Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn thấp
Trao đổi với phóng viên về sức ỳ của các ngân hàng trong nước, ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho biết, cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam vẫn còn sơ khai và người tiêu dùng Việt vẫn còn khá “hiền” đối với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng đã tập trung nguồn vốn đầu tư để hiện đại hoá hệ thống, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận đa dạng hoá các dịch vụ. Theo ông, khách hàng đã thực sự được hưởng lợi từ những sản phẩm của ngân hàng?
Mặc dù các ngân hàng trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ, tuy nhiên mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và thế giới. Mức độ phân bổ các chi nhánh, phòng giao dịch không đồng đều, chủ yếu tập trung tại thành thị, quy mô phòng giao dịch, thậm chí chi nhánh còn chưa xứng tầm. Đối với khách hàng cá nhân, tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ở mức khiêm tốn. Phương thức giao dịch chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, giao dịch thông qua hệ thống điện tử chưa phổ biến. Mảng kinh doanh thẻ và thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa phát triển rộng rãi. Các ứng dụng trong việc sử dụng thẻ chưa đa dạng, mức độ liên minh giữa các ngân hàng trong hệ thống thẻ (Smartlink) chưa cao, gây khó khăn và bất tiện cho người sử dụng.
Nếu nhìn vào các ngân hàng có chủ trương phát triển thành ngân hàng bán lẻ như Techcombank, ACB, Sacombank, DongABank…, việc đầu tư hạ tầng của họ đã cân xứng với cái tên “ngân hàng bán lẻ” chưa, thưa ông?
Với định hướng phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ như là xu hướng tất yếu và là lợi thế cạnh tranh sống còn trong tương lai, có khá nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư nhân lực và tài lực để xây dựng nền tảng phát triển. Nhiều ngân hàng cũng đã gặt hái được nhiều thành công và được các tổ chức tài chính thế giới công nhận. Ví dụ, Sacombank, Techcombank, ACB... Tuy nhiên, nếu so với các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như HSBC, ANZ, Citibank… hay các ngân hàng bán lẻ trong khu vực, thì khoảng cách vẫn còn khá xa.
Việc cạnh tranh về dịch vụ tài chính cá nhân giữa các ngân hàng trong và ngoài nước cũng rất gay gắt. Để cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính cá nhân, theo ông, ngân hàng cần có những yếu tố nào?
Để tăng cường hiệu quả và đa dạng hóa dịch vụ tài chính cá nhân, các ngân hàng trong nước phải rà soát lại những nguồn lực hiện có và chọn ra phân khúc có thế mạnh trên cơ sở những nhân tố quan trọng như nền tảng công nghệ, yếu tố con người, nền tảng pháp lý.
Theo ông, các ngân hàng phải làm thế nào để có thể thu hút hơn nữa khách hàng?
Có nhiều tiêu chí để khách hàng sử dụng dịch vụ, cũng như gửi tiền vào ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất giảm trong khi các kênh đầu tư như vàng, ngoại hối, bất động sản, chứng khoán bị siết chặt kèm theo rủi ro lớn, thì việc gửi ngân hàng với lãi suất cao và khá ổn định được nhiều người có tiền ưu tiên lựa chọn. Một số tiêu chí khác cũng được khách hàng quan tâm, như chất lượng phục vụ, tính tiện lợi và nhanh chóng của các gói sản phẩm dịch vụ, mức độ thõa mãn của khách hàng hay tính ứng dụng công nghệ vào trong sản phẩm.
Nói chung, tiêu chí lãi suất cao đang được khách hàng quan tâm nhất so với mức độ an toàn và tiện ích. Điều này có thể có lợi cho khách hàng được hưởng lãi cao, nhưng nó dễ dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất, làm tăng rủi ro hệ thống ngân hàng thương mại, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cuối cùng, chính điều đó lại tác động đến khách hàng gửi tiền
Vũ Hoàng
đầu tư
|