trị” được sự loạn này, cũng không dễ. Bởi căn nguyên của sự “loạn” chính là năng lực quản trị trong một hệ thống rất cần khả năng quản trị, từ khâu hoạch định chiến lược, tổ chức thực hiện, quản lý nhân lực cho đến khâu kiểm tra, giám sát.

Nếu hình dung một cách “nôm na”, thì hệ thống thanh tra, giám sát đang được tổ chức như sau: “Đầu não” thanh tra, giám sát của cả quốc gia là Tổng Thanh tra Nhà nước. Trong hệ thống NH Trung ương, có Cơ quan thanh tra giám sát bao gồm 6 vụ, 1 Cục, thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về NH trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN, Chánh tranh tra giám sát cơ quan này và kiểm toán nội bộ của toàn hệ thống. Bên dưới, trong mỗi một TCTD, có bộ phận kiểm soát của hội sở, bộ phận kiểm soát của từng chi nhánh, các giám đốc, trưởng phòng và mỗi một nhân viên lại là một kiểm soát viên kiểm soát chéo, trực tiếp và tự kiểm soát công việc của mình. “Cả một hệ thống kiểm soát nghe rất đồ sộ, hoành tráng và chặt chẽ, nhưng không phát hiện được những vụ việc cỏn con như chi nhánh vẫn vượt trần lãi suất huy động, nhân viên chấp nhận “đi đêm” với khách hàng, điều đó cho thấy hệ thống đó chưa thực sự có kiểm soát, và quản trị tuân thủ đang đặc biệt có vấn đề”, ông Dương nói.

Cạnh tranh không lành mạnh

Nhiều ý kiến cho rằng việc các NH “tố” NH bạn là một động thái “xấu chơi”, cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế thì cạnh tranh không lành mạnh không phải bây giờ mới diễn ra và không chỉ diễn ra giữa các NH “đối thủ”, mà còn ở trong mỗi một NH, giữa chi nhánh của NH đó với Hội sở, giữa chi nhánh với chi nhánh. Hầu hết các NH hiện nay đều kinh doanh theo chủ trương “khoán”, mỗi một chi nhánh là một tổ chức kinh doanh độc lập với các định mức khoán từ Hội sở đưa ra. Đạt hoặc vượt định mức, được thưởng. Không đạt định mức, lãnh đạo tổ chức chi nhánh có thể bị cách chức, đổi địa bàn, nhân viên chi nhánh đó sẽ bị phạt trừ vào lương, bổng. Vì vậy mới có chuyện các nhân viên ngân hàng chạy đua hút tiền gửi, vận động cả bố mẹ, anh chị em, người thân, bè bạn gửi tiền vào nơi mình làm việc, có trường hợp chấp nhận bỏ hoa hồng được chiết khấu để bù trừ khoản lãi suất chênh lệch chi ngoài cho người gửi với những khoản tiền huy động giá trị lớn trong thời điểm cuộc đua lãi suất còn căng, nhằm đạt được số dư tiền gửi.

Một chuyên gia ví mỗi một chi nhánh NH đang cạnh tranh hết khả năng, như một nhóm lao động trong một... hợp tác xã với các mức khoán năng suất được ấn định trên từng hecta lúa. Nhưng nếu như việc cấy lúa bao giờ cũng tỷ lệ thuận với nỗ lực lao động, thì việc khoán trên định mức số dư tiền gửi, dư nợ cho vay lại có chịu giới hạn nhất định của cung – cầu tiền tệ. Vì vậy mà sinh ra lách luật, vi phạm, sinh ra cạnh tranh không lành mạnh.

Bản thân người viết từng chứng kiến Tổng giám đốc Cty cổ phần địa ốc X. tiếp chuyện giám đốc một chi nhánh NH T. Ông T. đề nghị giám đốc Cty X. rút tiền gửi, vốn lưu động của DN từ một NH khác, để gửi vào chi nhánh NH T. khoảng 1 tuần, nhằm giúp chi nhánh này “đạt số dư tiền gửi theo quý trong thời gian hội sở kiểm tra”. Bù lại, chi nhánh NH T. sẽ sẵn sàng “hỗ trợ” Cty địa ốc X bất kỳ lúc nào. Theo vị TGĐ Cty địa ốc X, thì đó là một mối quan hệ đặc biệt và cũng rất bình thường giữa hai DN.

Câu chuyện này có thể không phải là phổ biến, nhưng rõ ràng dường như đang tồn tại những “kỹ thuật” làm đẹp các chỉ số của các chi nhánh NH theo đúng quy định của Hội sở, và của các Hội sở NH theo đúng quy định của NHNN mà những biện pháp thanh tra, giám sát nội bộ NH hoặc thanh tra, giám sát từ trên xuống chưa thể “phá giải” được các biện pháp “kỹ thuật” này. Chưa kể, chất lượng của các đợt thanh tra đó, bao gồm trình độ và đạo đức nghề nghiệp, cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.

Có thể kiểm tra “chéo” giữa các NH?

“Cả một hệ thống kiểm soát nghe rất đồ sộ, hoành tráng và chặt chẽ, nhưng không phát hiện được những vụ việc cỏn con”

Câu trả lời từ hầu hết các chuyên gia là: Không. Mỗi một NH đều có chiến lược cạnh tranh riêng, bí quyết kinh doanh riêng và mọi số liệu, mọi thông tin đều quyết định “nồi cơm” của họ, nên không thể nào có cơ chế cho các NH tự thanh tra, giám sát lẫn nhau. TS. Lê Thẩm Dương cho biết ở các thị trường tài chính phát triển, mức độ cạnh tranh bằng thông tin giữa các NH còn khốc liệt hơn thị trường VN nhiều lần. Mỗi một nhân viên tin học, sao lưu dữ liệu trong data base (dữ liệu cơ sở) của NH này, nếu bị phát hiện có mối quan hệ quen biết với NH kia, rất có khả năng bị đuổi việc để tránh nguy cơ bị thất thoát thông tin, dữ liệu ra ngoài.

Vậy, việc giám sát “chéo” giữa các NH có thể phát huy theo hướng “vòng ngoài” như nhiều NH đã chủ động “giám sát” và thông tin tới NHNN trong thời gian qua? Câu hỏi này lại quay trở về với quan niệm thế nào là “chơi xấu”, và tùy thuộc vào từng thái độ đánh giá hành động này là tích cực hay tiêu cực. Chuyên gia tài chính độc lập Đặng Hào Quang cho rằng nếu muốn phát huy tinh thần này cũng không dễ, vì theo ông ở VN, hầu như tất cả các chi nhánh NH đều hoạt động khá độc lập, không có hệ thống liên thông trong chính NH đó chứ chưa nói đến giữa các NH hay giữa các NH với NHNN. Một khi, không liên thông, không có số liệu và thông tin để kiểm soát, thì việc kiểm soát sẽ là vô hiệu. Cũng theo ông Quang, chỉ trong tình trạng cạnh tranh do việc huy động vốn VND như thời gian vừa qua, mới xảy ra hiện tượng các NH chủ động “giám sát” nhau, còn khi thị trường tín dụng hoạt động ở trạng thái bình thường, thì các NH tuy có “nhìn nhau”, cũng khó xảy ra những hiện tượng này.

Có lẽ, để có một cơ chế phát huy tối đa hiệu quả việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ hệ thống tín dụng, đưa hệ thống tín dụng vào khung khổ hoạt động đúng lề luật và cạnh tranh lành mạnh, là hoàn toàn không đơn giản. Nếu ví mỗi một TCTD là một cơ thể sống, thì năng lực quản trị, hay năng lực thanh tra, giám sát từ trong chính nội bộ của TCTD ấy, cũng được ví tương tự như thái độ và năng lực hành xử của cơ thể ấy. Thái độ và năng lực hành xử của một người ra sao, sẽ nói lên phẩm chất và trình độ của người đó. Chuyện của hệ thống tín dụng, chung quy, vẫn là chuyện con người.

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Lãi suất liên ngân hàng tới 40%/năm kỳ hạn 1 tháng (19/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng tái lập kỷ lục từ 19/4 (19/10/2011)

>   'Hàng loạt vụ vỡ nợ là do thua lỗ bất động sản, vàng' (19/10/2011)

>   Bên lề biến động lãi suất liên ngân hàng (19/10/2011)

>   Ông Lê Đức Thúy: Chưa phải thời điểm sáp nhập ngân hàng (19/10/2011)

>   Các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay (19/10/2011)

>   Chạy đua mở kênh giao dịch ngân hàng online (19/10/2011)

>   Tín dụng đen trong thị trường chưa… trắng (19/10/2011)

>   Nợ xấu đang xấu đi (19/10/2011)

>   NHNN đảm bảo thanh khoản cho từng tổ chức tín dụng (18/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật