Thứ Năm, 20/10/2011 15:31

Lãi suất liên ngân hàng lên 40%: Lớn 'luộc' bé?

Đỉnh của lãi suất liên ngân hàng chỉ sau một ngày đã tăng 10%. Từ mức 30% ngày 18/10, đến hôm qua có ngân hàng chào ra với ngân hàng bạn đến 40% ở kỳ hạn 1 tháng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục dậy sóng và không ngừng diễn biến xấu nửa tháng trở lại đây. Có phải đây chỉ là rủi ro thanh khoản tạm thời của hệ thống ngân hàng?

Cao cũng không dễ vay

Tình hình vay vốn trên thị trường liên ngân hàng càng lúc càng căng thẳng. Lãnh đạo một số ngân hàng như ACB, Vietcombank… đều cho biết, số ngân hàng chào vay vốn của họ đang tăng lên, tuy nhiên những vị này không tiết lộ mức lãi suất chào vay và lượng vốn đã cho vay trên thị trường này.

Cứu thanh khoản hay sáp nhập ngân hàng lúc này đang chờ lời giải.

Còn lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhỏ cũng xác nhận tình hình căng thẳng vốn tiền đồng. Trao đổi với Đất Việt chiều 19/10, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, họ đã chào với lãi suất cao ở 4 ngân hàng nhưng đều bị từ chối, không vay được vốn ở thị trường này. Theo vị này, chính nguồn cho vay hạn chế đã nảy sinh tình trạng đầu cơ lãi suất, khiến lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng cao. “Lãi suất trúng thầu trên thị trường mở ngày 19/10 kỳ hạn 1, 2 tuần khoảng 14%, nhưng lãi suất liên ngân hàng được chào tới 30%, 35% vẫn… không vay được. Nếu cho vay với mức này, các ông lớn đã quá hời, vậy mà vẫn không vay được. Có chăng là các ngân hàng “lớn” muốn “luộc” ngân hàng bé”, ông này đặt vấn đề. 

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, thẳng thắn: “Lãi suất cho vay chỉ là một chuyện, chúng tôi phải nhìn đến tiềm năng trả nợ của ngân hàng đi vay và quan trọng hơn là phải bảo vệ mình trước các rủi ro nếu có, nên việc không cho vay cũng là dĩ nhiên. Vả lại, NHNN mới là nơi cho vay cuối cùng chứ không phải là nhiệm vụ của các ngân hàng khác”.

Sẽ có sáp nhập ngân hàng?

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang tăng cao và nhìn vào đồ thị này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, tình hình đang diễn biến giống cuối năm 2008. Có điều lạ lùng là năm nay lãi suất này tăng cao mà không có lý do cụ thể. Năm 2008, lãi suất liên ngân hàng tăng vì lúc đó các ngân hàng phải mua tín phiếu, trái phiếu bắt buộc, còn thời điểm này các ngân hàng hoàn toàn không bị ràng buộc yếu tố nào. “Tôi cũng không nghĩ lãi suất bình quân liên ngân hàng lại tăng nhanh như vậy, chỉ trong 1 ngày đã chạm mức 40%”, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ngạc nhiên.

Cũng theo vị này, nhìn nhận từ trong hệ thống các ngân hàng, nguyên nhân của việc thiếu hụt thanh khoản hiện nay có thể do “tắc” dòng chảy của tiền, bởi một vài ngân hàng lớn bị  nợ xấu bủa vây.

Trước thực tế thiếu hụt thanh khoản của nhiều ngân hàng, ngày 18/10, NHNN cho biết đang tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng tổ chức tín dụng, nên sẽ có biện hỗ trợ thích hợp các tổ chức tín dụng có khả năng thiếu hụt thanh khoản. Khẳng định của NHNN là sẽ bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như cả hệ thống. Mặt khác, trong thông điệp cùng ngày, NHNN cũng khẳng định, sáp nhập, hợp nhất là xu hướng tất yếu, khách quan để nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Toại cũng đồng tình cho biết: “Cái gì an toàn và khiến hệ thống phát triển tốt thì ủng hộ. Trong thời điểm hiện nay, sáp nhập, hợp nhất đã là điều cần thiết”.

Theo NHNN, thị trường tiền tệ đã có chuyển biến tích cực và dần ổn định, lãi suất huy động vốn bằng VND không quá 14%/năm và lãi suất cho vay dưới 19%/năm đối với khu vực sản xuất. Quan hệ huy động vốn, vay mượn giữa các tổ chức tín dụng trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, khi NHNN siết trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, một số ít ngân hàng bộc lộ khó khăn thanh khoản tạm thời. (Bảo An).

Mỹ Dung

ĐẤT VIỆT

Các tin tức khác

>   Tỷ giá ngân hàng tăng lần thứ 10 trong tháng (20/10/2011)

>   Vỡ nợ tín dụng đen thể hiện bất ổn hệ thống tài chính (20/10/2011)

>   NamABank phát triển ngân hàng bán lẻ hàng đầu (21/10/2011)

>   Tiền ơi, mi ở đâu? (20/10/2011)

>   Bài học về sự dễ dãi (20/10/2011)

>   “Choáng” với lãi suất kỳ hạn dài (20/10/2011)

>   Thị trường ngân hàng sắp có biến động? (20/10/2011)

>   Nguyên thống đốc NHNN: USD sẽ không vượt mốc 22.000 (20/10/2011)

>   “Nóng” lãi suất liên ngân hàng (19/10/2011)

>   Vàng bình ổn 'bóc mẽ' tỷ giá đen trong ngân hàng (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật