Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Sáp nhập hay bơm vốn để “giải cứu”?
(Infonet) – Có hàng loạt các rào cản và khó khăn cần vượt qua để việc sáp nhập hay bơm vốn cho các ngân hàng khó khăn thanh khoản diễn ra hiệu quả.
* Quy mô Tổng tài sản, Vốn điều lệ của các NHTM Việt Nam
Thời cơ đã chín muồi?
Tâm điểm của thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua là câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Gần đây, NHNN đã áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn như như áp trần lãi suất huy động 14%/năm một cách nghiêm ngặt, nâng lãi suất tái cấp vốn từ 14% lên 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm từ 14% lên 16%/năm… Sau các động thái này, một hệ lụy mà giới phân tích có thể đoán định từ trước là khó khăn thanh khoản của nhóm ngân hàng yếu kém dần lộ diện.
Điều này được thể hiện khá rõ trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất liên kỳ hạn 1 tháng trên thị trường này liên tục leo thang và đã có thông tin tăng lên đến mức 40%/năm trong vài ngày qua.
Căng thẳng thanh khoản từ nhóm ngân hàng yếu kém là có thực, và đây không phải là câu chuyện mới mẻ. Trong giai đoạn bất ổn năm 2008, lãi suất liên ngân hàng cũng có thời gian tăng vọt kỷ lục, xuất phát từ nhóm ngân hàng này. Lãi suất thị trường khó kéo giảm trên thực tế cũng chủ yếu do sự “phá bĩnh” của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và yếu thanh khoản.
Với việc khoanh vùng nhóm ngân hàng cần “chăm sóc” đặc biệt trong thời gian qua, NHNN đang thể hiện quyết tâm tận dụng cơ hội lặp lại này để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Lần này, hệ thống pháp luật đã được ban hành một cách quy củ sẽ giúp cho quá trình tái cấu trúc này diễn ra thuận lợi.
Thời cơ cũng có vẻ như đã chín muồi khi chủ trương này được nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI. Theo đó, “cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có số lượng phù hợp các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống”.
Những rào cản và khó khăn phải vượt qua khi sáp nhập
Theo báo cáo của NHNN, đến cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam bao gồm 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 5 NHTM nhà nước và NHTM có cổ phần chi phối của Nhà nước, 37 NHTM cổ phần, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, hơn 1,000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô.
Việc sáp nhập có thể diễn ra theo các kịch bản: (1) giữa các ngân hàng lớn với nhau, (2) giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, và (3) giữa các ngân hàng nhỏ với nhau. Kịch bản (2) và (3) có nhiều khả năng diễn ra nhất trên thực tế, và như vậy sẽ liên quan đến nhóm 37 NHTM cổ phần.
Như đề cập ở trên, thời cơ có vẻ như đã chín muồi để thực hiện việc củng cố lại hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, không phải là không có những rào cản và khó khăn cần phải vượt qua.
Đầu tiên là lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là ở các ngân hàng quy mô nhỏ. Đây phần lớn là các ngân hàng nông thôn được chuyển thành ngân hàng đô thị và các ngân hàng mới được thành lập hàng loạt trong giai đoạn 2006 – 2007. Các ngân hàng này thường có cổ đông chính là một số thể nhân và doanh nghiệp không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Trong đợt thanh tra vừa qua của NHNN, nhiều hoạt động đầu tư chứng khoán, bất động sản, ủy thác góp vốn… “nhùng nhằng” tại nhóm ngân hàng này đã được phát hiện. Vì vậy, không phải không có lý khi nói rằng nhóm ngân hàng này được “sản sinh” ra nhằm phục vụ cho một số nhóm lợi ích nhất định. Việc sáp nhập sẽ khiến lợi ích này bị tổn thương và vì vậy sẽ trở thành một trở ngại nếu không được dung hòa, trừ trường hợp bị bắt buộc sáp nhập.
Trên thực tế, nhóm ngân hàng nhỏ vẫn có những lý do tồn tại nhất định, phục vụ đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường nhất định. Vì vậy, việc sáp nhập cũng sẽ phải cân nhắc đến nhu cầu này của thị trường nhìn từ góc độ toàn hệ thống.
Một vấn đề không kém phần “đau đầu” là diễn biến hậu sáp nhập. Mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập vẫn là hiệu ứng cộng hưởng (synergy), ở đây có thể là hiệu quả kinh tế theo quy mô (tăng khách hàng, tiết kiệm chi phí), tận dụng hệ thống phân phối, mở rộng cơ sở khách hàng…
Tuy nhiên, sau sáp nhập liệu ngân hàng mới sẽ lớn nhưng có mạnh hay không, liệu những yếu kém hiện tại có thể bị loại trừ hay không? Cụ thể ở đây là vấn đề nợ xấu sẽ được quản lý và xử lý thế nào, hay những yếu kém trong quản trị (vấn đề muôn thuở của ngành ngân hàng Việt Nam) liệu có được cải thiện, rủi ro đạo đức bàn tán trong thời gian qua có giảm đi, … Rõ ràng những điều này là không hề đơn giản như chuyện lấy một ngân hàng nhỏ cộng một ngân hàng nhỏ thành ngân hàng lớn.
Với một môi trường hoạt động dễ bị dao động trước các tin hành lang, vai trò điều phối của NHNN là rất quan trọng. Có vẻ như cơ quan quản lý đang cực kỳ chú ý đến yếu tố này khi tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất và sẽ đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng cũng như an toàn của toàn hệ thống.
NHNN bơm vốn để “giải cứu” ngân hàng khó khăn?
Ngoài việc sáp nhập, một giải pháp khác được NHNN đề cập trong thời gian gần đây là cơ quan này sẽ bơm vốn để “giải cứu” các ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản, sau đó phần vốn này sẽ được chuyển thành vốn góp cổ phần.
Đây là phương thức tương tự mà Bộ Tài chính Mỹ và Fed đã áp dụng trong Chương trình giải cứu tài sản rủi ro (TARP) trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.
Trong trường hợp lý tưởng, đây được xem là một khoản đầu tư của chính phủ vào chính các ngân hàng, và khoản đầu tư này sẽ được thoái trong tương lại, đem lại mức sinh lời nhất định khi tình hình tài chính của các ngân hàng được cải thiện.
Tuy vậy, nếu việc rót vốn này diễn ra, việc quản lý khoản đầu tư cũng như quá trình thúc đẩy quản trị ngân hàng được rót vốn cũng sẽ làm nảy sinh không ít khó khăn, thách thức để đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả.
Hiện đang có tranh luận trong giới chuyên gia quốc tế về việc có nên sử dụng ngân sách công để “giải cứu” các ngân hàng (bail-out) hay là huy động các nguồn vốn tư nhân để thực hiện (bail-in) vì sự giám sát và minh bạch sẽ khả thi hơn.
Như Lan
|