Doanh nghiệp sẽ có vốn rẻ hơn trong mùa lễ, tết
Kể từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất cho vay thỏa thuận VND được không ít ngân hàng điều chỉnh giảm. Trong đó, phải kể đến những nhà băng quy mô lớn, có nguồn vốn khả dụng dồi dào và lợi thế cạnh tranh về huy động tiền gửi.
|
Lãi suất sẽ theo xu hướng giảm từ nay đến cuối năm |
Chẳng hạn như Techcombank không hạn chế nguồn vốn cho vay tài trợ xuất khẩu với lãi suất từ 17,9%/năm; ACB tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất… Mức lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh về đúng chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở mức 17 - 19%/năm. Thậm chí, một số nhà băng như VCB, OceanBank còn giảm xuống 16%/năm…
Tuy nhiên, mức lãi suất trên chưa được áp dụng đại trà mà chỉ ưu tiên cho một số phân khúc khách hàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và nông nghiệp - nông thôn. Một phần do chi phí đầu vào trong thời gian trước đây vẫn là sức ép lớn, đồng thời việc tìm kiếm khách hàng tốt để đảm bảo độ an toàn tín dụng cũng là một bài toán khó với các ngân hàng.
Vấn đề nan giải trên thị trường hiện nay là những nhà băng quy mô vừa và nhỏ khó có thể chạy đua với ngân hàng lớn trong việc cắt giảm lãi suất cho vay. Theo lãnh đạo của một ngân hàng có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trên địa bàn TP. HCM, giảm lãi suất cho vay là điều kiện cần thiết để khơi dòng tín dụng, đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, đồng thời đó cũng là yếu tố hỗ trợ ngân hàng trong việc hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận. Thế nhưng, vị lãnh đạo trên cho rằng, do áp lực từ nguồn tiền gửi, ngân hàng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay thỏa thuận về 17 - 18%/năm. Trước mắt, nhà băng này chỉ có thể xem xét cấp vốn cho những khách hàng có dự án khả thi, với lãi suất ưu đãi ở mức 19%/năm.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét động thái của ngân hàng bạn, cũng như diễn biến của mặt bằng chi phí huy động vốn đầu vào trong thời gian tới để có lộ trình giảm lãi suất cho vay. Bởi với trần lãi suất huy động được cào bằng một mức như hiện nay, các ngân hàng nhỏ rất khó giữ được nguồn tiết kiệm sẵn có để cho vay. Mặt khác, nguồn vốn huy động về trước đó có chi phí khá cao, nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay thì ngân hàng sẽ bị lỗ", ông này nói.
Trong khi đó, các nhà băng lớn lại có lợi thế hơn nhiều trong việc cắt giảm lãi suất cho vay. Đơn cử như Eximbank, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, ngoài gói vốn 3.000 tỷ đồng dành tài trợ cho DN trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh với lãi suất ưu đãi 18%/năm cũng như ưu đãi lãi suất cho DN xuất khẩu trước đó, trong thời gian tới Eximbank tiếp tục xem xét để giảm dần áp lực lãi vay đối với khách hàng dịp cuối năm.
Theo nhận định của ông Phước, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm dần chứ không thể dừng lại ở mức như hiện nay.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị - kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM cũng cho rằng, lãi suất cho vay thỏa thuận đang hướng xuống và sẽ còn giảm mạnh khi có động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn vốn rẻ hơn tuy chưa được áp dụng đồng loạt, nhưng đã phần nào giảm áp lực cho các DN trong việc sử dụng vốn vay phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu dịp cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Dương, để có thể đưa ra dự báo diễn biến lãi suất cho vay trong những tháng còn lại của năm là không dễ. Bởi tình hình kinh tế trong nước còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới vốn rất khó dự đoán. Bên cạnh đó, lãi suất còn phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng còn lại của năm. Thực tế, CPI tháng 8 đã có dấu hiệu khả quan, song ông Dương cho biết, chưa thể nói trước diễn biến lạm phát trong quý IV khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng thời gian này thường tăng cao. Đồng thời, những tháng cuối năm, các ngân hàng, nhất là những đơn vị nhỏ, đều phải cạnh tranh khốc liệt để giữ nguồn tiền tiết kiệm, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế thường tăng đột biến. Mặc dù vậy, xu hướng giảm dần lãi suất là chắc chắn, vì đó còn là nhu cầu của ngân hàng nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, hướng tới mục tiêu lợi nhuận đã được đề ra.
"Từ nay đến cuối năm, mức lãi suất cho vay 17 - 19%/năm vẫn tạo ra nhiều áp lực đối với DN, nhưng dù sao cũng tốt hơn so với trước. Theo tôi, nếu mức lãi suất này được áp dụng phổ biến cho tất cả các khách hàng sẽ tác động tích cực đối với hoạt động của DN, thay vì chỉ ưu tiên cho một số phân khúc và lĩnh vực trong danh mục mà ngân hàng lựa chọn hiện nay", ông Dương nói.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|