Dùng tiếp “của để dành” cho tỷ giá
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD lại có thêm bước tăng nữa. “Của để dành” theo định hướng điều hành đang vơi dần…
Hôm nay (14/10), tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng thêm 10 VND lên 20.688 VND. Đây là lần thứ sáu liên tiếp tỷ giá này được điều chỉnh kể trong hơn một tuần trở lại đây.
Kể từ thời điểm ngày 11/2/2011, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tới 9,3% tỷ giá này, thị trường mới ghi nhận những bước tăng liên tiếp như vậy. Diễn biến đó được đón nhận ở những suy tính khác nhau.
Thứ nhất, như đề cập ở bản tin trước, trong bối cảnh bình thường, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tăng tỷ giá như vậy là một thông điệp “đánh động” đối với các nhu cầu vay ngoại tệ; cùng với các giải pháp khác đã và đang triển khai để hãm phanh tin dụng ngoại tệ vốn bùng nổ trong thời gian qua. Nhưng, ở tính huống này có sự mâu thuẫn, bởi Ngân hàng Nhà nước đã cho đáp án trước rằng, đến cuối năm có điều chỉnh cũng không quá 1%.
Thứ hai, cùng thời điểm này năm ngoái, tỷ giá USD/VND bước vào kỳ căng thẳng leo thang, mà một áp lực chính cũng là từ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trước đó. Liệu năm nay điều đó có lặp lại? Câu trả lời gián tiếp là một loạt báo cáo phân tích vừa ra lò của các tổ chức trong và ngoại nước đều nhấn mạnh ở áp lực cầu ngoại tệ để trả nợ cuối năm, dù khó đong đếm một cách cụ thể.
Thứ ba, tỷ giá liên tiếp tăng phản ánh một thực tế cầu ngoại tệ đang cao, và điều này có thể còn có tác động từ hoạt động bán vàng bình ổn của bảy tổ chức tín dụng với khối lượng lớn những ngày qua, đi cùng là yêu cầu ngoại tệ mua vàng vào cân đối ở tài khoản ở nước ngoài. Thực tế, qua sáu lần tăng liên tiếp vừa qua, các ngân hàng thương mại đều đồng loạt nâng giá USD bám trần trên biểu niêm yết; thậm chí sáng nay giá mua vào chuyển khoản tại Ngân hàng Á châu (ACB) đã lên tới 20.893 VND, tức chỉ cách trần có 2 VND - khoảng cách ít thấy kể từ thời điểm tháng 2/2011.
Thứ tư, việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước “đương nhiên” là phản ứng bám sát diễn biến của thị trường. Nó cũng có giá trị tích cực là góp phần hỗ trợ xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, dù quãng điều chỉnh này chưa thực sự lớn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cũng nhằm giữ ổn định thị trường ngoại hối mà thực tế là đến thời điểm này vẫn khá bình yên.
Nhưng, thứ năm, điểm được quan tâm là mức “của để dành” không quá 1% từ nay đến cuối năm đang bị hao hụt. Qua sáu lần liên tiếp đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng khoảng 0,3% so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng, đồng nghĩa với dư địa theo định hướng còn khoảng 0,7%. Liệu chừng đó có đủ đề dùng cho yêu cầu cân đối những tháng cuối năm, đó là chưa loại trừ có thể có những biến động mạnh trên thị trường tác động đến tỷ giá? Phía sau câu hỏi này, một tình huống “ngược” cũng có thể xẩy ra là VND lại lên giá.
Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã trù tính. Thời gian qua nhà điều hành đã liên tục đưa ra những phân tích các yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm. Qua đó, các điều kiện cũng đã có nhiều khác biệt so với những năm trước, đặc biệt là trạng thái thặng dư của cán cân tổng thể, nhập siêu được kiềm chế tốt hơn, hay những biện pháp đánh vào lợi ích của các nhu cầu nắm giữ, đầu tư ngoại tệ…
Cũng như câu hỏi trên, trong trường hợp tỷ giá USD biến động mạnh và liệu lượng điều chỉnh không quá 1% đó đã đến giới hạn, áp lực đối với dự trữ ngoại hối sẽ như thế nào?
Trong khi đó, một số quan điểm lại suy tính rằng, nếu từ nay đến cuối năm tăng không quá 1%, thì khả năng lò xo bị nén và được giải phóng ngay đầu năm 2012. Đây là khả năng còn để ngỏ. Còn theo dự báo của nhóm nghiên cứu Ngân hàng ANZ vừa công bố, VND sẽ tiếp tục giảm giá 3% - 4% trước khi kết thúc quý 1/2012.
Minh Đức
TBKTVN
|