Thứ Sáu, 14/10/2011 15:25

Ổn định tỷ giá: “Mong manh” cam kết 1%

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lên mức 20.678 VND/USD bắt đầu từ ngày 13/10, tăng 50 đồng so với mức 20.628 VND/USD được áp dụng kể từ tháng 6.

Cuối năm luôn là giai đoạn nhu cầu USD tăng cao

Cộng với biên độ giao dịch, tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM vào khoảng 20.875 đồng và trên thực tế, sau quyết định của NHNN, các ngân hàng như BIDV, Eximbank (EIB), ACB, Vietcombank (VCB) đã ngay lập tức đẩy tỷ giá lên kịch trần. Tuy nhiên, trên thị trường tự do, giá USD lại có chiều hướng chững lại sau thời gian tăng nóng, hiện chỉ còn 21.300 đồng.

Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, giữ tỷ giá cố định trong khoảng thời gian quá dài trong giai đoạn giữa năm 2011 là sự điều hành "không chuẩn", không đúng nguyên tắc của NHNN là điều hành linh hoạt và theo quy luật thị trường. Chính vì vậy, nó dẫn đến hệ quả là mỗi khi NHNN điều chỉnh tỷ giá hối đoái liên ngân hàng thì ngay lập tức, các NHTM niêm yết giá kịch trần và khoảng cách giữa mua, bán là rất nhỏ.

"Điều này chứng tỏ, tỷ giá niêm yết trước đó không thực, niêm yết chỉ để niêm yết, còn các giao dịch phải sử dụng các tỷ giá khác và ẩn dưới các loại phí khác nhau", ông Ánh nói và cho rằng, chính vì NHNN cố định tỷ giá thời gian quá dài nên mỗi khi trong hệ thống chính thức có vấn đề sẽ phản ánh ngay ra thị trường phi chính thức, khiến cho nhiều thời điểm, thị trường ngoại tệ phi chính thức tăng vọt một cách bất thường.

Theo các chuyên gia ngân hàng, động thái tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN là bất khả kháng, bởi giá mua/bán USD trên thị trường tự do thời gian qua cao hơn nhiều so với giao dịch trong ngân hàng nên nguồn cung ứng USD từ khu vực dân cư hầu như ngừng hẳn. Không ai sở hữu ngoại tệ muốn bán cho ngân hàng khi giá niêm yết có thời điểm thấp hơn gần 900 VND/USD so với thị trường tự do; trong khi đó, nhu cầu USD ngày càng gia tăng.

Ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, nhiều DN đã vay USD để tận dụng lãi suất thấp giai đoạn đầu năm nay, hiện đến thời điểm phải trả. Bên cạnh đó, khoản vay của các ngân hàng trong nước với các định chế tài chính nước ngoài cũng đến thời điểm đáo hạn. Đồng thời, cuối năm luôn là giai đoạn nhu cầu USD tăng cao khi các DN cần USD nhập khẩu hàng hóa phục vụ lễ, tết… Những điều này sẽ gây áp lực lên cam kết ổn định tỷ giá của NHNN.

Mặc dù trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng cho biết họ không căng thẳng thanh khoản ngoại tệ, nhưng theo các chuyên gia ngân hàng, đó là câu trả lời có phần "giấu giếm". Nếu nhìn vào cán cân tổng thể thì tín dụng bằng ngoại tệ và số dư tiền gửi bằng ngoại tệ đang có sự chênh lệch rất lớn (hết tháng 7/2011 chênh lệch lên tới 7 tỷ USD). Có những ngân hàng cho vay ngoại tệ gấp 1,6 lần số huy động được, điều này có nghĩa là phần chênh lệch họ phải xoay xở từ nguồn tiền khác để cho vay lại.

"Tỷ lệ an toàn là 0,8 - tức là nhận huy động 100 đồng chỉ được cho vay 80 đồng. Các ngân hàng đang dựa vào thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc tạo áp lực trên thị trường ngoại hối", một chuyên gia nhận định.

Đồng tình với nhận định này, ông Tai Hui cũng quan ngại, nếu các khoản vay USD không được hoàn trả khi đến kỳ đáo hạn vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012 thì sự cân đối giữa nguồn cung USD và nhu cầu VND có thể bị đảo ngược, gây áp lực lên VND. Điều này có nghĩa là NHNN rất khó gây áp lực thu hẹp lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ nếu không được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như khả năng thu hẹp thâm hụt thương mại, dự trữ tăng lên và lạm phát giảm mạnh.

"Do đó, chúng tôi nhìn thấy được khả năng VND bị mất giá nhẹ trong năm 2012 bởi sự mất cân bằng tiền tệ", ông Tai Hui nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Ánh, tình trạng ngoại hối cuối năm nay nói chung không căng thẳng như 2 năm trước. Ông Ánh phân tích, nhập siêu tính đến tháng 9/2011 ước tính 6,84 tỷ USD, bằng khoảng 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ, FDI cam kết có giảm nhưng vốn thực hiện lại tăng… Nói cách khác, thị trường ngoại hối vẫn khá cân đối trong cán cân tài khoản vốn. Từ đó, NHNN đã và sẽ tiếp tục tăng được dự trữ ngoại hối. Đồng thời, từ tháng 2/2011 đến nay, NHNN có nhiều biện pháp mạnh liên quan đến tiền gửi ngoại tệ, sự kiên quyết này đã tạo ra một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ dân cư vào hệ thống ngân hàng.

"Các vấn đề xấu vẫn tồn tại, nhưng những tín hiệu khả quan đã xuất hiện nhiều hơn. Hiện tại, diễn biến tỷ giá như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức điều hành của NHNN", TS. Ánh nhấn mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn chung nhận định, mục tiêu của NHNN giữ tỷ giá dao động quanh mức 1% từ nay đến cuối năm là rất "mong manh".

Hồng Dung

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lại đồng thuận! (14/10/2011)

>   Vòng quay vàng (14/10/2011)

>   Nghiêm trần lãi suất: “Bỗng nhiên nhà ngự mặt tiền”… (14/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng tăng ngày thứ sáu liên tiếp lên 20.688 đồng (14/10/2011)

>   Giải mã nguyên nhân USD tăng giá (14/10/2011)

>   Nhiều áp lực khi tiền không vào ngân hàng (14/10/2011)

>   Hiệp hội Ngân hàng không đề nghị áp trần lãi suất liên ngân hàng (14/10/2011)

>   G5 + 1 và nỗi lo lợi ích nhóm (14/10/2011)

>   Lãi suất gửi vàng tăng cao (13/10/2011)

>   Có nên bảo vệ đồng tiền của nước khác? (13/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật