Thứ Hai, 17/10/2011 16:54

Cải tổ hệ thống ngân hàng nhìn từ bề nổi

LTS: Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khoá XI quyết định phải tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xác định trong năm năm tới, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; và cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.

Với quy mô nền kinh tế như Việt Nam, con số gần 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng là khá lớn và cần phải rà soát lại. Ảnh minh hoạ.

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiến hành trên cơ sở nào, nên bắt đầu từ đâu, với những biện pháp, lộ trình ra sao? Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu loạt bài của các chuyên gia kinh tế góp ý về vấn đề này.

Trước tình hình kinh tế phát triển không được thuận lợi do những cú sốc bên ngoài lẫn những điểm yếu nội tại của nền kinh tế, hệ thống tài chính của Việt Nam đang bộc lộ dần những điểm yếu của mình, trong đó hệ thống ngân hàng đã cho thấy những điểm yếu lớn.

Thứ nhất, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ngày một trầm trọng hơn. Con số nợ xấu được ước tính tăng từ 2,16% của năm 2010 lên 3,1% trong sáu tháng đầu năm 2011. Trong khi đại diện ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại nằm trong khoảng 2 – 3% và không quá 5% tổng dư nợ cho cả năm, thì công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng nợ xấu có thể lên đến 13% tổng dư nợ theo chuẩn mực quốc tế. Đáng lo ngại hơn, số nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 47% tổng nợ xấu. Những con số này và phản ứng nghi ngờ của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Fitch với chất lượng tín dụng của Việt Nam là những tín hiệu đáng lo ngại. Nếu tình hình tiếp diễn như thế này, rủi ro các ngân hàng Việt Nam tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm sẽ tăng lên và cách nhìn của giới đầu tư quốc tế về triển vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục ở trạng thái lo sợ.

Thứ hai, khả năng thanh khoản và chịu đựng rủi ro của các ngân hàng nhỏ ở Việt Nam là rất hạn chế. Việc nâng cấp một loạt ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên ngân hàng thương mại cổ phần đô thị cách đây vài năm tạo ra một vấn đề lớn cho hệ thống. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như World Bank, những ngân hàng nhỏ xuất phát từ các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn này có tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản nóng, trong khi khả năng quản trị rủi ro chưa hoàn thiện. Việc NHNN vẫn đang phải nỗ lực hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ và xem xét phải tái cấp vốn cho một số ngân hàng nhỏ, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đang tồn tại những áp lực thanh khoản rất lớn đối với những ngân hàng này. Đó là chưa xét đến chất lượng tín dụng và khả năng gánh chịu thua lỗ từ nợ xấu của những ngân hàng này.

Thứ ba, rủi ro trong cấu trúc kỳ hạn của các ngân hàng đang bị xem nhẹ. Việc lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lên tiếng cảnh báo và đưa ra những con số như 80 – 90% vốn huy động là tiền gửi ngắn hạn 1 tháng rất đáng quan tâm. Vấn đề là không chỉ có các ngân hàng nhỏ mới bị như vậy, mà các ngân hàng có quy mô tương đối lớn cũng gặp phải sự mất cân đối về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ. Mất cân đối này nếu trở nên quá cao sẽ đẩy ngân hàng vào khủng hoảng thanh khoản. Nếu nó mang tính hệ thống thì cả hệ thống ngân hàng chứ không phải chỉ các ngân hàng nhỏ sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản. Càng gần về cuối năm, căng thẳng này sẽ càng tăng. Điều này sẽ đặt ra thách thức cho NHNN trong việc duy trì trần lãi suất 14%.

Trước tình hình đó, không lạ gì khi mà hiện nay có nhiều yêu cầu đòi hỏi phải cải tổ hệ thống ngân hàng, trong đó nhiều đề xuất đề cập tới chuyện giảm số ngân hàng trong hệ thống và cho phép tái cơ cấu, mua bán và sáp nhập các ngân hàng. Với quy mô nền kinh tế như Việt Nam, con số gần 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng là khá lớn và cần phải rà soát lại. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây đặt ra là làm thế nào để giảm số ngân hàng này. Nếu nói rằng ngân hàng lớn mua lại ngân hàng nhỏ thì câu hỏi là ngân hàng lớn nào được làm chuyện này. Nếu trả lời rằng để các ngân hàng thương mại quốc doanh dùng tiền của Nhà nước để mua lại ngân hàng nhỏ thì cần phải xem lại. Liệu rằng hoạt động của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã ổn chưa mà còn cho họ nhảy vào mua lại các ngân hàng nhỏ. Với nhiều thông tin về bê bối trong hoạt động của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) được đăng tải trong năm nay, khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng hoạt động của các ngân hàng quốc doanh.

Mặc dù bề nổi hiện tại của việc cải cách ngân hàng đang được bàn tới có vẻ nhắm vào nhóm ngân hàng nhỏ, nhưng phần quan trọng hơn của vấn đề cải cách ngân hàng nằm chính trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng quốc doanh.

Hồ Quốc Tuấn Nghiên cứu Sinh Tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Lãi suất ngân hàng: Siết đầu này, xì đầu kia (17/10/2011)

>   Tuần đầu tháng 10, NHNN bán ra 150 triệu USD  (17/10/2011)

>   Chọn phương thức điều hành tỷ giá (17/10/2011)

>   Ngân hàng tổng hợp dịch vụ đã cung cấp theo từng ngày (17/10/2011)

>   Vỡ nợ tín dụng đen và hậu quả dây chuyền (17/10/2011)

>   Những bất ổn trên thị trường vốn (17/10/2011)

>   Khó khăn vốn: Ngân hàng đang ngồi trên lửa (17/10/2011)

>   USD liên ngân hàng trụ vững 20.708 đồng/USD (17/10/2011)

>   VietinBank lọt vào Top 10 thương hiệu Việt (17/10/2011)

>   Tín dụng ngoại tệ: Trong rủi có may (16/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật