Ngân hàng thận trọng trước rủi ro nợ xấu
Dù nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cuối năm tăng, song nhiều ngân hàng vẫn rất dè dặt trong việc cho vay, vì lo ngại nguy cơ nợ xấu.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 7/2011, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng là 3,04% trong tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 2,16% vào cuối năm 2010. Còn số liệu của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho thấy, đến cuối tháng 8/2011, nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chiếm 2,05% tổng dư nợ, tăng 0,18% so với cuối năm 2010, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng 0,4%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng 0,05%...
Theo số liệu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tính đến ngày 30/6/2011, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt 419.438 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 23.953 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7%. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) là trên 191.589 tỷ đồng, trong đó nợ thuộc nhóm 5 (có khả năng mất vốn) là 3.731 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Sacombank không đặt nặng về tăng trưởng huy động cũng như cho vay. Do đó, tính đến cuối tháng 8/2011, dư nợ cho vay của Sacombank chỉ tăng 4,6% và huy động vốn tăng 3,8% so với cuối năm 2010. Như vậy, “room” tín dụng còn lại cho hơn 3 tháng cuối năm của Ngân hàng này rất lớn, hơn 15%. “Mục tiêu của Ngân hàng là đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng bền vững. Vì thế, Sacombank không chạy theo chỉ tiêu cho vay vốn trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, tính đến ngày 9/8/2011, tỷ lệ nợ quá hạn của Sacombank được kiểm soát ở mức 0,675% và tỷ lệ nợ xấu là 0,4%.
Tổng giám đốc DongABank, ông Trần Phương Bình cũng cho rằng, đến thời điểm này, dư địa tín dụng còn lại của Ngân hàng là 6 – 7%, nhưng không phải vì thế mà DongA Bank ồ ạt cho vay để sử dụng hết “room” cho phép. “Đây là thời điểm Ngân hàng đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu gia tăng. Do đó, trong lúc này, DongA Bank cũng chỉ ưu tiên nguồn vốn giá rẻ (lãi suất cho vay 17% - 19%/năm) cho khách hàng truyền thống hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu có dự án khả thi và sức khỏe tài chính tốt”, ông Bình nói.
Trong 6 tháng đầu năm nay, vốn huy động của HDBank đạt 39.923 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái; nợ xấu được kiểm soát dưới 1,39%.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, trước bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, lạm phát cao, trong khi các ngân hàng chỉ huy động được nguồn tiết kiệm ngắn hạn, nên việc thận trọng trong phát triển tín dụng là hết sức cần thiết để tránh nguy cơ rủi ro.
Phát biểu tại một hội nghị vừa qua tại TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tổng nợ xấu của ngành ngân hàng tính đến tháng 6/2011 vào khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%.
Đại diện nhiều ngân hàng đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc cho vay phải được thực hiện một cách thận trọng, có chọn lọc để ngăn ngừa rủi ro không đáng có.
Thùy Vinh
Đầu tư
|