Thứ Sáu, 14/10/2011 15:21

Lại đồng thuận!

Ngày 12/10 vừa qua, trong cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng, lãnh đạo 16 ngân hàng đã ký cam kết không vượt trần hai mức lãi suất 14% và 6% theo quy định tại Thông tư 30 của NHNN. 16 ngân hàng gồm: Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Agribank, VDB, Techcombank, Maritime Bank (MSB), VIBank, VPBank, PGBank, BaoVietBank, GPBank, MBB, Oceanbank, SHB, BacABank (NASB) và TienPhongBank.

Câu chuyện đồng thuận không có gì mới. Riêng trong năm 2010, các ngân hàng Việt Nam đã có 3 - 4 lần đồng thuận lãi suất và lần cuối cùng họp đồng thuận vào trung tuần tháng 12/2010 với đại diện của hơn 50 NHTM, tổ chức tín dụng trên cả nước. Một trong những nội dung đạt được sự "thống nhất cao" là lãi suất huy động ở mức 14%/năm; nếu có áp dụng chương trình khuyến mãi thì lãi suất không quá 15%/năm… Tuy nhiên, câu chuyện diễn ra tiếp theo như thế nào thì tất cả mọi người đều biết.

Việc "chạy đua vượt rào" đã ngày càng "sôi nổi" và "quyết liệt", bởi không chỉ là sự phá rào của các ngân hàng cỡ nhỏ mà ngân hàng cỡ trung bình, lớn và thậm chí cả các ngân hàng có vốn của Nhà nước cũng "nhiệt tình" tham gia! "Việc phá đồng thuận cũng được 'thống nhất' rất nhanh là chuyện bình thường bởi các ngân hàng đều vì lợi ích riêng", một chuyên gia ngân hàng kết luận. Vậy, liệu Hiệp hội Ngân hàng và kể cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đạt được kỳ vọng trong câu chuyện đồng thuận lần này?

Xung quanh câu chuyện đồng thuận vừa diễn ra, trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Tú, Tổng giám đốc TienPhongBank cho rằng, nếu so sánh câu chuyện này với chuyện tương tự cuối năm ngoái thì sẽ khập khiễng bởi hoàn cảnh đã khác. Ông Tú phân tích, thứ nhất: NHNN đã thể hiện thái độ rất cương quyết đối với các trường hợp vi phạm quy định. Đồng thời, các giải pháp hành chính cũng như các giải pháp kinh tế đã được thực thi; thứ hai: nội lực của các ngân hàng gần đây cũng khác so với trước (báo cáo gần đây nhất của NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ, tình hình thanh khoản đã được cải thiện); thứ ba: tình hình kinh tế vĩ mô có chiều hướng tốt thể hiện ở chỉ số CPI bắt đầu đi xuống. Trong khi đó, các danh mục đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… vẫn rất rủi ro.

"Do vậy, ngân hàng nào cũng thấy đây là việc cần thiết để bảo vệ quyền lợi chung, đặc biệt, ba lý do trên cho thấy đây là cơ hội tốt nhất để duy trì trần lãi suất huy động 14%/năm", ông Tú nói.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao một NHTM khác nói: "Các lãnh đạo ngân hàng vui vẻ, cười và ký vào đồng thuận nhưng trong lòng thì chắc chắn không biết là nên vui hay buồn". Vị lãnh đạo trên cho biết thêm, bản thân ngân hàng của ông vẫn đang thực hiện nghiêm quy định chứ không dám "vượt rào" bởi NHNN đã "kẻ vạch" rồi, anh nào "thò chân hay thò tay ra" là bị "chặt cụt" ngay nên cũng "sợ". Trong khi đó, các ngân hàng đang huy động với lãi suất cao 18 - 19%/năm mà bây giờ còn 14%/năm đã gây rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn mà việc tìm vốn ở các kênh huy động khác là điều không dễ dàng.

"NHNN cần có biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ bởi các ngân hàng nhỏ phải vay ngân hàng lớn với lãi suất cao trong khi hiện các ngân hàng lớn cũng đang hạn chế cho vay", vị lãnh đạo này nói.

Còn lãnh đạo cao cấp của một NHTM khác cho biết, ông không đến dự cuộc họp ký kết đồng thuận nên ông không biết các vị lãnh đạo ngân hàng khác ký với... tinh thần nào. Nhưng đối với riêng cá nhân ông, việc đồng thuận và sau đó phá đồng thuận không có gì mới, lạ, bởi các ngân hàng đã làm như vậy với nhau rất nhiều lần và câu chuyện thì "xưa nay vẫn thế". Vị lãnh đạo trên nói: "Đồng thuận là thể hiện ý chí của các ngân hàng quyết tâm làm như vậy, nhưng việc thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào chủ quan, khách quan và nhiều điều khác. Nhưng điều quan trọng nhất là, bây giờ không phải là câu chuyện đồng thuận mà là quy định của luật pháp. Luật là như vậy, các ngân hàng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp nghiêm. Chỉ khi không có luật mà thị trường quá biến động mới nên đồng thuận".

Nhuệ Mẫn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Vòng quay vàng (14/10/2011)

>   Nghiêm trần lãi suất: “Bỗng nhiên nhà ngự mặt tiền”… (14/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng tăng ngày thứ sáu liên tiếp lên 20.688 đồng (14/10/2011)

>   Giải mã nguyên nhân USD tăng giá (14/10/2011)

>   Nhiều áp lực khi tiền không vào ngân hàng (14/10/2011)

>   Hiệp hội Ngân hàng không đề nghị áp trần lãi suất liên ngân hàng (14/10/2011)

>   G5 + 1 và nỗi lo lợi ích nhóm (14/10/2011)

>   Lãi suất gửi vàng tăng cao (13/10/2011)

>   Có nên bảo vệ đồng tiền của nước khác? (13/10/2011)

>   Gần 29.000 tỉ đồng giao dịch qua thẻ trong 9 tháng (13/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật