Thứ Ba, 18/10/2011 06:51

Bán ngoại tệ thay vì cho vay?

Ngay cả khi lãi suất VND và USD ngang nhau thì xu hướng tập trung mua USD vẫn nhiều hơn. Bởi lạm phát của tiền đồng vẫn cao hơn lạm phát đồng USD.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ sao cho phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ. Cụ thể sẽ chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Mục đích của giải pháp này, theo NHNN là để giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Vậy giải pháp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN?

Giải pháp khôn ngoan

Việc siết cho vay ngoại tệ của NHNN sẽ theo hướng chỉ cho vay ngoại tệ với những DN có khả năng tái tạo ngoại tệ, chẳng hạn như các DN xuất nhập khẩu. Còn với các DN không có khả năng tái tạo (chỉ nhập hàng hóa, nguyên vật liệu từ nước ngoài về chứ không xuất khẩu) thì muốn có ngoại tệ phải thông qua việc mua-bán.

Mới nghe thì giải pháp này sẽ tác động và tưởng rằng gây khó khăn cho DN. Bởi vì nhu cầu nhập khẩu cũng như xuất khẩu vào những tháng cuối năm rất lớn. Vì thế nhu cầu ngoại tệ vào những tháng cuối năm cũng tăng lên. Tuy nhiên, giải pháp này còn mang những thông điệp khác. Theo tôi, với những DN đơn thuần xuất khẩu, họ đem sản phẩm trong nước xuất đi nước ngoài và thu ngoại tệ về thì không đáng bàn. Nhưng đối với các DN xuất nhập khẩu thì khác. Một số nguyên vật liệu họ phải nhập khẩu từ nước ngoài về, bởi vậy ngân hàng sẽ tạm cho vay ngoại tệ. Sau khi hoàn thành sản phẩm xuất đi nước ngoài có ngoại tệ rồi, DN sẽ gửi trả lại ngân hàng. Còn với các DN nhập khẩu cũng cần USD để thanh toán nguyên vật liệu, phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài về. Nhưng những DN này chỉ đơn thuần nhập khẩu chứ không xuất khẩu, họ không có khả năng tái tạo ngoại tệ để trả cho những khoản đã vay thì NHNN sẽ chuyển qua bán ngoại tệ cho họ.

Nhu cầu ngoại tệ với các đối tượng DN này là có thực. Nếu chúng ta siết chặt đầu này thì phải có giải pháp để hỗ trợ DN. Nếu siết ngoại tệ DN không mua được USD, cũng không vay được thì họ sẽ chạy ra thị trường tự do để huy động bằng con đường phi chính thức, lúc này tỉ giá sẽ bị biến động còn nguy hiểm hơn. Thậm chí họ sẽ đi vay VND với lãi suất cao 18%-19% rồi dùng tiền này để đi gom USD. Nếu tình trạng này xảy ra cũng rất tai hại. Bởi một khi phải chịu lãi suất VND cao như hiện nay thì chắc chắn đầu vào của sản phẩm sẽ cao, kéo theo giá thành hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng sẽ cao. Như vậy hàng hóa vào những tháng cuối năm sẽ khó bình ổn.

Chính vì lẽ đó, chuyển dần quan hệ gửi-vay sang quan hệ mua-bán lại là một giải pháp khôn ngoan. Giải pháp này không chỉ hạn chế sức ép lên tỉ giá những tháng cuối năm, mà còn giúp giá cả hàng hóa trong những tháng cuối năm ít biến động.

Lạm phát cao nhưng USD có xu hướng tăng

Khi DN mua USD trong ngân hàng (không phải là vay) thì sẽ không phải chịu mức lãi suất như khi đi vay. Thêm vào đó DN không phải chịu ảnh hưởng tỉ giá USD tăng trong suốt thời gian vay đến lúc trả. Cụ thể, tính từ tháng 2 đến nay, đồng USD đã tăng lên 9,3%. Như vậy những người vay USD từ tháng 2 đến nay vừa phải chịu lãi suất, vừa chịu mức tăng 9,3% này.

Về xu hướng đồng USD tăng như vậy là do tại Mỹ những vấn đề nội tại chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, lãi suất đồng USD trên thế giới vẫn chỉ ở mức thấp, thậm chí là 0%, trong khi lạm phát ở những nước này lại thấp hơn chúng ta rất nhiều. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh lạm phát tăng cao như vậy, DN lựa chọn đồng USD lại là khôn ngoan nhất.

Tại Việt Nam, lạm phát của chúng vẫn ở mức tương đối cao, lãi suất cho vay ở mức 17%-19% cũng vẫn là rất cao. Niềm tin của người dân giảm sút khi tiền đồng trở nên mất giá. Bởi vậy đồng USD lại có thêm động lực để tăng hơn. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, trên thị trường tự do USD tăng cao, nhiều người đổ xô đi mua. Nếu so sánh giữa VND và USD sẽ thấy rõ khoảng cách này. Cụ thể, trước đây mua một chiếc bánh là 1.000 đồng, nay vì lạm phát phải mua tới 3.000 đồng. Rõ ràng người dân sẽ mua ít đi. Hay nói cách khác, trước đây bán bốn chiếc bánh sẽ mua được 1 USD. Nhưng bây giờ phải bán tới tám chiếc bánh mới mua được 1 USD. Như vậy có nhiều USD thì người ta có thể mua được nhiều sản phẩm hàng hóa.

Thậm chí ngay cả khi lãi suất VND và USD ngang nhau thì xu hướng tập trung mua USD vẫn nhiều hơn. Bởi lạm phát của tiền đồng vẫn cao hơn lạm phát đồng USD. Những mâu thuẫn này là điều kiện tạo ra những kỳ vọng hợp lý khác của thị trường mới tạo ra các xung lực trong kinh tế.

Vừa qua, NHNN cam kết sẽ giữ tỉ giá từ nay đến cuối năm biến động không quá 1%. Tuy nhiên, suốt từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN liên tục tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng lên đến 0,38%. Như vậy còn 0,62% nữa là chạm mức 1% mà NHNN cam kết.

Hiện nay dư nợ cho vay ngoại tệ trên toàn hệ thống ngân hàng chiếm trên 20%. Như vậy dư nợ cho vay ngoại tệ quá lớn, vì thế phải giảm cho vay và hạn chế những giao dịch mua bán trên thị trường bằng USD trên thị trường. Trước đây chúng ta đã nghiêm cấm hiện tượng niêm yết các mặt hàng, sản phẩm trong nước bằng USD... nhằm chống tình trạng đôla hóa thì nay cần siết lại việc quản lý này hơn nữa.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN,thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia

Yên Trang ghi

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Báo động rủi ro thanh khoản (18/10/2011)

>   Kiến nghị hạ lãi suất huy động của tổ chức xuống 10%/năm (18/10/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng lên 30% kỳ hạn 1 tháng (17/10/2011)

>   Thời cơ để “lọc” ngân hàng (17/10/2011)

>   Cải tổ hệ thống ngân hàng nhìn từ bề nổi (17/10/2011)

>   Lãi suất ngân hàng: Siết đầu này, xì đầu kia (17/10/2011)

>   Tuần đầu tháng 10, NHNN bán ra 150 triệu USD  (17/10/2011)

>   Chọn phương thức điều hành tỷ giá (17/10/2011)

>   Ngân hàng tổng hợp dịch vụ đã cung cấp theo từng ngày (17/10/2011)

>   Vỡ nợ tín dụng đen và hậu quả dây chuyền (17/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật