Lãi suất lại bước sang chiều hướng mới
Phản ứng đầu tiên sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng một loạt lãi suất chỉ đạo vào đầu tuần trước đó là lãi suất cho vay giữa các ngân hàng tăng vọt. Tình hình này sớm muộn sẽ tác động tới lãi suất trên thị trường.
Theo ghi nhận của ĐTCK, các ngân hàng cho vay trên thị trường liên ngân hàng (chủ yếu các ngân hàng lớn) hầu hết đẩy lãi suất chào vay lên mức 17-20%/năm tùy thời hạn, trong đó, kỳ hạn ngắn lãi suất cao hơn. Đặc biệt, chia sẻ với ĐTCK, tổng giám đốc một NHTM cho biết, chiều ngày 14/10, có thời điểm ngân hàng này được chào với mức lãi suất lên tới 30%/năm.
Ngân hàng lớn kiếm lời?
Nhận định về tình hình trên, ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt cho rằng, hình như các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, có điều kiện về thanh khoản đang "thủ thế", không mạnh dạn cho vay trên liên ngân hàng.
Phân tích về việc "thủ thế" này, ông Vũ nhận định, thứ nhất, có thể các ngân hàng lo ngại khả năng sẽ có sự căng thẳng thanh khoản trên hệ thống nên phải lo dự phòng cho bản thân; thứ hai, còn nhiều ngân hàng khát vốn nên vẫn chấp nhận vay kể cả khi lãi suất tăng rất cao. Nhưng kể cả như vậy, nhiều khi cũng không vay được.
"Họ [các ngân hàng lớn] cho vay nhưng cũng sợ không đòi được vốn, mà đây lại là nguồn ngắn hạn nên để an toàn và bảo đảm, cứ vốn giắt lưng cho 'chắc dạ'", ông Vũ nói.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương nhận định, các ngân hàng lớn đang giảm hạn mức cho vay trước đây, đồng thời, tăng điều kiện về tài sản đảm bảo đối với các ngân hàng có nhu cầu vay vốn. Điều này cho thấy quan điểm thận trọng của các ngân hàng lớn khi đánh giá về thanh khoản của ngân hàng nhỏ. Cũng theo bà Hương thì tình trạng căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng có tính chu kỳ, mọi năm thường xảy ra vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu chi trả tăng lên. Nhưng năm nay xảy ra khá sớm, điều này cũng phản ánh rõ khó khăn của các ngân hàng trong huy động vốn trên thị trường.
Đồng quan điểm này, ông Cao Văn Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín chia sẻ, chính sách trần lãi suất huy động 14%/năm tác động mạnh đến các ngân hàng không nằm trong nhóm "gốc quốc doanh". Khi quyền lợi về lãi suất không còn chênh lệch, người gửi tiền tự chuyển sang nơi được cho là "an toàn hơn" và đó thường là các ngân hàng lớn, có thời gian hoạt động lâu. Thực tế cho thấy, cuối tháng 9 đầu tháng 10, các ngân hàng lớn này nhận dòng tiền gửi từ dân cư rất lớn, còn huy động tiết kiệm của các ngân hàng nhỏ liên tục sụt giảm.
Như vậy, các ngân hàng nhỏ bị sụt giảm huy động sẽ cần tiền bù lại trong ngắn hạn. Huy động dân cư khó và họ buộc phải tìm tới các ngân hàng lớn dư thừa vốn, vấn đề là phải "ngậm trái đắng" với lãi suất rất cao để có tiền.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông, kinh doanh trên thị trường là phải chấp nhận có những lúc các ngân hàng cho vay với giá rẻ thì cũng có những lúc họ sẽ bán với giá cao. Đó là quyền của ngân hàng thừa vốn và họ không phạm luật.
Đồng quan điểm này, ông Phan Đào Vũ cho rằng, ở đây không hẳn là câu chuyện "cá lớn nuốt cá bé", bởi mục đích cuối cùng của doanh nghiệp cũng chỉ là kinh doanh an toàn và hiệu quả.
Căn nguyên!
Trong một tương quan khác, lãnh đạo cao cấp một NHTM nhận định, NHNN là nơi cuối cùng điều tiết hoạt động trong hệ thống, chủ định của NHNN như thế nào trong câu chuyện này mới là điều quan trọng. Có vẻ như NHNN đang "kiểm tra" trong hệ thống, ngân hàng nào có khả năng chi trả và ngân hàng nào không, bởi với các công cụ của mình, mặc dù tuần vừa qua, NHNN có bơm ròng cho các NHTM, nhưng số lượng khá thấp và chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Còn theo lãnh đạo một NHTM khác thì việc lãi suất biến động mạnh như vừa qua dường như còn có nguyên nhân là chính sách của NHNN ban hành chưa thực sự đồng bộ nên chưa giải quyết được hết vấn đề, như một quả bóng, "bóp" chỗ này thì "phồng" ra chỗ khác.
Vị này ví dụ: đồng thuận lãi suất 14%/năm nhưng NHNN lại không có chính sách đối với thị trường liên ngân hàng, không những nới mà thậm chí siết chặt kênh cấp vốn của mình với các NHTM. Nếu trước đây, ngân hàng có 500 tỷ đồng giá trị trái phiếu chính phủ, có thể thế chấp lấy được 400 tỷ đồng từ NHNN với lãi suất thấp hơn thị trường huy động từ dân cư thì nay chỉ có thể vay được 100 tỷ mà lãi suất lại cao hơn 14%/năm.
Do vậy, nếu NHNN không có những biện pháp tích cực sẽ rất nguy hiểm cho thị trường trong việc giữ trần lãi suất huy động 14%/năm theo đúng quy định, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu quyết liệt giảm lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm của NHNN.
"Khi lãi suất liên ngân hàng đã vượt trên 20%/năm và nếu để kéo dài, kịch bản cũ được lặp lại là các ngân hàng sẵn sàng huy động vượt rào 16-17%/năm là điều có thể hiểu được. Hoặc là để chết dần hoặc là cứ vượt rào, nếu NHNN không phát hiện ra thì "ngon", còn nếu phát hiện ra thì cũng chỉ là chết dần thôi", vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Điều thị trường mong chờ nhất là sự can thiệp từ NHNN. Bên cạnh áp dụng quyết liệt các biện pháp hành chính - xử phạt nghiêm ngân hàng "vượt rào" cần phải có biện pháp kinh tế - tạo kênh dẫn vốn đến các ngân hàng thực sự cần vốn. Trong thông điệp được phát ra sau cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng lớn (G12) đầu tháng này, NHNN đã khẳng định, sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của thị trường, không để bất kỳ tổ chức tín dụng nào mất khả năng thanh khoản.
Do vậy, lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, giải pháp được NHNN đưa ra phải có định hướng ngắn - trung - dài hạn. Ví dụ, trong ngắn hạn quyết liệt như hiện nay là tốt nhưng cần áp dụng đồng bộ cho các kênh khác nhau, đồng thời, có tính đến phân khúc từng nhóm ngân hàng khác nhau (có thể phân khúc theo nhiều tiêu chí như quy mô, năng lực tài chính...). Còn trung và dài hạn thì bản thân NHTM cần có cải thiện về khả năng tài chính và khả năng quản lí nhưng đối với NHNN, các chính sách tiền tệ cần phải hạn chế mệnh lệnh hành chính.
"Việc điều hành bằng mệnh lệnh là cần thiết trong những thời điểm nóng nhưng không thể kéo dài, thị trường cần phải được vận hành theo nguyên lý thị trường. Khi có các phần tử đi chệch lại nguyên lý thì biện pháp mạnh là cần thiết. Nhưng "đòn roi" cũng cần phù hợp với thằng Cả, thằng Hai... thằng Út. Chứ đánh đòn như nhau thì thằng Út… chắc chết", lãnh đạo cao cấp một ngân hàng nhấn mạnh.
Thị trường tiền tệ vẫn "đang chờ" hành động của NHNN.
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán
|