Hiểm họa từ tín dụng đen
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về vụ lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán ở TPHCM, vụ lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của khách hàng bảo hiểm nhân thọ Prudential ở Quảng Ninh, thì trong vòng 1 tháng qua ở Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vụ vỡ nợ do lừa đảo thông qua hình thức “tín dụng đen”.
Các vụ việc có hình thức khác nhau, nhưng đều có “mẫu số chung” là lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cực cao. Khi hết cách xoay chuyển dòng tiền, lại gặp lúc thị trường vàng, thị trường chứng khoán và bất động sản khó khăn, không thể “lướt sóng” được nữa, những kẻ huy động vốn khoác áo “đại gia” lần lượt bỏ trốn.
Huy động và vay vốn với lãi suất cao - bản chất của thị trường “tín dụng đen” không phải khái niệm mới. Cách đây 25 năm, vụ lừa đảo của nước hoa Thanh Hương do Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ (huy động vốn với lãi suất 12%/tháng) đã từng gây rúng động cả nước và trở thành bài học đắt giá đối với những người vì lòng tham nên mờ mắt trước bẫy huy động vốn của bọn lừa đảo. Vậy mà, đến nay vẫn có nhiều người tán gia bại sản, nhiều gia đình đổ vỡ vì dính đến “tín dụng đen”.
Vài năm gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn, hoạt động tín dụng chính thức được thắt chặt để chống lạm phát, “tín dụng đen” càng bùng nổ dữ dội. Ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình gặp khó khăn về vốn có thể dễ dàng vay được tiền từ các nguồn “tín dụng đen” nhưng phải chấp nhận mức lãi suất khủng: thấp thì 2.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày, cao có thể lên đến 8.000 – 10.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày. “Trả lãi ngày” với vài ngàn đồng, nghe tưởng nhỏ, nhưng nếu tính theo lãi suất năm thì lên đến 70% - 350%/năm.
Hậu quả, những người vay tiền từ “tín dụng đen” không thể trả được nợ, bởi không có ngành nào kinh doanh đủ lợi nhuận trả tiền lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ không ngừng tăng lên, đến thời điểm không thể chi trả sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với trật tự an toàn xã hội.
Ở khía cạnh ngược lại, “tín dụng đen” càng nguy hiểm hơn khi một số cá nhân khoác vỏ bọc “đại gia” huy động vốn với lãi suất cực cao. Hám lợi, nhiều người dân đã dốc hết số tiền mình có, thậm chí đi vay mượn hoặc bán tài sản để đem “gửi trứng cho ác”. Và đỉnh điểm, khi kẻ vay tiền vỡ nợ, bỏ trốn, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho những người cho vay tiền.
Nguyên nhân của vỡ nợ từ “tín dụng đen”, trước hết xuất phát từ lòng tham của một số người, không nhận thức đầy đủ về độ rủi ro rất lớn khi cho vay tiền với lãi suất cao. Mặt khác, theo nhìn nhận của các chuyên gia, để xảy ra các vụ việc vỡ nợ liên tục trong thời gian qua là hậu quả của việc một thời gian dài công tác quản lý hoạt động này bị buông lỏng.
Khi kinh tế đi lên, sốt đất, sốt vàng, khả năng thanh toán còn thì “tín dụng đen” âm thầm phát triển mạnh. Sự lỏng lẻo của pháp luật đã không tính được hết các tình huống phòng bị chuyện đó cho người dân. Đặc biệt, hệ thống thông tin đã không giúp người cho vay có thể thẩm định được những người đứng ra vay mượn trên cơ sở pháp lý nào, những điểm pháp luật đảm bảo, mức độ tín nhiệm cá nhân ra sao… Tất cả những lý do đó đã trực tiếp gây thiệt hại tới những người rơi vào vòng xoáy của việc huy động tiền.
Một số chuyên gia còn dự báo rằng những vụ vỡ nợ liên quan đến “tín dụng đen” sẽ còn tiếp diễn theo hiệu ứng domino, nếu như không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Việc khắc phục sẽ rất khó khăn bởi hậu quả để lại rất nghiêm trọng đối với xã hội.
Trong khi đó, nếu chỉ xử lý về mặt hình sự, bắt giữ những đối tượng lừa đảo thì chưa thể ngăn chặn sớm, cũng chưa xử lý tận gốc hậu quả do “tín dụng đen” để lại. Đòi hỏi hiện nay, phải khẩn trương siết chặt hoạt động vay, huy động vốn tự phát, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa, không hám lợi mà mắc vào “bẫy tiền”.
Về lâu dài, cần sớm thực hiện chủ trương tái cơ cấu thị trường tài chính - ngân hàng theo hướng hiệu quả và minh bạch hơn. Khi đó, người dân sẽ có nhiều thông tin và sự tin tưởng để gửi tiền hoặc vay tiền từ hệ thống ngân hàng được pháp luật bảo hộ, thay vì tìm đến “tín dụng đen”.
Trong bối cảnh nước ta đang đối diện với nhiều thách thức lớn như lạm phát cao, ổn định vĩ mô chưa vững chắc, đà tăng trưởng có nguy cơ suy giảm, diễn biến phức tạp của các vụ vỡ nợ liên quan đến “tín dụng đen” trở thành hiểm họa đối với nền kinh tế.
Các cơ quan chức năng cần sớm nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời ngăn chặn tận gốc hiểm họa này.
Bảo Minh
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|