Chủ Nhật, 16/10/2011 16:10

Tín dụng ngoại tệ: Trong rủi có may

Trong hàng loạt những con số liên quan đến tỷ giá hối đoái được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tuần trước như thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, kiều hối, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp nước ngoài... có một số liệu đáng chú ý. Đó là đến ngày 29-9-2011 dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm 792 triệu đô la Mỹ, tức giảm 2,71% so với cuối tháng 8-2011. Các doanh nghiệp vay ngoại tệ đang tìm cách trả nợ, thậm chí trả trước hạn, tín dụng ngoại tệ sẽ còn giảm mạnh từ nay đến cuối năm.

Từ chỗ 20.600 đồng/đô la Mỹ vào tháng 5-6 lên 21.600 đồng/đô la Mỹ vào đầu tháng 10-2011, tỷ giá thị trường tự do đã tăng 4,85% - một mức tăng báo động đối với khách hàng vay ngoại tệ. Dù muốn hay không sự biến động của tỷ giá thị trường tự do cũng tác động đến tỷ giá chính thức, nhất là trong bối cảnh NHNN đã phát đi tín hiệu tỷ giá ổn định nhưng không cố định. Đối với các nhà xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, sự biến động trên không mấy ảnh hưởng, nhưng với các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ là cả vấn đề lớn. Chỉ cần tỷ giá “nhúc nhích” thêm chút nữa, coi chừng sự chênh lệch tưởng rằng thuận lợi kia biến thành con số không.

Lý do chính đằng sau việc tỷ giá tăng là bởi đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang phục hồi mạnh so với các ngoại tệ khác. Sự mất giá trở lại của các đồng tiền khu vực so với đô la Mỹ đang được khẳng định. Đồng tiền Việt Nam không thể nằm ngoài sự chuyển động này nhằm tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu so với các mặt hàng cùng chủng loại của khối ASEAN và châu Á, nhất là hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, chè...

NHNN cam kết đến cuối năm tỷ giá biến động không quá 1%. Cam kết này cho đến giờ vẫn được giữ vững. Đây là một cam kết cho một thời gian dài, gần 11 tháng kể từ lần điều chỉnh tỷ giá gần nhất vào đầu tháng 2-2011. Còn đến quí 1 năm sau tỷ giá sẽ thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Để dự báo chuyển động tỷ giá, cần xem xét những động thái có tính dọn đường.

Từ ngày 10-10-2011 lãi suất tái cấp vốn được nâng từ 14 lên 15%/năm; lãi suất  cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14 lên 16%/năm; lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại NHNN giảm từ 0,1 xuống 0,05%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng mạnh nhất, thêm 2 điểm phần trăm là do thời gian qua nhiều ngân hàng đã cố tình “chiếm dụng” các khoản chuyển tiền liên ngân hàng trong ngày. Tiền của khách hàng chuyển từ ngân hàng A qua ngân hàng B lẽ ra phải đến địa chỉ người nhận trong ngày, nhưng đến tận hôm sau mới tới nơi. NHNN phải cho vay bắt buộc nếu cuối ngày tiền vẫn chưa đến ngân hàng B. Lãi suất 14%/năm ngang với trần nên “chiếm dụng” có lợi. Nay lãi suất lên 16%/năm, cái lợi kia không còn!

Việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc ngoại tệ khiến chi phí đầu ra ngoại tệ tăng lên, hàm ý gây khó khăn cho tín dụng ngoại tệ. Trong khi đó tăng lãi suất tái cấp vốn phát đi tín hiệu cung tiền vẫn được đưa ra nhưng với chi phí đắt đỏ hơn. Nói cách khác “mặt hàng” tiền đồng tăng giá. Ở đây cam kết ổn định giá trị đồng nội tệ của Nhà nước đang được xúc tiến mạnh mẽ.

Trong chính sách kiềm chế lạm phát, cần thấy rằng trong chưa đầy hai tháng qua NHNN đã bán ra khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ để ổn định tỷ giá, tương đương hút vào khoảng 31.000 tỉ đồng. Số tiền hút vào là vô thời hạn, trong khi lượng tiền bơm ra trên thị trường mở có tăng về số lượng và kỳ hạn, nhưng kỳ hạn chỉ 14 ngày. Lãi suất tái cấp vốn “nảy” lên trên cái nền tăng cường kiểm soát cung tiền đồng đó, rõ ràng, không thể không đụng chạm đến ý định găm giữ ngoại tệ nhằm đầu cơ, nếu có.

Ai cũng biết muốn găm giữ ngoại tệ phải có nguồn tiền đồng dồi dào. Một mặt tỷ giá thị trường tự do biến động, cái may trong cái rủi là đẩy tín dụng ngoại tệ thu hẹp khi người vay lo trả nợ còn người chuẩn bị vay sẽ không vay nữa. Nên nhớ tín dụng ngoại tệ là một trong những áp lực lớn nhất lên tỷ giá hiện nay. Nó đang được giải tỏa dần dần. Mặt khác khi tín dụng ngoại tệ giảm, tín dụng tiền đồng sẽ nhận được hỗ trợ tăng lên, đặc biệt khi lãi suất đầu ra đang được nhiều ngân hàng cho vay ở mức 17-19%/năm. Lãi suất tái cấp vốn không nhắm đến tăng trưởng tín dụng tiền đồng. Vai trò của nó là hỗ trợ thanh khoản. Găm giữ ngoại tệ có thể dẫn đến mất cân đối nguồn vốn là điều mà các ngân hàng đang tránh.

Ba phân khúc đồng Việt Nam - ngoại tệ - vàng trên thị trường tiền tệ đang nằm trong mối quan hệ khăng khít và sự điều hành tỏ ra ăn khớp với nhau. Tuy vậy sự đầu cơ thoắt ẩn thoắt hiện, nó đang ứng phó rất mau lẹ. Từ đầu cơ lãi suất tiền đồng, sang vàng, sang ngoại tệ... các bước nhảy đều diễn ra trong thời gian ngắn. Thời gian trụ lại ngày càng ngắn của một chu kỳ đầu cơ đòi hỏi phản ứng kịp thời và đi trước đón đầu của chính sách điều hành.

Lưu Hảo

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lên 23%/năm (16/10/2011)

>   Không còn lý do để giữ lãi suất cao (16/10/2011)

>   TS. Nguyễn Quang A: Cần rút giấy phép ngân hàng yếu kém (15/10/2011)

>   Tỷ giá ngân hàng và chợ đen đi ngược dòng (15/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng tăng tiếp 20 đồng (15/10/2011)

>   Ngân hàng lớn “đồng thuận” hưởng lợi (15/10/2011)

>   Có thể giảm một nửa số ngân hàng cổ phần tư nhân (15/10/2011)

>   Các ngân hàng phía Nam cũng cam kết tuân thủ trần lãi suất (14/10/2011)

>   Dùng tiếp “của để dành” cho tỷ giá (14/10/2011)

>   Ổn định tỷ giá: “Mong manh” cam kết 1% (14/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật