Chạy đua mở kênh giao dịch ngân hàng online
Hàng loạt tính ưu việt như tiết kiệm (chi phí in ấn, thời gian, tìm kiếm) và nhiều tiện ích (không lo sếp đi công tác, đảm bảo tính pháp lý, hồ sơ 24/7) cộng với ứng dụng với cơ quan thuế, hải quan, chứng khoán, hành chính, thương mại điện tử đang khiến nhiều ngân hàng chạy đua mở kênh giao dịch qua Internet.
Những ngân hàng lớn như Viettinbank (CTG), VCB, MHB đến những ngân hàng cổ phần như ACB, OCB (Oricombank)… đều mạnh dạn mở kênh giao dịch trực tuyến.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết nhiều chủ DN cứ ngỡ sử dụng chữ ký số công cộng mang lại nhiều rủi ro hơn việc ký và đóng dấu thông thường. Tuy nhiên, khi sử dụng mới biết chữ ký số vừa an toàn lại đem nhiều tiết kiệm và tiện ích hữu hiệu cho DN. “Như giám đốc công ty đi công tác có thể ủy quyền cho cấp phó ký thanh toán các giao dịch 1 tỉ đồng, hay người quản lý có thể kiểm tra các giao dịch trong một tháng mình đã ký bao nhiêu…”.
Về hiệu quả của kênh online, ông Đoàn Long, Phó Tổng Giám đốc OCB, cho biết chỉ sau sáu tháng mở kênh OCB online lượng khách hàng cá nhân của Ngân hàng Phương Đông tăng 15.000 người, thêm vào đó hình ảnh ngân hàng được công chúng biết đến nhiều hơn. “Như vậy, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống là khách hàng đến các điểm do ngân hàng mở giao dịch thì việc giải quyết công việc với ngân hàng qua online đã mang lại nhiều tiện ích hơn.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc sử dụng kênh online hiện tại ở các ngân hàng không chỉ dừng lại ở các tiện ích như tra số dư tài khoản, thanh toán tiền điện, nước mà còn ứng dụng cho thực hiện các giao dịch tiền gửi trực tuyến, chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng với hạn mức 10 tỉ đồng/ngày bằng chữ ký số…
Theo Ngân hàng Nhà nước, hình thức này cần được mở rộng vì các văn bản pháp luật như Luật Giao dịch điện tử, các nghị định, thông tư hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đã có đầy đủ.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Điện toán và Truyền số liệu khu vực 2 (VCD 2) - đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số, cho biết từ khi Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ chữ ký số (năm 2009) đến nay mới có 20.000 cá nhân và tổ chức đăng ký chữ ký số trong giao dịch điện tử. Đây là con số khiêm tốn và hiện chữ ký số của cá nhân, tổ chức nước ngoài vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam. Đến nay cũng chưa có tranh chấp nào phát sinh từ dịch vụ ứng dụng chữ ký số trên mạng Internet.
B.Nhơn
Pháp luật TPHCM
|