Thứ Hai, 24/10/2011 18:00

Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng…

(Vietstock) – Đánh giá cơ hội và thách thức trong việc kiềm chế lạm phát thời gian tới: kiểm soát lạm phát kỳ vọng vẫn là một thách thức đáng kể.

CPI tháng 10 được hãm tốc tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 của cả nước tăng 0.36% so với tháng trước và tăng 21.59% so với cùng kỳ năm 2010. Biểu đồ bên dưới cho thấy đà tăng của CPI theo tháng trong năm 2011 được hãm tốc đáng kể.

Yếu tố quan trọng đóng góp vào sự giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi CPI nhóm này chỉ tăng 0.06%, thấp đáng kể so với mức tăng 0.28% trong tháng 9. Tiếp đến là sự giảm giá đáng kể của nhóm Giáo dục với mức tăng CPI 3.2% so với mức tăng 8.62% trong tháng 9. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, ảnh hưởng của nhóm Giáo dục mang tính thời vụ cao và xu hướng tác động sẽ giảm dần đi sau tháng 9 – là mùa tựu trường.

Ngoài ra, CPI ở nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng bất ngờ giảm điểm cùng với các nhóm Giao thông và nhóm Bưu chính viễn thông.

Sự giảm tốc của lạm phát cũng được thể hiện rất rõ ở hai thành phố lớn TPHCM và Hà Nội, khi CPI ở các thành phố này chỉ tăng lần lượt là 0.18% và 0.13% so với tháng trước. Điểm khác biệt chủ yếu ở hai thành phố này là CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại Hà Nội tăng 0.22% so với tháng trước, trong khi tại TPHCM chỉ tăng 0.06%. Ngược lại, CPI nhóm Giáo dục tại TPHCM tăng 2.16% so với mức tăng chỉ 0.04% tại Hà Nội – có thể do tác động của khối giáo dục tư nhân.

Kiềm chế lạm phát: Cơ hội và thách thức

Xu hướng giảm tốc của CPI những tháng đầu năm 2011 khá giống với xu hướng của chỉ số này trong năm 2008. Liệu CPI trong những tháng cuối năm 2011 có tiếp tục hãm phanh đáng kể như năm 2008 không? Đâu là những cơ hội và thách thức trong mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Những cơ hội để kiềm chế lạm phát:

(1) CPI nhóm hàng Thực phẩm có xu hướng giảm rõ rệt khi liên tục giảm tốc trong những tháng gần đây, đặc biệt là sự giảm giá trong hai tháng liên tiếp với mức giảm 0.28% trong tháng 9 và 0.49% trong tháng 10, nhờ những nỗ lực tham gia bình ổn giá của các cơ quan chức năng. Công bằng mà nói, sức tăng giá hàng hóa đã phần nào dịu lại vì khi tình hình kinh tế không khởi sắc, áp lực giảm cầu đã buộc nguồn cung cũng phải chủ động kéo giá xuống để thúc đẩy sức mua hàng hóa.

(2) Ảnh hưởng của nhóm Giáo dục trong tháng 10 giảm đáng kể với mức tăng 3.2% so với mức tăng 8.62% trong tháng 9. Điều này là có thể hiểu được vì tác động của nhóm Giáo dục, như chúng tôi đề cập trước đây, mang tính thời vụ cao. Số liệu quá khứ cũng cho thấy rằng ảnh hưởng của nhóm hàng này lên CPI tính chung cho rổ hàng hóa là không đáng kể trong những sau đó.

(3) Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chặt chẽ với ước tính dư nợ tín dụng chỉ tăng 12% và tổng phương tiện thanh toán tăng 12.5%. Với dư địa không còn quá lớn so với chỉ tiêu 12% (tính đến ngày 23/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 8.16% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8.87%), chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2011 chỉ có thể dừng lại ở mức “vừa đủ” và chưa có tín hiệu sẽ được nới lỏng.

Ngoài ra, kiềm chế lạm phát trong những năm tới vẫn được xem mục tiêu trọng tâm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, mức tăng CPI trong năm 2012 được đặt mục tiêu dưới 10% và tăng trưởng tín dụng dự kiến vẫn chỉ từ 15 - 17%, tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 14 – 16%.

(4) Triển vọng kinh tế thế giới chưa mấy sáng sủa khiến mặt bằng giá cả hàng hóa thế giới ít biến động, đặc biệt giá dầu thô hiện đang duy trì khá ổn định xung quanh mức 87 USD/thùng. Sự gia tăng đột biến của giá cả hàng hóa trong giai đoạn hiện nay là khó xảy ra.

(5) Xu hướng giảm tốc lạm phát đang khá rõ và điều này tạo tín hiệu tích cực cho việc giảm thiểu lạm phát kỳ vọng và tạo động lực cho việc kéo hạ mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Những thách thức trong việc kiềm chế lạm phát:

(1) Diễn biến khó lường của thời tiết ở giai đoạn mùa mưa bão khiến giá cả của nhóm mặt hàng Lương thực có dấu hiệu tăng trở lại. Ngoài ra, tình trạng mưa lũ khá phức tạp ở các nước xuất khẩu lương thực, đặc biệt là Thái Lan, cũng góp phần đẩy tăng giá lương thực trên thế giới.

(2) Làn sóng yêu cầu tăng giá gần đây của ngành điện, hàng không, bệnh viện, bảo hiểm… có thể được áp dụng từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát trong những tháng đầu năm 2012.

(3) Đồng USD liên tục giảm mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác; trong khi đó đồng nội tệ VND đi ngược xu hướng khi vẫn duy trì mức giảm giá so với đồng USD. Điều này góp phần gia tăng áp lực lên lạm phát khi giá cả hàng hóa xuất/nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng lên.

(4) Sự biến động phức tạp của giá vàng trong nước cũng là một chủ đề đáng lưu tâm. Mặc dù đã có giải pháp bình ổn của NHNN, giá vàng trong nước liên tục dao động không có xu hướng và dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Sự biến động này, đến lượt, lại tác động tiêu cực lên sức mạnh của đồng nội tệ.

(5) Đã có những dấu hiệu thuận lợi để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng đây vẫn là một thách thức đáng kể trong giai đoạn tới. Nguồn gốc sâu xa của việc kỳ vọng lạm phát cao, đồng tiền giảm giá trong nhiều năm qua trên thực tế bắt nguồn từ những bất cập, yếu kém nội tại chưa thể giải quyết của nền kinh tế.

Vietstock: Trong những tháng cuối năm 2011, đánh giá giữa những yếu tố thuận lợi và bất lợi, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ không có những biến động quá mạnh. Theo đó, lạm phát trong những tháng tới có thể dao động trong khoảng 0.4% - 0.6%/tháng và lạm phát năm 2011 đạt trong khoảng 18% -19% so với cuối năm 2010.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam: Cập nhật Quý 4/2011 (06/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 03 – 07/10/2011 (30/09/2011)

>   Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011 (23/09/2011)

>   Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra (20/09/2011)

>   Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1 (16/09/2011)

>   Room tín dụng phi sản xuất cuối năm 2011: Ước hơn 77,000 tỷ đồng (13/09/2011)

>   CSM: Company Visit Notes - Khó có khả năng hoàn thành kế hoạch 2011 (06/09/2011)

>   Thông tư 22 sửa đổi Thông tư 13 và 19: Đánh giá những ảnh hưởng đến dòng tín dụng (31/08/2011)

>   Xăng dầu hạ giá, lạm phát đạt đỉnh và lãi suất được kéo giảm? (30/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật