Chọn phương thức điều hành tỷ giá
Tỷ giá VND/USD đang đứng trước nguy cơ tăng. Bên cạnh những giải pháp kiềm chế, việc lựa chọn phương thức điều hành tỷ giá là rất quan trọng.
Sau khi được điều chỉnh vào tháng 2/2011, với tốc độ tăng cao nhất so với các lần điều chỉnh trước đó, khiến tốc độ tăng giá USD tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 3/2011 (mức tăng tổng cộng trong 2 tháng này là 4,03%, bằng gần một nửa tốc độ tăng bình quân cả năm thời kỳ 2008 - 2010). Thế nhưng, giá USD đã giảm 4 tháng liền sau đó (với tốc độ giảm 3,51%), góp phần làm cho tốc độ tăng giá USD sau 7 tháng chỉ tăng nhẹ (0,06%), một tốc độ tăng thấp hiếm thấy so với cùng kỳ mấy năm trước đó.
Kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân, từ các yếu tố tác động tới cung - cầu ngoại tệ đến các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp kiểm tra, thanh tra thị trường ngoại tệ với các bộ, ngành, địa phương…
Tuy nhiên, giá USD trong tháng 8 và tháng 9 đã có xu hướng tăng (2 tháng này tăng 1,06%) và có khả năng tăng cao hơn trong mấy tháng tới. Lý giải về sự tăng lên này, theo các chuyên gia, là do sự đáo hạn của các khoản vay ngoại tệ đã tăng với tốc độ cao gấp nhiều lần so với tốc độ tăng vay của nội tệ. Nguyên nhân này cộng hưởng với nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng vào cuối năm thường cao hơn so với các thời gian khác trong năm. Ngoài ra, giá USD tăng còn do quan hệ cung - cầu trên thị trường chưa được cải thiện. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam năm nay tăng không đáng kể so với năm trước.
Bên cạnh những giải pháp kiềm chế sự tăng giá USD như kiềm chế nhập siêu, giới hạn đối tượng cung ứng ngoại tệ, đẩy mạnh thu hút ngoại tệ từ các nguồn, kiềm chế lạm phát để ổn định tâm lý, ổn định giá vàng trong nước… và các biện pháp đã thực hiện có kết quả từ sau Nghị quyết 11/NQ-CP, cần đặc biệt quan tâm đến phương thức điều hành tỷ giá.
Việc điều hành tỷ giá thời gian qua có 2 phương thức, gọi một cách nôm na là “giật cục” và “trườn bò”.
Phương thức “giật cục” có nhược điểm là tính định kỳ của việc điều chỉnh (mấy lần gần đây thường 6 tháng/lần), dễ làm cho các nhà đầu tư ngoại tệ, đặc biệt là các nhà đầu cơ biết trước và đón đầu “sóng cao” để trục lợi. Tác động cộng hưởng tâm lý của phương thức “giật cục” mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý kỳ vọng lạm phát…
Phương thức “trườn bò” được thực hiện thông qua tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Phương thức này không có tính định kỳ, nên các nhà đầu cơ rất khó “đón lõng” và tác động cộng hưởng của tâm lý bị hạn chế. Mức độ điều chỉnh mỗi lần không lớn, sóng nhỏ, nên việc “lướt sóng”của các nhà đầu cơ khó thực hiện.
Sau lần điều chỉnh lớn hồi tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng phương thức “trườn bò”. Thời gian đầu, xen kẽ “trườn bò tiến”, đã có “trườn bò lùi” (tức là giảm). Nhưng thời gian sau đó, hầu như chỉ có “trườn bò tiến” và gần đây “trườn bò tiến” với nhịp độ khá nhanh. Tính từ mức 20.608 VND/USD, sau 7 lần điều chỉnh, đến ngày 13/10, tỷ giá đã tăng lên mức 20.678 VND/USD, tức là đã tăng 70 đồng (tương đương mức tăng 0,34%); nếu so với mức 20.628 VND/USD (giá USD thời điểm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm tăng không quá 1%, tức sẽ không vượt 20.834 đồng), thì tăng 50 đồng (tăng 0,24%), bằng 1/4 mức 1% theo Thông điệp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối năm.
Nói cách khác, theo thông điệp này, từ nay đến cuối năm, tỷ giá liên ngân hàng có thể “trườn bò” lên 20.834 VND/USD; với biên độ ±1%, thì tỷ giá giao dịch trên thị trường chính thức cao nhất sẽ ở mức 21.042 VND/USD. Nếu quản lý tốt, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do từ nay đến cuối năm, có thể chỉ ở mức dưới 22.000 VND/USD.
Minh Nhung
đầu tư
|